Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giữ gìn trật tự an toàn giao thông: Tuyên truyền mạnh, xử lý nghiêm

Thành Tâm| 23/03/2013 05:48

(HNM) - Theo kết quả thăm dò mới đây trong các giải pháp kiềm chế và làm giảm TNGT, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT được cho là quan trọng nhất...

Các cơ quan chức năng cũng đánh giá cao tầm quan trọng của công tác này. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, công tác tuyên truyền về TTATGT có phần chưa đạt tầm, chưa đúng trọng tâm.

CSGT - kiểm tra người điều khiển xe máy tham gia giao thông. Ảnh: Bá Hoạt


Năm 2012, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt - CATP Hà Nội đã cung cấp 417 tin cho các cơ quan truyền thông, tổ chức 106 buổi tuyên truyền về TTATGT cho hơn 32.600 lượt người. So với lực lượng làm công tác tuyên truyền của đơn vị này thì con số đó khá lớn, song so với dân số Thủ đô, với thực trạng ATGT của thành phố, với số đối tượng cần phải tiếp cận kiến thức pháp luật về TTATGT thì chưa thấm vào đâu. Về phương hướng thực hiện công tác tuyên truyền năm 2013, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt cũng chưa có kế hoạch cụ thể tăng cường cho công tác này.

Trong khi từ đầu năm 2013 đến nay, tình hình TNGT trên địa bàn cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng diễn biến phức tạp. Một số giai đoạn TNGT tăng so với cùng kỳ, nhưng công tác tuyên truyền lại có phần "chìm". Dư luận khá "ồn ào" xung quanh những quy định về xử phạt vi phạm gây nhiều tranh cãi như "xe chính chủ", "mũ bảo hiểm thật - giả" mà không hướng đến việc nâng cao tinh thần chấp hành TTATGT của cộng đồng. Cố nhiên, tăng cường xử lý vi phạm là một trong những biện pháp quan trọng và cần thiết để giảm tai nạn, ùn tắc giao thông. Nhưng nếu chỉ tập trung vào việc xử lý mà coi nhẹ giáo dục, tuyên truyền, vận động thì chưa đủ để lay động ý thức, có thể dẫn đến tâm lý đối phó của người tham gia giao thông, như đã và đang tồn tại. Thực tế, số vi phạm bị phát hiện, xử lý năm sau luôn cao hơn năm trước nhưng ý thức chấp hành TTATGT của cộng đồng không mấy chuyển biến, TNGT vẫn là nguy cơ thường trực, trật tự giao thông vẫn lộn xộn.

Bên cạnh đó, dù có tăng cường thì vẫn không đủ nhân lực để rải khắp các tuyến đường. Khi lực lượng chức năng tập trung xử lý vi phạm tại khu vực nội thành thì TNGT tại ngoại thành lại diễn biến phức tạp. Tại các đường liên thôn, liên xã, tỉnh lộ, tình trạng vi phạm luật giao thông diễn ra nhiều. Hai tháng đầu năm, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 109 vụ TNGT, làm 119 người chết, trong đó có 87 vụ xảy ra ở ngoại thành (79,8%) làm 96 người chết (80,7%)...

Vì vậy, việc xử lý nghiêm các vi phạm phải gắn với việc tuyên truyền pháp luật, hiểu biết về TTATGT, trong đó tuyên truyền phải đi trước một bước, vừa để tạo sự đồng thuận trong xử lý, vừa để từng bước xây dựng ý thức chấp hành pháp luật. Kinh nghiệm cho thấy, với mỗi chuyên đề xử lý vi phạm của cơ quan chức năng, nếu công tác tuyên truyền tốt, sâu rộng thì khi triển khai hiệu quả sẽ cao, có tác động xã hội rõ nét.

Theo kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội về công tác bảo đảm TTATGT năm 2013, công tác tuyên truyền một lần nữa được đặt lên hàng đầu với yêu cầu đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp trong trường học; tăng cường phối hợp giữa gia đình với nhà trường và các đoàn thể, tổ chức. Thành phố còn yêu cầu đưa nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT vào sinh hoạt định kỳ của chi bộ, đoàn thể... Điều đó một lần nữa cho thấy vai trò của công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật là vô cùng quan trọng để hướng tới chủ đề của năm 2013 "nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông".

Để đạt được những mục tiêu không nhỏ trong Năm ATGT - 2013 là giảm 10% số vụ TNGT, đã đến lúc các cơ quan chức năng và cả hệ thống chính trị cần xây dựng kế hoạch và triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, giáo dục về TTATGT, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc xử lý nghiêm các vi phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ gìn trật tự an toàn giao thông: Tuyên truyền mạnh, xử lý nghiêm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.