(HNMO) - Sáng 18-2, tại Bảo tàng lịch sử Quốc Gia, chương trình “Duyên” được Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của Bảo tàng lịch sử Việt Nam phối hợp cùng một nhóm các bạn sinh viên có niềm yêu thích lịch sử tổ chức.
TS Trần Trọng Dương (bìa phải) thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm trao đổi, trò chuyện xoay quanh chủ đề: "Trong đám cưới xưa có tình yêu hay không". |
Với mong muốn cùng các bạn trẻ tìm lại những nét đẹp trong tình yêu – hôn nhân của cha ông ta, suy ngẫm về tình yêu của tuổi trẻ bây giờ, “Duyên” đã tái hiện lại cuộc hành trình đi tìm tình yêu qua 3 giai đoạn chính: yêu đương – cưới hỏi – lại mặt.
Các bạn sinh viên hào hứng, khi được hỏi về những câu chuyện tình yêu của cha ông từ thời Lý, Trần, Lê... |
Đặc biệt, phần đóng vai làm cô dâu, chú rể, thực hành nghi lễ cưới thời Nguyễn với hai nghi thức “nạp cheo” và “hợp cẩn” đã thu hút được rất đông bạn trẻ tham gia.
Đám cưới xưa thường có 3 lễ: Chạm ngõ; Ăn hỏi; Cưới. Khi đến đón dâu, đại diện nhà trai dẫn đầu cầm bó hương và phải nạp tiền cheo cho nhà gái và dân làng để mọi người cầu phúc lành cho đôi lứa. |
Quan niệm về tình yêu – hôn nhân của ngày xưa và ngày nay cho dù có thể có sự khác biệt nhưng tình yêu thì ở thời nào cũng điều là những tiếng nói đồng điệu của hai trái tim bất kể hoàn cảnh.
Theo sách Việt Nam Phong tục, tối hôm trước ngày cưới, chồng sẽ lấy trầu tế tơ hồng trao cho vợ, rồi rót một chén rượu đầy, mỗi người uống một nửa. |
"Duyên" hy vọng các bạn trẻ có thể gìn giữ những nét đẹp trong tình yêu – hôn nhân mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Trong lễ Hợp cẩn, vợ trải chiếu lạy chồng 2 lạy, chồng đáp lại một vái. |
Ngoài ra, “Duyên” không chỉ nhắc đến tình yêu nam – nữ, mà còn đề cập đến khía cạnh tình yêu đồng giới. Tuy không còn xa lạ nhưng tình yêu đồng giới vẫn tạo ra nhiều tranh luận với các bạn sinh viên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.