Đến nay, số làng nghề làm sản phẩm gốm truyền thống không còn nhiều và đều thăng trầm với thời gian. Nói như vậy để cảm nhận và chia sẻ rằng, muốn tồn tại và phát huy vốn cổ trong sản xuất không bao giờ là dễ. Nhưng có một doanh nghiệp (DN) hồi sinh trên đất truyền thống, đang phát triển đó là Xí nghiệp (XN) Gốm Chu Đậu vừa tròn 10 tuổi...
Sản xuất đồ gốm mỹ nghệ tại làng nghề Chu Đậu. Ảnh: Dương Huyền
Năm 2001, nhận thấy vai trò quan trọng trong việc khôi phục làng nghề gốm cổ Chu Đậu kết hợp với du lịch làng nghề, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã thành lập XN Gốm Chu Đậu, với số vốn đầu tư giai đoạn 1 là 24 tỷ đồng. Hapro đã xây dựng nhà xưởng, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại để khôi phục lại dòng gốm cổ đã thất truyền tại chính địa phương này. Sau chặng đường ban đầu gian khổ, đến năm 2003 XN Gốm Chu Đậu đi vào sản xuất và xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang Tây Ban Nha. Nhằm quảng bá thương hiệu và giá trị văn hóa dân tộc, năm 2004 XN đã khánh thành gian hàng trưng bày với 1.000m2 để giới thiệu các sản phẩm trên cơ sở phục chế các mẫu mã cổ, gồm bình, ang, chậu, bát... Năm 2009, XN được Tổng công ty phê duyệt đầu tư xây dựng giai đoạn 2 gồm các hạng mục: không gian vườn gốm thư pháp, nhà thờ tổ gốm linh từ, nhà bát giác, xưởng sản xuất số 2, kho hàng xuất khẩu; tổng số vốn đầu tư hơn 7 tỷ đồng. Đây là một bước thay đổi về "chất", nâng tầm thương hiệu của dòng sản phẩm gốm Chu Đậu, kết hợp truyền bá và làm thăng hoa giá trị tinh thần của dòng gốm cổ Đồng bằng Bắc bộ. Đó cũng là nguyên nhân lý giải vì sao sản phẩm của XN đã có mặt tại một số thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc...
Đại diện XN cho biết, những năm đầu hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn do nghề gốm đã bị mai một từ lâu đời, bí quyết công nghệ không còn truyền lại, đội ngũ công nhân phần lớn còn trẻ lại chưa có tay nghề… XN phải mở các lớp đào tạo, mời các nghệ nhân về truyền nghề, đầu tư nghiên cứu các bài men cổ, tạo "xương cốt", kỹ thuật sản xuất, đồng thời gửi công nhân đi học tại các làng nghề gốm khác. Rồi sản phẩm gốm Chu Đậu ra đời, phục hồi được hàng nghìn mẫu mã cổ với nhiều kiểu dáng, kích thước khác nhau và phát triển đa dạng mẫu mã mới; công tác xúc tiến, quảng bá được XN chú trọng, tham gia vào các lễ hội, hội chợ, triển lãm… Qua thời gian, sản xuất tăng trưởng bình quân 25%/năm, thu nhập người lao động được nâng cao và đơn vị đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Hằng năm, Chu Đậu đón hàng nghìn lượt khách trong, ngoài nước đến tham quan, mua sắm sản phẩm làm quà lưu niệm. Đặc biệt, XN vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước tới thăm, động viên khích lệ. Thương hiệu Gốm Chu Đậu Hapro đã trở thành quen thuộc, thân thiết với nhiều khách hàng trong nước và quốc tế. Nơi đây đang trở thành điểm hấp dẫn du khách đến tham quan, trở thành địa danh trong bản đồ du lịch của tỉnh Hải Dương. Với thành tích đó, XN Gốm Chu Đậu đã nhận được nhiều bằng khen của Bộ Công thương, của UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương trao tặng.
Theo chiến lược phát triển từ năm 2013 đến năm 2020, XN Gốm Chu Đậu sẽ xây dựng khu sản xuất làng nghề tập trung với diện tích khoảng 10ha cho các hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn sản xuất tập trung. Tiếp theo, Tổng Công ty Hapro chỉ đạo XN Gốm Chu Đậu nghiên cứu, xây dựng khu du lịch làng nghề sinh thái, trong đó nhấn mạnh các mô hình sản xuất đồ gốm từ thời sản xuất thô sơ đến nay, đưa Chu Đậu thành một vùng sản xuất gốm sứ, một trung tâm du lịch làng nghề tại phía bắc Việt Nam...
Hôm nay, du khách thập phương và bạn hàng đến thăm Chu Đậu, thấy ấm lòng bên những ngọn lửa lò bập bùng, lan tỏa. Đó là tấm lòng những người thợ ngày đêm cần mẫn với nghề truyền thống. Tất cả để giữ nghề, cũng là sự kết hợp giữa giá trị kinh tế và tinh thần của một vùng đất, của những con người có bề dày hàng nghìn năm lịch sử, kết tinh từ sức sáng tạo, quá trình đấu tranh với thiên nhiên, ngoại xâm để giữ gìn bản sắc Việt...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.