Thời tiết chuyển mùa, không chỉ trẻ em mà người lớn trong gia đình tôi cũng thường bị viêm họng cấp. Xin hỏi, cách điều trị và phòng chống viêm họng cấp như thế nào?
Nguyễn Huyền Trâm (Đường Lạc Long Quân - Hà Nội)
Biểu hiện thường thấy của người bị viêm họng cấp tính là sốt cao, đau đầu, nhức mình mẩy, đau rát họng, thậm chí, một số người có thể bị nổi hạch ở cổ. Trẻ nhỏ bị bệnh này thường có dấu hiệu nôn trớ khi ăn, quấy khóc. Những triệu chứng của viêm họng cấp khá giống với biểu hiện của bệnh cảm thông thường nên nhiều người chủ quan, không tìm cách chữa bệnh kịp thời. Mặc dù bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng việc phát hiện và chữa bệnh muộn có thể dẫn đến một số biến chứng nặng nề như thấp tim, thấp khớp, viêm cầu thận. Trẻ em dễ bị viêm họng cấp tính, nhất là vào giai đoạn chuyển mùa vì sức đề kháng và hệ miễn dịch của trẻ còn yếu. Người già cũng thường bị bệnh này, bởi vậy, việc trang bị kiến thức để phòng tránh và xử lý kịp thời khi bị bệnh là hết sức cần thiết.
Để phòng chống viêm họng cấp, quan trọng nhất là phải giữ ấm cơ thể, nhất là cổ, ngực, gan bàn chân. Khi mắc bệnh, cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và nên tăng cường vitamin C nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể. Ngoài ra, bệnh nhân nên súc miệng thường xuyên bằng nước muối loãng ấm. Việc súc họng trước và sau khi ngủ dậy có tác dụng tốt cho việc phòng, điều trị bệnh viêm họng cấp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.