(HNMO) - Liên hoan phim tài liệu Việt Nam - châu Âu, một sự kiện điện ảnh thu hút sự quan tâm của công chúng, sẽ trở lại với khán giả Việt Nam bắt đầu từ ngày 10-6.
Trong suốt chương trình liên hoan, mỗi bộ phim Việt Nam sẽ được chiếu kèm cùng các phim của Áo, Đan Mạch, Pháp, Đức, Israel, Ba Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sỹ. Ngoài ra, sẽ có một buổi chiếu đặc biệt dành cho các tác phẩm của các nhà làm phim Đông Nam Á. Trong số những bộ phim được chọn công chiếu, có khá nhiều bộ phim từng giành giải tại các liên hoan phim quốc tế.
Đáng chú ý, “Giai điệu quê hương” của Đức sẽ được chọn làm phim mở màn khai mạc Liên hoan phim. Phim của Arne Birkenstock là một bộ phim tài liệu đầy cảm xúc trong đó nghệ sỹ thổi kèn horn Kiwi, Hayden Chisholm, gặp gỡ với những nhạc sĩ và ca sĩ, già có, trẻ có, truyền thống có, hiện đại có, lập dị có và cực kỳ nghiêm túc cũng có.
“Họp lớp” của đạo diễn Thụy Điển Anna Odell đưa người xem tới một buổi họp mặt nghiệt ngã của những con người năm xưa học chung một lớp. Chủ yếu dựa vào kinh nghiệm bị bắt nạt thuở còn đi học của chính Odell, bộ phim tài liệu bán tự truyện tiết lộ sự phức tạp của sức mạnh và sự loại bỏ. Bộ phim Pháp “Lớp học đa quốc gia” khám phá tình trạng của trẻ nhập cư trong độ tuổi 11 - 15 đến từ Serbia, Brazil, Tunisia, Trung Quốc và Senegal trong một lớp học hội nhập, nơi bọn trẻ cùng nhau học tiếng Pháp. Phim “Đứa con ngoan” của đạo diễn người Israel, Shirly Berkovitzis, là một câu chuyện đáng kinh ngạc về một chàng trai Israel 22 tuổi bí mật tiết kiệm tiền để đi chuyển đổi giới tính tại Thái Lan. Berkovitz cũng sẽ có mặt để giới thiệu về bộ phim tài liệu hấp dẫn này.
Trong bộ phim tuyệt đẹp đầu tay của mình, đạo diễn Đan Mạch Saskia Bisp sẽ đưa khán giả tới với những miền đất mà tại đó giới tính không phải là một điều kiện mặc định; “Ranh giới không hoàn hảo” là một bộ phim tinh tế, hài hước và kích thích suy nghĩ về sự dũng cảm của con người để hoàn toàn thay đổi chính mình.
Ba Lan mang tới bộ phim được đề cử giải Oscar năm 2014 “Lời nguyền của chúng tôi”, câu chuyện về cuộc đời của cặp cha mẹ đang vật lộn tìm cách làm quen với tình trạng bệnh hiếm của đứa con trai Leo mới chào đời. Bộ phim “Bản đồ” của Tây Ban Nha là câu chuyện tường thuật chuyến du hành của nhà làm phim trẻ trên đường đến Ấn Độ để tìm một "bản đồ" mới cho cuộc sống. Bộ phim “Đại bảo tàng” của Áo là cái nhìn tò mò, dí dỏm và hài hước phía sau hậu trường của một tổ chức văn hóa nổi tiếng thế giới, Bảo tàng Kunsthistorisches tại Vienna. Đóng góp của Thụy Sĩ, bộ phim “Sống mà không dịch chuyển thì không phải là sống” kể về cuộc đời của người hùng thầm lặng của Thụy Sĩ, Alexander Yersin (1863-1943), người đã có công cứu châu Âu khỏi bệnh dịch hạch.
Đặc biệt, trong Liên hoan phim Tài liệu châu Âu – Việt Nam lần này có “Trường Sa Việt Nam”, thước phim mang đến cho khán giả cái nhìn khái quát về sự hình thành quần đảo Trường Sa trong lịch sử phát triển của đất nước, đồng thời khẳng định chủ quyền thiêng liêng cũng như quyết tâm xây dựng và bảo vệ biển đảo - phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc. Bên cạnh đó là “Mỹ Sơn – Miền di sản” nói về lịch sử hình thành và phát triển của văn hóa Chăm trong dòng chảy Văn hóa Việt Nam. “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai” nói về vụ thảm sát ở Mỹ Lai như một lời nguyện cầu cho các nạn nhân trong vụ thảm sát Mỹ Lai.
Tất cả các buổi chiếu đều mở cửa tự do.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.