(HNM) - Lễ rằm tháng Bảy hằng năm là dịp để người người cùng thể hiện sự biết ơn công đức tổ tiên, thể hiện tấm lòng hiếu kính đối với cha mẹ. Năm nay, mùa Vu Lan báo hiếu, thực tế cho thấy việc gìn giữ nét đẹp truyền thống, loại trừ hủ tục, nghi lễ rườm rà, tránh lãng phí… đã có những nét tích cực đáng ghi nhận.
Lễ Vu Lan báo hiếu đã trở thành một nét đẹp văn hóa. |
Vạn tâm báo hiếu
Giống với mọi năm, lễ Vu Lan báo hiếu được người dân thực hành từ đầu tháng Bảy (âm lịch) với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, như: Làm lễ cúng dường, lễ cầu siêu, làm phúc bố thí, tích phước cầu an, mong cho cha mẹ tăng phúc tăng thọ, hóa giải nghiệp chướng...
Tối 18-8 (tức ngày 8 tháng Bảy âm lịch), hàng trăm phật tử đã đến dự khóa lễ tại chùa Bằng (quận Hoàng Mai) với tâm nguyện cầu an cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Tại chùa Thiên Phúc (quận Hoàn Kiếm), lượng du khách đổ về dâng lễ cúng dường, cầu siêu, vãng cảnh từ đầu tháng Bảy âm lịch đến nay luôn tấp nập. Các chùa như Trấn Quốc (quận Tây Hồ), Phúc Khánh (quận Đống Đa), Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm), Linh Quang (quận Hà Đông)… cũng thu hút hàng nghìn tăng ni, phật tử tham gia các khóa lễ, nghe kinh, thụ đạo từ khi mới bắt đầu mùa Vu Lan báo hiếu, tạo nên một không khí ấm áp, ngập tràn tình yêu thương.
Bà Trần Thu Hương (phố Dương Quảng Hàm, quận Cầu Giấy) cho biết: “Năm nào vợ chồng con cái trong gia đình cũng tới chùa Thiên Phúc để hành lễ, nghe các sư thầy tụng kinh, giảng đạo. Đây là thói quen tốt đẹp, có ý nghĩa khơi dậy giá trị nhân văn, giúp thắt chặt tình cảm, trách nhiệm giữa các thành viên nên luôn được gia đình tôi giữ gìn”.
Trong những ngày này, nhiều gia đình sửa soạn cỗ bàn tươm tất dâng cúng tổ tiên, bày tỏ lòng biết ơn công lao sinh thành, dưỡng dục, đồng thời sắm cỗ chay cúng cô hồn “xá tội vong nhân”. Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, thị trường đồ mã năm nay vẫn khá sôi động, sản phẩm có mẫu mã đa dạng. Khách mua nhộn nhịp, tuy nhiên, những sản phẩm có thiết kế tinh xảo, kích thước lớn, giá trị cao không được nhiều người tìm mua như những năm trước. Tại những khu phố bán đồ mã như Lương Văn Can, Hàng Da, Hàng Mã… sản phẩm đồ mã mang tính đại trà như tiền, vàng, quần áo… là lựa chọn của số đông người mua. Ở nhiều làng nghề làm hàng mã của Hà Nội như Phúc Am (huyện Thường Tín), làng Cót (quận Cầu Giấy), các loại đồ mã đặc biệt như nhà to, xe lớn, ngựa, voi… có tốc độ bán ra khá chậm.
Thực tế thị trường mùa Vu Lan năm nay cho thấy bước chuyển về nhận thức của người dân. Số đông người Hà Nội đã nhận thức rõ hơn về việc đốt đồ mã, biết rằng đốt nhiều là lãng phí. Bởi thế mà việc dâng cúng đồ mã đã được hạn chế dần; tại nhiều chợ dân sinh nhiều người dân chỉ mua tiền, vàng giấy cùng hương, nến. “Phong trào” phóng sinh cũng không còn phổ biến trong năm nay.
Có phải “trần sao âm vậy”?
Nói về tục đốt vàng mã, trên trang tin phatgiao.org.vn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ rõ, trong quan niệm Phật giáo không có tục lệ này. Giấy làm vàng mã là tạp phẩm, không sạch; tiền của dương gian không phù hợp với cõi vô hình…, trong khi bàn thờ là nơi thanh tịnh, linh thiêng, là nơi để con người thờ cúng tổ tiên với lòng thành, tâm kính. Phật giáo luôn quan niệm “cứu một người phúc đẳng hà sa”, số tiền mua đồ mã dùng để cứu người, hỗ trợ người nghèo có nếp nhà tình nghĩa, phát triển kinh tế thì có ý nghĩa hơn nhiều.
Hòa thượng trụ trì chùa Bằng (quận Hoàng Mai) Thích Bảo Nghiêm khẳng định: Báo hiếu, tỏ lòng biết ơn với cha mẹ, tổ tiên là tâm nguyện chính đáng. Tuy nhiên, do không có nhiều thời gian tìm hiểu và biết rõ về sự tích, ý nghĩa của ngày lễ nên nhiều người dân vô tình "làm theo đám đông", đồng nhất lễ Vu Lan với tục đốt vàng mã, vừa hao tiền, tốn của, không giải quyết được việc gì vừa ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Việc này còn gây nên hệ lụy xấu là cổ xúy thói a dua, đua đòi, cạnh tranh mù quáng. Nhiều năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tăng cường giáo dục, khuyên răn tăng ni, phật tử không nên dâng cúng, đốt vàng mã trong ngày rằm tháng Bảy nói riêng, các ngày lễ nói chung. Quan điểm này đã dần được nhân dân hưởng ứng, góp phần đẩy lùi tư tưởng “trần sao, âm vậy” gây lãng phí và nhiều hệ lụy xấu khác.
Hòa thượng trụ trì chùa Linh Quang (quận Hà Đông) Thích Đàm An nhấn mạnh: Lễ bái dịp rằm tháng Bảy không câu nệ lễ vật, mà quan trọng hơn hết là tấm lòng hiếu kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Thay vì làm những việc phi lý, vô ích như sắm sanh thật nhiều lễ vật, tốn kém để cúng tế, hãy chuyển nguồn công đức đó làm từ thiện, giúp đỡ người kém may mắn hơn trong xã hội. Trong thực tế, nhiều tổ chức, cá nhân đã hướng về những lời răn dạy này để có những việc làm mang lại giá trị, ý nghĩa thiết thực hơn cho cộng đồng. Đây cũng là cách loại trừ hủ tục, tập quán không còn phù hợp, gìn giữ, bồi đắp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nói đến lễ Vu Lan, nhiều người thường nhắc tới sự tích Mục Kiền Liên cầu xin Đức Phật chỉ cách cứu mẹ ruột đang chịu nạn dưới địa ngục do có hành động tội lỗi lúc sinh thời. Sau khi được Đức Phật truyền dạy, Mục Kiền Liên sửa soạn lễ vật, rước chư tăng mười phương về lập đàn, chú nguyện vào đúng dịp rằm tháng Bảy. Sự thành kính của Mục Kiền Liên cuối cùng đã giúp mẹ ông siêu thoát. Câu chuyện cứu mẹ trở thành một trong những biểu tượng về tấm lòng hiếu kính được truyền từ đời này qua đời khác. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.