Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giới hạn của quyền lực công vụ trong các mối quan hệ xã hội

Tô Phán| 21/09/2015 06:01

(HNM) - Gần đây đang gia tăng các vụ việc những cán bộ, nhân viên cơ quan nhà nước có hành vi hành hung, xúc phạm người dân, kể cả các nhà báo. Đặc biệt có những vụ việc bắt giam, còng tay người dân và nhà báo đang tác nghiệp đã và đang làm cho truyền thông và xã hội dậy sóng.

Để hiểu bản chất của tình trạng này cần phải xem xét nhiều chiều từ 3 chủ thể (người thừa hành công vụ, người dân, nhà báo) trong mối quan hệ tương tác, hữu cơ, tác động lẫn nhau xoay quanh trục quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm và đạo đức.

Trước hết nói về người thừa hành công vụ. Về nguyên tắc, cán bộ, nhân viên đang thừa hành công vụ, gọi theo cách khác là thực thi QUYỀN LỰC CÔNG VỤ (cho phép hoặc không cho phép), là người đại diện cho quyền lực nhà nước dù chỉ là một nhân viên hành chính, bảo vệ hay công an ở cấp thôn, xã... Vì là người đại diện cho quyền lực nhà nước thực thi quyền lực công vụ nên họ phải ứng xử trong mối quan hệ với công dân theo những quy định pháp lý. Và đây là quan hệ giữa con người với con người nên bên cạnh tuân theo quy định pháp lý họ phải tuân theo những quy tắc đạo đức mà xã hội công nhận.

Chúng ta có thể thấy việc thực thi quyền lực công vụ một cách chuẩn chỉ, nghiêm túc, mang tính nguyên tắc nhưng cũng năng động với tinh thần trách nhiệm công vụ ở khắp nơi, khắp các cấp. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy không ít vụ việc đi ngược lại quy định pháp lý và quy tắc đạo đức. Đó là tình trạng lạm dụng quyền lực công vụ, trách nhiệm công vụ để trục lợi, để dọa nạt, thậm chí hành hung, xúc phạm người dân, kể cả nhà báo.

Không ai nghi vấn quyền lực mà Nhà nước trao cho cán bộ công vụ nhưng việc sử dụng quyền lực công vụ lại phụ thuộc vào năng lực, đặc biệt là phẩm chất của người cán bộ công vụ. Cho nên người dân có quyền nghi vấn những cán bộ cụ thể đó.

Có thể thấy về lý thuyết hầu hết các cơ quan nhà nước đều quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của người thực thi quyền lực công vụ, ngay cả khi treo trên tường phòng làm việc những khẩu hiệu như những kim chỉ nam về nguyên tắc thực thi công vụ thì đó cũng là một cách quy định. Song, ở không ít trường hợp việc treo những khẩu hiểu trên tường phòng làm việc thực ra là một cách cố tỏ ra mình "đúng đắn về mặt chính trị" mà thôi. Đối với những cán bộ "cố tỏ ra" đó chỉ nói ngoài miệng những lời giáo huấn, còn trong con người họ bản chất là người luôn lợi dụng quyền lực công vụ để thỏa mãn cơn khát về danh, phận (cũng là một thứ trục lợi), tiền tài. Họ thường là những người nói rất nhiều về nguyên tắc nhưng chính họ vô nguyên tắc nhất khi quát nạt người dân - những người có thể ở mức độ nào đó vi phạm quy tắc hoặc là do họ cho là đã vi phạm quy tắc! Những cán bộ này là "tín đồ" của thứ suy nghĩ biến tướng rằng quyền lực công vụ luôn dành cho họ, và họ có quyền nắm giữ suốt những năm tháng làm việc, trong quá trình nắm giữ muốn sử dụng như thế nào là quyền của họ. Do đó họ đã ứng xử với người dân đến "nhờ vả" theo cách trịch thượng để có được kết quả đúng như những gì họ muốn. Kết quả như mong muốn trở thành sự cuốn hút lớn chi phối cách hành xử của họ đối với người dân liên quan đến sự cho phép hoặc không cho phép của cơ quan nhà nước mà họ đang đại diện. Dưới mắt họ, những công dân đến với họ vì quyền lợi (dù là hợp pháp, chính đáng hoặc không) đều "tối dạ" hoặc "ngang ngạnh coi thường thẩm quyền" của họ. Chính vì thế mà có những người thường xuyên gia tăng cách hành xử phi văn hóa đối với người dân. Khi hành xử phi văn hóa như vậy thì họ bị người dân căm ghét. Nhưng thái độ căm ghét của người dân lại là chất xúc tác tiêu cực để hành vi phi văn hóa trong một bộ phận cán bộ công vụ - nhất là ở cấp cơ sở của hệ thống chính quyền - gia tăng. Trong nhiều trường hợp, họ dùng vũ lực để khẳng định vị trí và quyền lực trước những người dân đang căm ghét họ ra mặt để buộc ai đó phải nể sợ. Ngược lại, nếu được ca ngợi và được ve vuốt bằng những lợi ích vật chất (còn được gọi là chất bôi trơn) họ sẽ giải quyết công việc dựa trên sự thiên vị nhuốm màu tiền bạc và sự thỏa mãn quyền lực. Đối với người dân thì bị họ đối xử như vậy, đối với nhà báo thì sao? Vì có hành vi lợi dụng quyền lực công vụ để đe nạt, trục lợi với người dân nên họ sợ báo chí thông tin công khai hành vi đó. Và hệ quả là họ luôn luôn nhân danh cơ quan nhà nước để cản trở nhà báo tác nghiệp đúng pháp luật (nhà báo đang thực thi công vụ) nhằm che giấu sự vi phạm - tức là họ lợi dụng quyền lực công vụ để... chống người thực thi công vụ!

Thực ra họ ảo tưởng về chính mình, vì quyền lực công vụ là của Nhà nước, họ chỉ được Nhà nước giao cho chứ không phải con người họ tạo nên quyền lực. Sự ảo tưởng khác nhau dẫn đến sự lạm dụng quyền lực ở mức độ khác nhau. Họ cố tình không biết rằng Nhà nước cho họ mọi thứ, còn họ đang làm hại Nhà nước bằng việc lạm dụng quyền lực công vụ được giao để trục lợi.

Việc lợi dụng quyền lực công vụ để trục lợi đã thách thức bản chất dân chủ và công bằng của chế độ ta. Chính tính dân chủ của chế độ ta hiện nay mà hệ thống báo chí thể hiện rõ nhất, đã cho mọi người biết những vụ việc vi phạm, và những người bị đối xử tồi tệ luôn được xã hội quan tâm bảo vệ. Nếu không dân chủ thì những gì diễn ra thường được giấu kín và người dân bị các cán bộ công vụ kiểu đó đối xử tồi tệ cũng chỉ ấm ức trong lòng. Khi thiếu dân chủ đương nhiên tình trạng lạm dụng quyền lực công vụ để đối xử tồi tệ với người dân, kể cả nhà báo, sẽ trở nên khó kiểm soát. Tính công khai trên công luận sẽ giúp xã hội giám sát và căm ghét những hành vi coi thường pháp luật, lạm dụng quyền lực công vụ để làm bậy, làm cho chính những cán bộ công vụ mất chất phải dè dặt hơn. Nếu không, những tín đồ lợi dụng quyền lực công vụ sẽ luôn thực hiện các hành vi phi văn hóa một cách thường xuyên mà không sợ bị vạch mặt.

Đối với bản chất tốt đẹp của xã hội Việt Nam hiện nay, sự xung khắc giữa cán bộ công quyền và người dân dù ở mức độ nào đó, là mối đe dọa chứ không đơn giản chỉ là những vết xước ngoài da của một cơ thể khỏe mạnh. Khi tiếp xúc với những cán bộ công quyền và bị đối xử phi văn hóa làm cho người dân có cảm thức mất tự do và bị xúc phạm. Nếu tình trạng lạm dụng quyền lực công vụ để làm bậy trở nên phổ biến sẽ đưa đến thảm họa cho xã hội và chế độ, sẽ làm tan vỡ cả hệ thống nhà nước mà không cần một cuộc chiến tranh nào.

Cần phải khẳng định rằng những cán bộ công vụ đó không thể và không bao giờ là tượng trưng, là hình ảnh phổ biến của cán bộ công vụ của Nhà nước ta. Bản chất khác biệt giữa cán bộ công vụ chân chính và cán bộ công vụ biến tướng là: Một bên hành xử có văn hóa trên nền tảng trách nhiệm công vụ, tức là phục vụ, một bên hành xử phi văn hóa trên nền tảng lợi dụng trách nhiệm công vụ để trục lợi, dù chỉ là trục lợi về danh tiếng thỏa mãn khoái cảm được người khác nể sợ. Do vậy, ai đó căn cứ vào những vụ việc mà một số cán bộ công vụ gây ra để nói xấu chế độ thì là sự lợi dụng mang ý đồ xấu. Tuy nhiên, hành vi phi văn hóa của một bộ phận cán bộ công vụ không đơn thuần chỉ là tính cách cá nhân, mà là một sự khác biệt mang đặc điểm chung của những người không chịu rèn luyện, bị tha hóa về phẩm chất mặc dù mức độ ở mỗi người khác nhau.

Ở góc độ pháp lý, với người dân luôn là vấn đề quyền lợi và nghĩa vụ. Về lý thuyết người dân có vị trí trung tâm trong toàn bộ hoạt động xã hội và hệ thống nhà nước từ cơ sở đến Trung ương. Do có quyền lợi và vị trí trung tâm của người dân trong mọi hoạt động xã hội và hệ thống nhà nước đã tạo nên QUYỀN LỰC CÔNG DÂN (phải được phục vụ), và vì vậy cán bộ thực thi công vụ có nghĩa vụ phục vụ người dân. Tuy nhiên, ở không ít trường hợp người dân lại lạm dụng quyền công dân buộc cán bộ thừa hành công vụ phục vụ một cách vô lối, phi nguyên tắc. Trong những trường hợp như vậy nếu người cán bộ thực thi công vụ không được rèn luyện, mài giũa, ảo tưởng về quyền lực của mình thì rất dễ dẫn đến hành vi phi pháp luật và phi đạo đức. Nguy hiểm hơn, có một bộ phận người dân cao tay đã lợi dụng quyền lực công dân kết hợp lợi dụng quyền lực báo chí (bắt tay với nhà báo) và quyền lực công vụ (bắt tay với cán bộ công vụ) tạo nên thứ quyền lực tổng hợp ép buộc người khác "phục vụ" những lợi ích không hợp pháp, không chính đáng của mình.

Hoạt động của nhà báo là một loại hình hoạt động cấu thành nên sự vận hành của xã hội. Theo quy định của Pháp luật Việt Nam, báo chí dưới sự lãnh đạo của Đảng là phương tiện thông tin đặc biệt cần thiết đối với đời sống xã hội. Vì vậy báo chí có QUYỀN LỰC BÁO CHÍ (quyền lực mềm - quyền thông tin). Các tổ chức, cơ quan có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và không được cản trở nhà báo tác nghiệp đúng pháp luật. Người dân có quyền tiếp xúc, cung cấp thông tin, tác phẩm cho báo chí và nhà báo mà không phải chịu sự kiểm duyệt của bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo; không ai được phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật. Đối với nhà báo, phải có nghĩa vụ đưa tin trung thực, phù hợp với lợi ích của đất nước, thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của người dân. Tuy nhiên, không ít trường hợp nhà báo đã lạm dụng quyền lực báo chí và kết hợp với việc lợi dụng quyền lực công dân để đe dọa, xúc phạm cá nhân và tổ chức, đưa tin sai sự thật xâm phạm lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và lợi ích quốc gia. Những nhà báo này, cũng như những cán bộ công vụ đã nói ở trên, đều ảo tưởng về quyền lực được giao (một bên là quyền lực báo chí - quyền thông tin; một bên là quyền lực công vụ) để làm bậy. Và cũng không ít trường hợp vì sợ quyền lực báo chí mà nhiều cá nhân, tổ chức bị xúc phạm, bị thiệt hại không dám tố cáo những hành vi, việc làm phi pháp luật, phi đạo đức của các nhà báo này.

Như vậy, công bằng mà nói, không chỉ có một bộ phận cán bộ công vụ thiếu rèn luyện, ảo tưởng về quyền lực công vụ, lạm dụng quyền lực công vụ để làm những việc phi luật pháp, phi văn hóa đối với người dân, nhà báo. Ngược lại có một bộ phận người dân và nhà báo cũng ảo tưởng và lạm dụng quyền lực công dân (đối với người dân), lạm dụng quyền lực báo chí (đối với nhà báo) hoặc kết hợp lợi dụng quyền lực công dân - quyền lực báo chí - quyền lực công vụ để làm những việc phi luật pháp, phi văn hóa đối với những người khác cũng như đối với chính cán bộ công vụ và các cơ quan, tổ chức. Chính những người đó là lực lượng phản lại phát triển.

Phải làm gì để giảm thiểu tình trạng này?

Nhà nước ta không thiếu các biện pháp chế tài để xử lý. Chúng ta không thiếu quy tắc làm việc, cũng không thiếu những quy ước văn hóa trong sử dụng quyền lực công vụ. Không thiếu nhưng lại chưa đủ, bởi vấn đề là chúng ta không đủ sự kiên quyết và thiếu sự thường xuyên áp dụng một cách triệt để, bài bản. Sự nể nang, thái độ coi những vi phạm chỉ là biểu hiện của tính cách cá nhân, và cả việc thói quen truyền thống "không nên vạch áo cho người xem lưng", đã biến những sai phạm của cán bộ, đảng viên dưới quyền thành "hóa bùn". Một khi có suy nghĩ như vậy phổ biến ở người lãnh đạo các cấp thì tình trạng cán bộ công vụ hành hung, xúc phạm đối với người dân, nhà báo hoặc ngược lại vẫn tiếp diễn.

Hầu hết những vụ người thi hành công vụ lợi dụng quyền lực công vụ để đe dọa, xúc phạm, hành hung người khác (hoặc ngược lại) chưa được xử lý triệt để, mà chỉ dừng lại ở mức phạt hành chính hoặc tự thỏa thuận giải quyết với nhau. Trong chúng ta ít nhất cũng một vài lần thất vọng khi chứng kiến việc xử lý một vài vụ việc theo mô hình "trống đánh xuôi kèn thổi ngược", hoặc "để lâu... hóa bùn". Cái hố đen khoảng cách giữa việc thụ lý "kiên quyết" ban đầu và kết quả xử lý cuối cùng ngày càng sâu hơn, rộng hơn, sẽ làm cho người ta mất lòng tin vào sự công minh và nguyên tắc bất vị thân trong thực thi pháp luật - ít nhất là về mặt lý thuyết. Do đó, những cán bộ lợi dụng quyền lực công vụ để trục lợi về tinh thần, vật chất (hoặc ngược lại) luôn trở thành gánh nặng (nếu không nói là lực lượng phản lại sự vận động) của quá trình phát triển. Việc cần có chiến lược để gỡ bỏ gánh nặng - lực lượng chống lại sự phát triển, là hết sức cần thiết.

Chúng ta không thể xây dựng và phát triển đất nước dựa trên tình trạng phổ biến tham nhũng và thái độ ứng xử tồi tệ của cán bộ công vụ đối với người dân. Xã hội phát triển cũng không phải được xây nên từ sự từ bỏ nền tảng pháp lý và đạo đức, cũng không phải từ sự thỏa hiệp những lợi ích phi pháp của những cá nhân và một bộ phận xã hội. Xử lý nghiêm, loại bỏ những người vi phạm ra khỏi bộ máy vận hành là hết sức cần thiết. Chỉ khi cá nhân được đặt trong các mối quan hệ công vụ thì cá nhân đó mới là người đại diện của tổ chức, còn khi cách li khỏi quyền lực công vụ thì họ không còn có giá trị đại diện. Trong những giải pháp cải cách công vụ là phải kiên quyết sa thải những người lợi dụng quyền lực công vụ để trục lợi, xử lý nghiêm minh bằng biện pháp pháp lý những người lợi dụng quyền lực công dân, quyền lực báo chí và cả quyền lực công vụ để bắt người khác thực hiện theo lợi ích phi pháp của mình. Không ai đứng trên pháp luật, dù họ là ai - đó là nguyên tắc của một xã hội tiến bộ, văn minh.

Một việc quan trọng mang tính tổng thể nữa là phải cải cách toàn diện để cải thiện kỷ luật nơi làm việc - cải thiện kỷ luật và văn minh công vụ. Khi cả hệ thống chính trị đồng loạt cải cách kỷ luật nơi làm việc thực sự (chứ không phải chỉ là hô hào mang tính hình thức) thì hiệu ứng sẽ cao hơn sự mong đợi.

Quyền lực công vụ, quyền lực công dân và quyền lực báo chí về bản chất chỉ là tương đối nên nó có giới hạn. Khi ai cũng tự cho phép mình vuợt giới hạn thì sẽ phá vỡ nguyên tắc vận hành xã hội. Còn khi giới hạn đó được phân định rõ ràng và được thực thi nghiêm túc trong phạm vi cho phép thì sẽ hạn chế thấp nhất những vụ việc mà xã hội và truyền thông dậy sóng như vừa qua.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giới hạn của quyền lực công vụ trong các mối quan hệ xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.