(HNM) - Trong hai ngày 30-11 và 1-12, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ngay sau khi phiên họp kết thúc, 17h hôm qua 1-12, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo về phiên họp.
Lãnh đạo các bộ, ngành TƯ đã giải đáp hàng loạt vấn đề "nóng" đang được dư luận hết sức quan tâm. Chính phủ cũng tái khẳng định những nguyên tắc hành động nhằm bảo đảm an toàn, ổn định và phát triển hợp lý cho nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Ba nội dung tái cơ cấu lớn
Tại phiên họp thường kỳ, Chính phủ đã cho ý kiến về 3 đề án lớn gồm tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tái cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 và tái cơ cấu đầu tư.
Việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.Ảnh: Hoàng Hùng
Chính phủ thống nhất tái cấu trúc DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và thực hiện tốt hơn vai trò của DNNN là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Trong 5 năm tới, dự kiến sẽ có 573 DNNN được sắp xếp, cổ phần hóa. Theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam, chủ trương chung của Chính phủ là đẩy nhanh tiến độ sắp xếp DNNN. Trong đó, những doanh nghiệp bị lỗ liên tục cần phải sắp xếp lại. Liên quan vấn đề này, trả lời về trường hợp Jetstar Pacific, ông Vũ Đức Đam cho biết, Nhà nước đang nắm giữ cổ phần chi phối thông qua Công ty quản lý vốn nhà nước SCIC. Hiện nay, các cơ quan chức năng đã đề xuất phương án xử lý để ngăn việc Jetstar Pacific lỗ liên tục nhiều năm nay là Nhà nước sẽ nắm giữ 100% cổ phần của doanh nghiệp và việc này sẽ được quyết định sớm.
Về tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015, Chính phủ thống nhất mục tiêu tái cơ cấu nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, quản trị tốt hơn, đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ tốt, từng bước nâng cao tiềm lực tài chính và khả năng cạnh tranh; không còn tổ chức tín dụng yếu kém kéo dài, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Mục tiêu tái cơ cấu là cố gắng có ít nhất một ngân hàng có đủ uy tín, quy mô và sức cạnh tranh tầm cỡ khu vực. Những ngân hàng tốt sẽ được tạo điều kiện phát triển tốt hơn. Quan điểm của Chính phủ là việc ngân hàng cổ phần thương mại ngoài quốc doanh lớn mạnh hơn các ngân hàng quốc doanh là bình thường. Đối với các ngân hàng yếu kém, Chính phủ sẽ hỗ trợ bảo đảm quyền lợi chính đáng của người gửi tiền. Việc cổ phần hóa ngân hàng sẽ theo hướng mở rộng mang tính đại chúng, không phải sở hữu của một nhóm nhỏ hoặc tình trạng các ngân hàng chi phối lẫn nhau.
Về tái cơ cấu đầu tư, Chính phủ thống nhất mục tiêu nhằm tạo ra đột phá trong huy động các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế để đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng lớn, hiện đại, góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh của nền kinh tế… Về nội dung này, ông Vũ Đức Đam khẳng định, tái cơ cấu đầu tư công không có nghĩa cắt giảm; con số tuyệt đối của đầu tư phát triển vẫn tăng, nên không mâu thuẫn với mục tiêu tăng trưởng. Việc tái cơ cấu nhằm mục tiêu quan trọng nhất là tăng tính hiệu quả của đồng vốn đầu tư.
Chính phủ nhấn mạnh, cả 3 nội dung tái cấu trúc nói trên phải được thực hiện đồng bộ, với các chính sách tài khóa, tiền tệ đúng đắn, hiệu quả đi đôi với việc tiến hành đồng bộ 3 khâu đột phá chiến lược.
Giải đáp nhiều vấn đề "nóng"
Tại cuộc họp báo do VPCP tổ chức, nhiều vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm đã được giải đáp. Về lý do tại sao các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang lãi 1.000 đồng/lít xăng nhưng giá bán vẫn chưa giảm, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận giá xăng dầu thời gian qua có biến động giảm. Tổ điều hành liên bộ Công thương và Tài chính đã họp và đưa ra quyết định chưa giảm giá bán vì lý do cụ thể sau: Việc tính toán căn cứ vào giá bình quân trong 30 ngày từ 27-10 đến ngày 25-11. Giá xăng trung bình trong 30 ngày thấp hơn giá cơ sở hiện hành 288 đồng, còn giá dầu trung bình vẫn cao hơn giá cơ sở từ 1.204 đồng đến 1.334 đồng. Với thực tế này, có thể giảm giá xăng 288 đồng/lít, nhưng vẫn phải bù đắp giá dầu. Vì vậy, tổ điều hành thống nhất giữ ổn định giá, dùng quỹ bình ổn giá để bù đắp giá dầu và tăng trích lập quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng.
Đối với tin đồn mặt bằng lãi suất sẽ giảm xuống còn 12% thay vì 14% như hiện nay, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết chưa có chủ trương cụ thể. Tuy nhiên, Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho hay, Chính phủ nhận thấy mặt bằng lãi suất hiện nay quá cao khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, thậm chí tiếp cận được cũng rất khó bảo đảm kinh doanh có lãi. Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước trong thẩm quyền xem xét hạ lãi suất. Theo dõi từ tháng 8-2011 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng liên tục tăng ở mức thấp, nếu tháng 12-2011, chỉ số tăng giá tiêu dùng tiếp tục ở mức dưới 1%, lãi suất cũng phải điều chỉnh cho thích hợp.
Về đề nghị giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, ngày 28-11, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ về đề xuất gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp. Hiện nay, Chính phủ đang xem xét. Còn đề nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của Quốc hội, dự kiến Chính phủ sẽ trình vào kỳ họp thứ ba của Quốc hội (dự kiến diễn ra vào giữa năm 2012).
Trả lời có phải Bộ Công thương dự định họp báo công bố tăng giá điện trong tháng 12 hay không, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, Chính phủ đang cân nhắc thời điểm và mức độ điều chỉnh giá điện. Bộ Công thương chưa có kế hoạch họp báo liên quan đến việc này.
Kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định Tại phiên họp, Chính phủ nhận định, kinh tế vĩ mô từng bước ổn định hơn vào những tháng cuối năm. Tăng trưởng GDP ước cả năm đạt xấp xỉ 6%. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm đáng kể so với đầu năm, tháng 11 tăng 0,39%, là tháng thứ tư liên tiếp tăng dưới 1%. Thu ngân sách tăng vượt mục tiêu đề ra, 11 tháng ước đạt 586,236 nghìn tỷ đồng; bội chi giảm đáng kể so với kế hoạch, ước cả năm bội chi ở mức 4,9% (kế hoạch là 5,3%). Lãi suất tiếp tục có xu hướng giảm. 11 tháng, xuất khẩu đạt 87 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ; nhập khẩu ước trên 96 tỷ USD, tăng 26,4%. Tỷ lệ nhập siêu giảm mạnh, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.