(HNM) - Bản sắc kiến trúc là một phần hồn cốt của đô thị. Theo dòng lịch sử, thành phố Hà Nội có nhiều công trình kiến trúc mang những yếu tố bản sắc đặc trưng riêng. Trong đời sống hôm nay, giữ gìn bản sắc kiến trúc và hồn đô thị Thủ đô đang là đòi hỏi đặt ra bức thiết.
Dấu ấn Thủ đô trong những kiến trúc tiêu biểu
Theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Trần Quốc Bảo, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế, kiến trúc Việt Nam đương đại vừa đón nhận những thành tựu và kinh nghiệm của kiến trúc thế giới, vừa tiếp tục gắn liền với dân tộc, đồng hành cùng dân tộc, tạo ra những tác phẩm đa sắc màu nhưng vẫn mang bản sắc riêng.
Các sáng tác theo xu hướng hiện đại đã tìm tòi phương cách biểu hiện hình thái kiến trúc bằng những công nghệ mới. Bên cạnh đó là sự nhấn mạnh vào những giải pháp kiến trúc phù hợp với văn hóa và khí hậu Việt Nam, giúp hình thức công trình mang màu sắc bản địa độc đáo. Các công trình tiêu biểu đã xuất hiện nhiều ở thành phố Hà Nội như Nhà Quốc hội Việt Nam, Trung tâm Hội nghị quốc tế, khách sạn Sofitel Plaza Hanoi…
“Nhà Quốc hội Việt Nam có hai khối chính: Phòng họp ở giữa hình tròn và khối nhà bao xung quanh hình vuông tạo ra hình tượng “trời tròn đất vuông”. Bên cạnh đó, việc sử dụng các lam bê tông kết hợp với cây xanh che nắng và các giải pháp tận dụng ánh sáng tự nhiên cho thấy công trình vừa mang xu hướng hiện đại, vừa mang tính bản địa”, Tiến sĩ, kiến trúc sư Trần Quốc Bảo nêu.
Còn theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Vũ Hoài Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội, truyền thống ngàn năm dựng nước và giữ nước là giá trị cốt lõi mà Hà Nội đương đại đã và đang kế thừa, được hiển thị tinh tế trong kiến trúc thời đại Hồ Chí Minh. “Trong sự phát triển mạnh mẽ dẫn đến nhiều hỗn độn, vẫn thấy rõ bản sắc Thủ đô ở những kiến trúc tiêu biểu. Hình ảnh hoa sen, mái cong, hàng cột cách điệu của kiến trúc truyền thống được khéo léo lồng ghép ở Lăng và Bảo tàng Hồ Chí Minh. Những nếp sóng mang tên biển Đông trên mái Trung tâm Hội nghị quốc gia như nhắc nhở người dân về chủ quyền đất nước…”, Tiến sĩ, kiến trúc sư Vũ Hoài Đức nói.
Còn đó nhiều trăn trở
“Sau 30 năm đổi mới, bộ mặt đô thị Hà Nội đang tiến tới văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, những kiểu kiến trúc sao chép, hỗn tạp và na ná giống nhau đang tồn tại khiến người ta cảm thấy đó là những công trình ở một quốc gia nào đó chứ không phải tại Thủ đô của Việt Nam”, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam đánh giá.
Cũng theo kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, bản sắc của kiến trúc đương đại phải bắt nguồn từ tôn trọng quá khứ. Những tư tưởng mới sẽ thổi vào bài học từ lịch sử để trở thành bản sắc của ngày hôm nay. “Hà Nội đang cố gắng xây dựng thành phố sáng tạo với những không gian sáng tạo, nhưng phải bắt đầu từ gốc, từ bản sắc của văn hóa dân tộc, văn hóa Thăng Long ngàn năm. Khi đó, kiến trúc của Hà Nội mới được phát huy và được xã hội công nhận. Nếu không, thành phố sẽ chỉ là nơi du nhập của kiến trúc ngoại lai. Và ngoài trách nhiệm của nhà quản lý, lỗi sẽ thuộc về các kiến trúc sư”.
"Tính bản địa trong kiến trúc phải hướng đến cộng đồng, lấy con người là trung tâm. Những công trình kiến trúc mọc lên dày đặc hiện nay ít mang bản sắc của dân tộc, thể hiện thứ kiến trúc “chụp giật” và cái tôi ích kỷ của các chủ đầu tư khi không nghĩ đến những hậu quả mà chính người dân đang phải gánh chịu như ách tắc giao thông, úng ngập…", kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng nói.
Cùng quan điểm này, kiến trúc sư Nguyễn Thế Phương, Tổng Giám đốc Finko Architect (đơn vị tư vấn thiết kế) cho rằng, các kiến trúc sư cần có một hiểu biết thật sự sâu sắc về văn hóa bản địa và các tập quán xã hội của người sử dụng. Hà Nội là thành phố gồm nhiều thành phần đô thị ghép lại. Trong đó, mỗi thành phần đều mang dấu ấn vật chất và văn hóa của một giai đoạn phát triển đô thị và trở thành bản sắc văn hóa. Kiến trúc đương đại Hà Nội cũng đang mang trên mình những dấu ấn vật chất của thời kỳ đô thị hóa diễn ra hằng ngày. Tuy nhiên, để có thể trở thành những hình tượng mới cho Hà Nội, như khu phố cổ, khu phố thời Pháp thuộc… còn là một chặng đường dài. Trách nhiệm không chỉ thuộc về các nhà chuyên môn, các kiến trúc sư, mà còn là của mỗi một người dân Hà Nội bởi vì bản sắc văn hóa không phải ở hình thức mà trước hết phải được xác định trong tiềm thức.
Cùng với sự phát triển của đất nước, kiến trúc đương đại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã có bước phát triển đột phá cả về quy mô và chất lượng. Dù thời đại nào, kiến trúc vẫn luôn gắn liền với con người sáng tạo ra tác phẩm kiến trúc. Do đó, cần lắm sự cộng đồng trách nhiệm của những người yêu Hà Nội để những sáng tạo kiến trúc bản địa không bị đồng hóa, để bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, của Thủ đô ngàn năm văn hiến được đọng lại trong mỗi công trình...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.