Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giữ an toàn hệ thống đê điều

Kim Nhuệ| 08/05/2021 06:23

(HNM) - Đê điều là công trình đặc biệt quan trọng trong công tác phòng ngừa, giảm rủi ro thiên tai. Tuy nhiên thực tế, trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều vị trí đê trọng điểm, xung yếu, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố... Vì vậy, việc giữ an toàn hệ thống đê điều cần được coi là nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là khi mùa mưa bão đang đến gần.

Ban Quản lý dự án công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội kiểm tra tuyến đê chống lũ rừng ngang trước khi bàn giao cho huyện Mỹ Đức. Ảnh: Kim Văn

Tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố đê điều

Là nơi hợp lưu của 3 dòng sông lớn (Đà, Thao, Lô), lại nằm phía hạ lưu của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, huyện Ba Vì trở thành địa bàn trọng điểm phòng, chống lũ lụt của thành phố Hà Nội. Hơn 70% dân số cùng toàn bộ cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội trọng yếu của huyện được bảo vệ bởi 9,7km đê hữu sông Đà và 26,58km đê hữu sông Hồng... Tuy nhiên, do biến đổi lòng dẫn và hoạt động khai thác cát trái phép nên một số vị trí kè bảo vệ đê, đoạn thuộc địa bàn xã: Sơn Đà, Cổ Đô, Chu Minh... xuất hiện hiện tượng xói lở. “Mặc dù thành phố đã đầu tư kinh phí xử lý nhưng những vị trí đê này vẫn có nguy cơ xảy ra sự cố”, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông cảnh báo.

Về hiện trạng chất lượng công trình trước mùa mưa bão năm 2021, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội Trần Thanh Mẫn khẳng định, các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt đi qua địa bàn thành phố đều bảo đảm cao trình chống lũ ở mực nước thiết kế. Tuy nhiên, do một số vị trí mới được sửa chữa, nâng cấp, chưa qua lũ lớn nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố khi nước lũ dâng cao trong nhiều ngày.

Sở NN&PTNT Hà Nội xác định, trên các tuyến đê đi qua địa bàn Hà Nội còn 4 vị trí trọng điểm cần lập phương án riêng để bảo vệ, gồm: Khu vực đê, kè, cống Xuân Canh - Long Tửu nằm trên tuyến đê tả Đuống (huyện Đông Anh); công trình cống Liên Mạc nằm trên tuyến đê hữu Hồng (quận Bắc Từ Liêm); khu vực đê, kè, cống Tân Hưng - Cẩm Hà, Hiệu Chân nằm trên đê hữu sông Cầu (huyện Sóc Sơn); cống Cẩm Đình nằm trên đê Vân Cốc (huyện Phúc Thọ). Bên cạnh đó, trên các tuyến đê: Hữu Đà, hữu Hồng, Sen Chiểu, tả Đuống của thành phố Hà Nội còn 12 vị trí xung yếu thuộc địa bàn các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thường Tín, Phú Xuyên, Gia Lâm và các quận: Long Biên, Hoàng Mai...

Trong khi đó, Đài khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ nhận định, năm 2021, thành phố Hà Nội có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp 2-3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, 6-8 đợt mưa lớn diện rộng. Trên các sông: Hồng, Đà, Đáy, Đuống, Tích, Bùi... có khả năng xuất hiện 3-5 đợt lũ ở mức báo động từ cấp I đến cấp III. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ từ tháng 7 đến tháng 9.

Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”

Để bảo vệ các tuyến đê trong mùa mưa lũ năm 2021, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải coi bảo vệ hệ thống đê điều là nhiệm vụ thường xuyên. Trước ngày 30-6, Sở NN&PTNT, các địa phương phải hoàn thành công tác tu bổ đê điều, nhất là tại các vị trí, địa bàn trọng điểm, xung yếu; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời xử lý sự cố ngay từ giờ đầu, theo phương châm "4 tại chỗ".

Thực hiện chỉ đạo trên, Sở NN&PTNT Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai các dự án xử lý cấp bách, khắc phục hư hỏng công trình đê điều, tập trung thi công, bảo đảm chất lượng, tiến độ, kịp thời đưa công trình vào chống lũ năm 2021. Các quận, huyện, thị xã lập phương án, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện để bảo vệ các vị trí đê điều trọng điểm, xung yếu; đồng thời, tăng cường tuần tra, canh gác, kịp thời phát hiện, xử lý sự cố.

“Để bảo vệ các tuyến đê, 15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ba Vì đã thành lập tổ tuần tra, canh gác đê. Huyện đã chuẩn bị 3.892m3 đá hộc, 2.100 rọ thép, 4.700 bao tải... sẵn sàng xử lý sự cố trên tuyến đê sông Đà, sông Hồng”, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho biết.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ) Lê Hoài Thi thông tin: “Nằm trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang nên xã Hoàng Văn Thụ luôn coi công tác bảo vệ hệ thống đê điều là nhiệm vụ trọng tâm. Ngoài việc chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư theo chỉ đạo của các cấp, UBND xã còn tăng cường tuyên truyền để người dân nhận thức nhiệm vụ hộ đê là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người”. Về việc này, ông Nguyễn Văn Năm, người dân xã Hoàng Văn Thụ cho hay: “Cứ đến gần mùa mưa bão, mỗi hộ dân đều chuẩn bị đóng góp 1 cây tre, 5 vỏ bao tải, 5kg rơm rạ, 1 bó đuốc hoặc 1 lốp xe đạp hỏng... phục vụ việc hộ đê”.

Biến đổi khí hậu khiến thời tiết, thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường. Với những giải pháp phù hợp thực tế, Hà Nội đang nỗ lực bảo vệ đê điều, ngăn chặn những nguy cơ về lũ lụt trong mùa mưa bão năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ an toàn hệ thống đê điều

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.