Chính trị

Giữ gìn đạo đức cách mạng - “Vũ khí sắc bén” giúp cán bộ, đảng viên vượt qua cám dỗBài 4: Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất

Nhóm phóng viên 17/08/2024 - 06:53

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhắc nhở đội ngũ cán bộ, đảng viên: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống”; “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất".

Đó là lẽ sống của người cộng sản chân chính, là phương châm tu dưỡng, rèn luyện, gìn giữ phẩm chất đạo đức cao đẹp được bản thân người đứng đầu tiêu biểu của Đảng ta thời kỳ đổi mới nêu gương, góp phần giữ gìn thanh danh cho Đảng, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng.

t7-daoduc-cachmang.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định số 144-QĐ/TƯ về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 35-CT/TƯ về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

“Chiếc gương” để "tự soi" mỗi ngày

Trong nhiều lần phát biểu tại các hội nghị, nhất là các ngành Nội chính, Công an, Tòa án, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhắc đến danh dự của người cán bộ, đảng viên. Đáng chú ý nhất là lời phát biểu tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính năm 2021: “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”.

Theo Tiến sĩ Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, đối với chúng ta, đạo đức lúc này là phải hành động, chứ không phải để bàn suông. Cấp trên phải nêu gương, rồi bản thân mỗi cá nhân cũng phải là tấm gương về đạo đức, tự khắc đạo đức mỗi người, mỗi cán bộ, đảng viên sẽ được chỉnh đốn, dù ở đâu, bất cứ lúc nào. Mỗi người là một tấm gương đạo đức sống để cùng nhau soi, chắc chắn xã hội Việt Nam sẽ hoàn thiện về đạo đức.

Với nhiều năm giảng dạy về công tác xây dựng Đảng, Tiến sĩ Lê Thị Chiên, giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, danh dự của con người không tự nhiên mà có, không phải từ trên trời rơi xuống hay dưới đất mọc lên mà là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phẩm chất và năng lực, giữa đức và tài, trong đó đức là gốc, là tổng hợp của quá trình tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu không mệt mỏi của mỗi người và sự chăm lo, giáo dục thường xuyên của tập thể, tổ chức Đảng thì mới có được và giữ được điều thiêng liêng, cao quý đó. Điều làm nên danh dự của mỗi cán bộ, đảng viên chính là đạo đức trong sáng, biết đặt lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc lên trên hết.

Vì thế, việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 144-QĐ/TƯ ngày 9-5-2024 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, một mặt xuất phát từ sự coi trọng của Đảng ta đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, song mặt khác cũng xuất phát từ tình trạng suy thoái ngày càng nghiêm trọng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ lãnh đạo, quản lý giữ chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị. Điều đó khiến Đảng ta phải xác định cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một cuộc chiến chống giặc “nội xâm” rất cam go, quyết liệt nhưng là một xu thế “không thể đảo ngược”.

Với vị trí, vai trò là đảng bộ lớn nhất cả nước với 50 đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc, hơn 48 vạn đảng viên, chiếm hơn 9% tổng số đảng viên cả nước, nhiều năm qua, Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn đi đầu trong việc ban hành các chỉ thị, nghị quyết nhằm xây dựng cũng như giữ gìn chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới.

Trước khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 144-QĐ/TƯ, ngày 7-8-2023, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”. Điểm nhấn đáng chú ý trong việc triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU không chỉ là gắn trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong giải quyết việc khó, việc mới của địa phương, đơn vị, mà còn trở thành thước đo đánh giá năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên trên địa bàn thành phố.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, tiêu đề “tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố” tại Chỉ thị số 24-CT/TU đã đặt nội dung “kỷ cương” lên đầu tiên, tiếp đó là “kỷ luật”, “trách nhiệm”. Đây chính là sự tăng dần mức độ, yêu cầu trong công tác quản lý hành chính và thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở. Việc triển khai hiệu quả Chỉ thị số 24-CT/TU gắn với những nội dung của Quy định số 144-QĐ/TƯ sẽ giúp mỗi cán bộ, đảng viên thường xuyên “tự soi, tự sửa”; đồng thời khơi lên khát vọng cống hiến của đội ngũ cán bộ, đảng viên và người lao động để xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Đồng chí Nguyễn Đức Hà (nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng - Ban Tổ chức Trung ương; giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, Quy định số 144-QĐ/TƯ là “chiếc gương” để mỗi cán bộ, đảng viên "tự soi" mình mỗi ngày, từ đó thật sự là người đi trước, phát huy những yếu tố tích cực trong lao động, sản xuất, đi đầu trong đấu tranh với những sai trái, nhận ra những biểu hiện lệch lạc, biết dừng kịp thời và biết sửa sai.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Viết Lưu, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, để vượt qua cám dỗ thì mỗi cán bộ, đảng viên cần có thái độ nghiêm túc học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức suốt đời. Đây là yếu tố có vai trò quan trọng hàng đầu bởi nó chi phối đến hành vi, quyết định của mỗi người. Đồng thời đó là cơ sở để hoàn thiện nhân cách của người cán bộ, đảng viên, giúp cho họ có động lực chính trị phấn đấu vươn lên, tự khẳng định mình, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh hiện nay.

Cơ sở để lựa chọn cán bộ có tâm, xứng tầm

Thực tiễn đã chứng minh, dù ở giai đoạn cách mạng nào, Đảng ta luôn coi trọng xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Quy định số 144-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị với các chuẩn mực đạo đức cách mạng được ban hành đã đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài; đồng thời là kim chỉ nam để cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp xem xét, lựa chọn cán bộ đưa vào quy hoạch và giới thiệu bầu cấp ủy khóa mới.

Quy định số 144-QĐ/TƯ được ban hành vào thời điểm các cấp ủy Đảng đang chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2025-2030 tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Vì thế, những nội dung cốt lõi trong Quy định số 144-QĐ/TƯ là căn cứ quan trọng để chuẩn bị tốt công tác nhân sự Đại hội Đảng các cấp. Quy định số 144-QĐ/TƯ cũng định hướng nhiều nội dung quan trọng cho công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và xây dựng đạo đức công vụ.

Quy định số 144-QĐ/TƯ nhấn mạnh đến tiêu chí danh dự, lòng tự trọng. Với việc thực hiện quy định này, cán bộ, đảng viên dù ở vị trí nào cũng đều nhận thức rõ nên dũng cảm từ chức khi không còn đủ khả năng, uy tín, khi lòng dạ không còn trong sáng trước Đảng, Tổ quốc, nhân dân. Đây là bước đột phá trong công tác xây dựng Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, khi triển khai thực hiện Quy định này, văn hóa từ chức sẽ trở thành một nét mới trong đời sống chính trị, là công việc rất bình thường trong công tác cán bộ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Cường (Viện Xây dựng Đảng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, Quy định số 144-QĐ/TƯ đã đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn đối với việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị hiện nay. Đặc biệt là góp phần loại bỏ những vướng mắc, bất cập nảy sinh từ thực tế nhưng chưa có quy định để điều chỉnh; thiết thực đưa chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới vào cuộc sống.

“Quy định số 144-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị còn là tiêu chuẩn, thước đo, góp phần nâng cao hiệu quả công tác nhận xét, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên, là cơ sở để cấp ủy Đảng các cấp xem xét, đánh giá, lựa chọn cán bộ, đảng viên đưa vào quy hoạch, giới thiệu bầu cấp ủy khóa mới. Đồng thời là tiền đề quan trọng trong việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Cường nhấn mạnh.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giữ gìn đạo đức cách mạng - “Vũ khí sắc bén” giúp cán bộ, đảng viên vượt qua cám dỗ Bài 4: Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.