Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giữ chữ Đức cho con cháu

Nguyễn Tùng - Kiều Khải| 07/03/2014 06:39

(HNM) - Sinh năm Giáp Dần (1914), năm nay bước sang tuổi 101, cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ của nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô, được nhìn nhận là một trong những phụ nữ tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội.


Giúp nước thay cha

Trước lễ Quốc khánh 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Bản Tuyên ngôn độc lập tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang, Hà Nội là nhà ở của gia đình ông bà Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ. Đến những ngày đầu lập quốc, trong Tuần lễ vàng gia đình bà Hoàng Thị Minh Hồ đã ủng hộ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 5.147 cây vàng. Đây quả là một khối tài sản lớn bởi sau Cách mạng Tháng Tám, Bộ trưởng Tài chính Phạm Văn Đồng chỉ nhận được một kho ngân khố trống rỗng với hơn 1 triệu đồng tiền Đông Dương, trong đó quá nửa là tiền cũ, rách nát.

Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ.



Sinh trưởng trong một gia đình thương gia lớn, từ thuở bé bà Hoàng Thị Minh Hồ không biết khổ là gì, nhưng được các cụ thân sinh dạy phải biết quý trọng đồng tiền làm ra từ sức lao động của chính mình nên từ năm 12-13 tuổi, bà đã biết kiếm tiền bằng trí tuệ, bằng đôi bàn tay từ những việc đơn giản như khâu đan áo cho trẻ rồi đến lúc ra đứng cửa hàng buôn bán. Thấy con gái thông minh, đảm đang, tháo vát, cha bà là thương gia Hoàng Đạo Phương, chủ hiệu buôn tơ lụa Vạn Tường danh tiếng ở số 21 phố Hàng Đào, đã căn dặn: "Cha già, cha chưa làm tròn việc nước, sau này con nào có điều kiện thì cố giúp nước thay cha". Lời cha dặn, bà khắc cốt ghi tâm, để rồi khi quốc gia hữu sự, bà cùng chồng dốc toàn bộ của cải vật chất trong nhà ra giúp nước mà không có một sự so đo tính toán nào.

Ngồi bên bà trong một chiều Hà Nội, chúng tôi không hỏi những chuyện quốc gia đại sự, mà chỉ muốn được nghe bà kể lại ký ức về người phụ nữ Hà Nội xưa.

Chuẩn mực là cái nết

Theo bà Hoàng Thị Minh Hồ, chuẩn mực của con gái thời xưa là "cái nết đánh chết cái đẹp". Trong một gia đình nền nếp, con gái Hà Nội không được tiếp xúc với thanh niên, nam giới. Sau này, vì bình đẳng nam nữ, thứ lễ giáo được coi là lạc hậu đó đã được điều chỉnh. Về nữ công gia chánh, trước nhất người con gái phải học để biết làm những việc như thêu thùa, may vá, cỗ bàn, bánh trái. Bà nói, nếp sống của người Hà Nội xưa có sự khác biệt với nếp sống phong kiến của quan lại. Nếp sống quan lại phong kiến khắt khe bao nhiêu thì nếp sống của người hàng phố nhân hậu, cởi mở bấy nhiêu.

Trong ký ức trăm năm của một phụ nữ Hà thành, ba mươi sáu phố phường xưa, phố nào cũng có những nét riêng chứ không lộn xộn như bây giờ. "Khi tối lửa tắt đèn, gặp hoạn nạn là có nhau chứ không như bây giờ gia đình nào biết gia đình ấy", bà nói. Thêm nữa, khi các cụ mà bạn bè với nhau thì giữ nền nếp cho đến đời con đời cháu vẫn có quan hệ. Chơi với nhau là chọn bạn chứ không như bây giờ. "Đã là người Hà Nội, nếp sống trọng sự thật thà và nhân hậu. Cái gì đã nói với nhau thì sẽ không thay đổi bất cứ là việc lớn, việc nhỏ". Nói xong, bà nheo nheo đôi mắt nhìn ra cửa như để tìm lại những ký ức xa xôi về một thời người hàng phố ngày ấy.

Ngày ấy, phố Hàng Ngang (tên thời Pháp thuộc: Rue des Cantonais) có cụ Trịnh Phúc Lợi là người am tường nghề kinh doanh, nhân hậu và biết dùng người, nói như ngày nay "có tầm nhìn chiến lược". Ngoài việc cho ông con cả là Trịnh Văn Bính theo học Trường Cao đẳng Thương mại Pháp quốc, cụ còn đào tạo được một loạt học trò sau này đều rất thành công trong kinh doanh. Đó là bà Trịnh Thị Thục, con gái cụ Trịnh Phúc Lợi, mở hiệu Phúc Đồng; các ông Trịnh Văn Bô, ông Nguyễn Như Mậu mở hiệu Phát Đạt, ông Mai Bá Lân mở hiệu Lợi Quyền... Những học trò của cụ Trịnh Phúc Lợi khi ra mở hiệu riêng đều được cụ giúp đỡ ít nhiều về tài chính.

Thấy chúng tôi cứ chăm chú ghi chép, cụ bà cười hỉ xả, bảo hãy ngừng tay ăn một miếng mứt sen xem vị ra sao, rồi thưởng thức thêm chén trà xanh được hãm rất khéo. Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ vẫn điềm đạm kể theo mạch của câu chuyện.

Làm gì cũng phải giữ chữ Đức

Có một điều trong tôn chỉ kinh doanh được các cụ thân sinh dạy dỗ mà bà thuộc lòng, đó là: "Kinh doanh buôn bán thì phải ăn lời. Nếu mà kiếm được một đồng, để cho con cháu bảy hào, còn ba hào làm từ thiện". Tôi hỏi bà rằng, trong đời kinh doanh, sau này trở thành một nữ thương gia danh tiếng, rồi mang tài sản ủng hộ cách mạng, đến nay bà có suy nghĩ, đúc kết gì để dạy cho con cháu không? Bà cười hiền từ nói: "Đến thế hệ các con của bà thì bà cũng chỉ biết cho con trai, con gái ăn học đến nơi đến chốn, cao nhất là bậc đại học, chứ còn dạy cái nếp xưa cũng không được". Chẳng hạn, thời của bà thì các cụ đặt đâu ngồi đấy. Thời các con bà (7 người con), thì tự tìm hiểu nhau, khi tiếp xúc mà thấy được, bấy giờ báo cáo với bà thì bà chấp nhận. "Thế là đã khác xưa nhiều lắm rồi đấy", bà thừa nhận.

Nếp ứng xử với mọi người xung quanh cho con cháu cũng được cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ truyền đạt giản dị như chính cuộc sống của mình. Khi mà con cháu lập gia đình, bà chỉ khuyên: "Một gia đình nhỏ phải làm sao dâu hiền rể thảo, sống bên nhau cho đến đầu bạc răng long, mãn chiều xế bóng, và vui gia đình chứ không quên nhiệm vụ công tác của mình, phải làm sao đạt hiệu quả cao". Còn gia đình, vợ chồng có cái gì không hài lòng, khẽ đóng cửa mà bảo nhau. Cho nên bây giờ nhà bà là một đại gia đình ngũ đại đồng đường, tất cả 45 người, 14 người con cả trai gái, dâu rể, 10 cháu, 11 chắt, 1 chút… "Nhưng cho đến con, đến cháu ngày nay không có cái chuyện dễ lấy dễ bỏ", bà nhấn giọng với vẻ tự hào.

Kết thúc cuộc trò chuyện, chúng tôi hỏi về bí quyết để giữ gìn sức khỏe, sống trăm tuổi mà trí nhớ vẫn minh mẫn? Cụ Hoàng Thị Minh Hồ cười hồn hậu rồi trả lời nhẹ nhàng: "Bà chả có cái bí quyết gì đâu, chắc là do bà ăn ở nhân hậu và làm từ thiện nhiều cho nên thọ, không có bệnh tật gì hiểm nghèo". Ngày xưa làm từ thiện, "lá lành đùm lá rách" chứ không phải là bây giờ cứ giao cho Nhà nước. Tự tay người giúp đỡ đưa đến gia đình bất hạnh, chứ không phải là giao khoán cho chính quyền. Bà nhớ lại, mùa đông năm 1956, bà đi Chợ Giầu - Đình Bảng (Từ Sơn - Bắc Ninh) thấy mình thì áo bông áo len, mà trẻ con mới hơn một tuổi, có mỗi một manh áo, quần chẳng có, phải chịu giá rét tê người. Về nhà, bà xuất tiền mua mấy nghìn thước vải để may chăn, cán bông. Từ trẻ 4 tuổi cho đến 10 tuổi được tặng áo trấn thủ, áo sợi dài tay. Ngoài ra, bà cũng đưa áo cho Hội Phụ nữ thành phố đi phát cho những học sinh nghèo.

Thời gian cứ trôi đi, những phụ nữ Hà thành với tâm hồn nhân hậu, đáng quý như cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ ngày càng hiếm dần. Hy vọng những thứ quý giá một thời sẽ vẫn được truyền cho con cháu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giữ chữ Đức cho con cháu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.