Sách

"Giọt giọt đêm Hà Nội"

Nguyễn Trọng Văn 06/10/2024 19:15

Đề tài về Hà Nội luôn được nhiều thi nhân đặt bút, nhưng trường ca về đề tài Hà Nội có lẽ là con số ít. Lấy sông Hồng làm “nguồn cảm hứng”, nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo đã chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô bằng cách riêng qua trường ca “Giọt giọt đêm Hà Nội”.

Nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo tuổi Kỷ Hợi (1959). Tuy không sinh ra ở Hà Nội nhưng ngay từ lúc lọt lòng chị đã được “tắm mình” trên sông thơ - sông Hồng. Chị bảo rằng: “Đã từng có những giây phút đứng bên bờ sông lắng nghe cồn cào dòng nước đỏ thắm phù sa chảy qua thị xã Lào Cai”. Dường như nguồn nước phù sa ấy đã thấm vào tâm hồn chị, và trong chị đẫm sâu tình cảm với sông Hồng, bởi vậy chị đã viết: “Tôi bay dọc triền sông trên đôi cánh thi ca/ Nghe bao ngọn gió thiêng đang kể chuyện sông Hồng”.

Là người ham đọc sách, thích làm thơ từ nhỏ, nhưng lớn lên Phạm Thị Phương Thảo lại học ngành kinh tế. Ra trường năm 1981, rồi chị ở lại Hà Nội từ đó. Bận rộn với những con số, những tưởng cô học trò giỏi văn ngày nào đã “quên” chuyện thơ phú. Vậy mà không, những lúc được rảnh rỗi là Phạm Thị Phương Thảo lại làm thơ. Chị cứ âm thầm “nuôi” thơ văn cho đến một ngày chợt nhận ra: “Khi rời bỏ cánh rừng ngút ngàn/ Hoa được về với phố”, chị đã: “Mây bay Hồ Gươm/ Em thả xuống mặt hồ/ Chùm thơ khỏa sóng”. Thực là mới lạ và cũng rất nữ tính.

Từ trường ca đầu tiên in năm 2019, cho đến “Giọt giọt đêm Hà Nội” ấn hành năm 2024, tức là sau tròn 5 năm, Phạm Thị Phương Thảo đã viết và in gần như mỗi năm một trường ca. Quả là sức viết đáng nể. Viết trường ca không dễ, nhất là để có được một trường ca “trong lòng độc giả” lại càng khó hơn nhiều. Trường ca “Giọt giọt đêm Hà Nội” của Phạm Thị Phương Thảo có 13 chương. Chưa thể có đánh giá ngay được trường ca “Giọt giọt đêm Hà Nội” thành công mức nào, nhưng tình cảm của tác giả với riêng mảnh đất Thăng Long - Hà Nội là một sự trân quý, là một nỗ lực đáng nể. Như nhà văn Phùng Văn Khai đã nói: “Mạch nguồn văn bản của “Giọt giọt đêm Hà Nội” chính là tự thinh không vang ấm tiếng lòng người Hà Nội, một sự chung đúc với chủ ý và sự toàn tâm, nhất là tình cảm thiêng liêng dành cho đất và người, không gian hiện hữu và chiều sâu lịch sử”.

Và cũng như chị đã viết về Hà Nội: “Hà Nội là những mùa hoa đang trôi/ Năm cửa ô tường gạch phơi ngàn tuổi/ Hà Nội bao kiếp người sinh ra, đến đây và ở lại”. Phạm Thị Phương Thảo đúng là một người trong bao kiếp người sinh ra, đến đây và ở lại. Chị đã đến với Hà Nội từ trong tâm thức và ở lại Hà Nội trong hiện hữu. Phải là những ai yêu và hiểu Hà Nội lắm lắm mới có được những xúc cảm tự nhiên mà sâu đậm về Hà Nội đến thế.

Được biết, trước đó nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo đã có nhiều bài viết về Hà Nội, như: “Thương nhớ sông Hồng”, “Những búp gió Tây Hồ”, “Xuân về trên làng gốm Bát Tràng”, “Phố cổ Hà Nội và thành phố đã ngàn năm tuổi”, “Lang thang phố ai còn nhớ cơm nắm muối vừng?”, “Ai còn mắc nợ dòng sông Cái?”, “Gió sông Hồng thổi cong con đê cũ”, “Đêm Hà Nội nghe gió dọc triền sông”, “Hoa và người Hà Nội”... Phải là người yêu Hà Nội đến “nằm lòng” mới viết ra được những cảm nhận tưởng như thân quen tới mức bình thường ấy. Ấy vậy mà có lần chị đã bảo: “Tôi sẽ tiếp tục viết và viết mãi về Hà Nội bởi mỗi ngày tôi lại nhận ra được những “nét yêu mới mẻ” của Hà Nội. Như cách chị chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô bằng những dòng thơ: “Châu thổ sông Hồng/ Nơi sinh ra giống nòi người Việt/ Sông ngàn năm trôi, chảy qua bao kiếp người.../ Hà Nội có sông Hồng/ Giọt giọt sông mẹ chảy vào lòng tôi/ Dâng dâng mênh mang mát rượi/ Tràn dâng sóng nước cuộc đời”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Giọt giọt đêm Hà Nội"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.