Văn hóa

Giữ nét tài hoa

Nguyễn Lê 21/04/2024 - 17:01

Xã Hiền Giang (huyện Thường Tín, Hà Nội) có dòng sông Nhuệ uốn mình chảy qua. “Nhất cận thị, nhị cận giang”, chẳng thế mà việc giao thương buôn bán trong vùng cũng đặc biệt phát triển. Không chỉ vậy, ở Hiền Giang còn có làng nghề điêu khắc Nhân Hiền nổi tiếng, vang danh khắp trong Nam ngoài Bắc. Nhưng ít ai biết, để có được vị thế như hiện tại, những nghệ nhân trong làng đã và đang không ngừng truyền nghề với mong muốn mạch nghề chảy mãi, có được sự tiếp nối và kế thừa.

Tinh hoa nghề điêu khắc

Tôi biết đến làng nghề điêu khắc Nhân Hiền trong một dịp tham dự triển lãm những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của huyện Thường Tín. Hôm đó, bức tượng điêu khắc Phật bà của Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Trúc ám ảnh tâm trí tôi vì quá sống động và đẹp đẽ. Bà Nguyễn Thị Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Hiền Giang hôm ấy đã hồ hởi nói rằng, làng nghề Nhân Hiền có đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế địa phương. Làng nghề đang sống khỏe.

lang-nghe-nhan-hien.jpg
Tài hoa, cần cù, ham học là nét đặc trưng riêng có của những người thợ nơi đất nghề Nhân Hiền.

Trong nền kinh tế thị trường, giữa lúc nhiều làng nghề đang “bí” đầu ra, người làm nghề chỉ biết thở dài thì sự phát triển của Nhân Hiền là đáng trân quý. Bởi vậy, trong tôi cứ thôi thúc mong một lần ghé qua làng nghề để tận mắt thấy và trải nghiệm.

Quá trưa, trong cái nóng oi ả của ngày đầu hạ, tôi gặp được Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Trúc, một trong những “bàn tay vàng” của làng nghề. Năm 2013, ông được trao danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú và đến năm 2016 thì được trao danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Mồ hôi vẫn còn lấm tấm trên trán, ông Trúc nói rằng mình vừa từ xưởng chế tác về. Hỏi ra mới biết, suốt nhiều năm nay, xưởng của ông chuyên nhận “đỡ đầu”, hay nói cách khác là đào tạo nghề miễn phí cho những thanh niên trong làng có đam mê về điêu khắc.

Ông Trúc quan niệm rằng, điêu khắc là do các bậc tiền nhân của làng truyền lại, bởi thế, việc dạy nghề, truyền nghề nên có sự tiếp nối và phải miễn phí. Có như vậy thì mạch nghề mới bền vững, lớp thế hệ kế cận mới hiểu được kỹ nghệ cũng như tiếp nối được truyền thống của quê hương. Nghĩ như thế nào thì làm thế ấy, vậy nên suốt nhiều năm thầm lặng, Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Trúc đã trực tiếp dạy nghề miễn phí cho gần 200 người. Nhiều người trẻ đã thành nghề và về phát triển xưởng riêng, giúp thúc đẩy sự phát triển của nghề điêu khắc và đưa tên tuổi của làng nghề vang xa.

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Trúc hiện giữ cương vị Chủ tịch Hội Làng nghề điêu khắc truyền thống Nhân Hiền. Câu chuyện của ông cho biết rằng Nhân Hiền là một làng nghề điêu khắc đặc biệt. Bởi nếu như các nơi chỉ có điêu khắc gỗ hoặc điêu khắc đá thì ở Nhân Hiền lại có cả hai. Tài tình ở chỗ, ngay từ thế kỷ XVIII, XIX danh tiếng nghệ nhân làng nghề Nhân Hiền đã vang khắp xa gần, thậm chí còn được cử vào kinh thành Huế phục vụ việc xây dựng cung đình, lăng tẩm...

Một trong những người có nhiều đóng góp trong lĩnh vực điêu khắc đá ở Nhân Hiền là nghệ nhân Nguyễn Minh Phú. Ông Phú là người đạt được nhiều giải thưởng lớn của ngành Thủ công mỹ nghệ Việt Nam như Giải đặc biệt Golden - V 2004 (giải thưởng sáng tạo kiểu dáng sản phẩm); Giải đặc biệt Hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam 2010 - Cúp Thăng Long 1.000 năm; Nghệ nhân Bàn tay vàng của Chương trình nghệ thuật Đông Dương; Giải Tinh hoa Festival Huế - 2004; Giải khuyến khích Golden V-2005; Giải Tinh hoa Việt Nam 2005... Nghệ nhân Nguyễn Minh Phú chia sẻ, làm điêu khắc không đơn thuần là giữ nghề truyền thống của cha ông, mà đó còn là nơi để gửi gắm tâm hồn mình.

Mong mạch nghề chảy mãi

Hội nhập, thích ứng với thị trường là hướng đi tất yếu của làng nghề. Trong nhiều chuyến tìm hiểu thực tế ở làng nghề, tôi nhận thấy không phải nơi nào cũng giữ được nghề truyền thống. Chẳng khó để thấy, những nơi như làng làm giấy sắc phong Nghĩa Ðô (quận Cầu Giấy), đúc đồng Ngũ Xã (quận Ba Ðình), giấy dó Bưởi (quận Tây Hồ), tết thao Triều Khúc, sơn mài Ðông Mỹ (huyện Thanh Trì)... đã gần như chỉ còn là ký ức về một thời vang bóng. Trong các làng, chỉ còn lại một số nghệ nhân tâm huyết còn cố gắng cầm cự, giữ nghề cho trọn một đời.

sp-lang-nghe-nhan-hien.jpg
Các sản phẩm ở làng nghề Nhân Hiền có độ tinh xảo, kỹ thuật cao.

Ở những nơi đất nghề ấy, qua đôi mắt rưng rưng của nhiều nghệ nhân dễ cảm nhận được sự xót xa. Nguyên nhân khiến nghề truyền thống dần biến mất cũng có dăm bẩy đường. Có nguyên nhân đến từ việc nghệ nhân cả đời làm nghề, truyền nghề, giàu kinh nghiệm và độ tinh khéo nhưng lại không có khả năng sáng tạo mẫu mã mới, thậm chí bảo thủ, không chịu tiếp thu cái mới. Có nơi nghề muốn phát triển nhưng việc tiếp cận vốn lại khó khăn. Và, trong muôn vàn lý do ấy thì nan giải hơn cả là đất nghề không còn thế hệ giữ nghề kế cận, thu nhập từ nghề không cao, không đủ trang trải cuộc sống nên không đủ sức níu chân những người trẻ.

May mắn thay, ở làng nghề điêu khắc Nhân Hiền, viễn cảnh ảm đạm ấy không xuất hiện. Nếu như trước kia ở làng có nhiều “bàn tay vàng” nức tiếng như cụ Hoàng Văn Thiều, Trần Văn Bình, thì nay thế hệ kế tiếp có Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Trúc, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Minh Phú...

Thuộc lớp người trẻ tiếp nối nghề, anh Hoàng Văn Kế (sinh năm 1980) chia sẻ, anh được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân năm 2015. Theo lời anh Kế, tại làng nghề Nhân Hiền, để có thể duy trì và phát triển nghề thủ công truyền thống thì những người thợ phải sống được bằng nghề. Vì thế, phải luôn nỗ lực để mở rộng xưởng sản xuất, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, trao truyền kỹ thuật điêu khắc cho những người thợ; đưa những sản phẩm điêu khắc Nhân Hiền đến gần với thị hiếu của khách hàng và thị trường thông qua mạng xã hội... Chỉ có như vậy thì nghề điêu khắc mới vững vàng tồn tại.

Ngoài sự thích ứng với guồng quay của thị trường, Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Trúc còn khẳng định rằng, “bí quyết” giữ nghề ngoài sự tài hoa thì còn cần thêm chữ tín. Quan điểm kinh doanh của người thợ trên vùng đất này là khi đã nhận đặt hàng của khách thì sẽ thực hiện chính xác theo hợp đồng. Đúng ngày, đúng giờ thì họ sẽ giao hàng, không bao giờ để lỡ thời gian. Hàng luôn đảm bảo chất lượng khi xuất xưởng là nguyên tắc đạo đức của người làng nghề.

Cùng với chữ tín thì tài hoa, cần cù, ham học hỏi chính là hành trang để người làng nghề tỏa đi khắp nơi, làm các công trình tín ngưỡng. Với nghề điêu khắc ở Hiền Giang thì từ trước đến nay đều có thiên hướng đi theo trường phái cung đình, người thợ chú trọng tới các chi tiết tinh xảo chứ không chỉ tạc tượng đơn thuần như các làng nghề khác. Bởi thế, chỉ cần giữ được định hướng riêng này thì sẽ có phân khúc thị trường nhất định.

Giã từ làng nghề điêu khắc Nhân Hiền, bỏ lại sau lưng tiếng đục, tiếng chạm khắc... lách cách vọng ra từ các hộ sản xuất, tôi cảm nhận được tình yêu nghề ở người Hiền Giang vẫn đang chảy mạnh mẽ. Sức sống tươi mới ấy có được phần nhiều nhờ sự cố công vun bồi, chắt lọc và tiếp nối tinh hoa từ các thế hệ nghệ nhân trong làng. Hơn hết, có lẽ là lời răn của những nghệ nhân kỳ cựu, rằng cứ trân quý nghề ắt nghề chẳng phụ. Họ luôn tin và mong muốn thế hệ con cháu sẽ không bỏ rơi nghề cổ của cha ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ nét tài hoa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.