(HNMCT) - Gió ngũ sắc là tên tập thơ vừa ra mắt của Nguyễn Quang Hưng (NXB Văn học, 2019). Những ai đã đọc tập thơ này hẳn sẽ nhận ra, tiêu đề bài viết không bao quát hết tinh thần, sắc thái cả tập.
Các phần thơ Tĩnh mạch phố, Tên người mặt đất, Nhu cầu điều trị có những sắc thái khác trội hơn, nhưng, phải thành thực rằng, không gian “Chập chờn câu ca bóng khói” chỉ dành cho phần đầu tiên Màu hoa ý nghĩ đã bao quyến lấy người đọc, phảng phất, vang âm ngay cả khi đã đi hết cả bốn phần của tập thơ. Có phải vì thế mà Nguyễn Quang Hưng đã chọn không khí ấy để gọi tên cả tập - Gió ngũ sắc?
Ấn tượng đầu tiên khi đọc Gió ngũ sắc chính là người đọc được dẫn về cảm thức liêu trai. Nguyễn Quang Hưng nhập được vào không khí ấy, như là một cách “rũ bụi gia phả” (Hoàng Cầm), đánh thức “những vía những hồn những sông những suối về trên hương nến trong thời khắc “trống dồn lay gió hậu cung”.
Có lẽ, xuất phát từ một nguyên cớ nào đó thuộc về bản quán, cũng có thể là một đam mê, một vọng tưởng không dứt, Nguyễn Quang Hưng đã triệu hồi được những bóng dáng của vàng son một thuở: “Cho ta chỉ thêu mũ áo dải cờ/ Ta lắc lư rồng thêu tán lọng vàng/ Ta quết trầu thơm khóe miệng/…/ Những cỏ cây miếu đình thơm ngát đêm sâu/ Gọi phố xá gọi quê mùa gọi bầu trời lòng đất/ Bay vào ngũ sắc trập trùng” (Chờ hội). Âm hưởng đầy mê dụ của trai gái mùa màng, của đất đai sinh nở, của hội hè đình đám, của gặp gỡ hẹn thề... có lẽ đã vọng về từ một ký ức thanh bình nào đó.
Những kiếm tìm mê mải tỏa lên trang thơ một nỗi díu dan dịu ngọt: “Mướt mát tìm/ Trốn nhau chẳng kịp/ Thà rằng chẳng có đêm qua/ Thì rằng nắng sớm mây tà/ Chạy mưa rồi ra dan díu/ Cau trầu bấu víu/ Trốn nắng mà chịu đêm nồng” (Vòng vòng quanh quanh). Tóc tơ nào hẳn vẫn còn luyến nhớ dưới bóng mùa đi, bởi có lần tìm nhau rồi dang dở, ước thề rồi đành đoạn, bấu víu mà trôi trượt, xe kết mà nhỡ nhàng, lần chần rồi thành trễ muộn... Gió ngũ sắc hiện về như thức gọi, thoảng trong bóng khói thanh âm của những đời xưa chưa thôi xao xác kiếm tìm: “Quan họ ơi lỗi hẹn rồi!/ Đường với theo sương giăng mây nổi/ Áp môi dấu nằm sườn đê cỏ dài/ Chập chờn câu ca bóng khói/…/ Tóc dài gieo gió nối đường đi/ Bao giờ mọc lại câu thề?” (Canh hát nửa đời).
Nguyễn Quang Hưng sinh năm 1980 tại Hà Đông, hiện là Phó Trưởng ban báo Thời nay, ấn phẩm của báo Nhân Dân. Anh cũng là một trong những cộng tác viên thân thiết lâu năm của ấn phẩm Hànộimới Cuối tuần.
Trước Gió ngũ sắc, Nguyễn Quang Hưng đã có các tập thơ Vườn ánh sáng, Mùa Vu lan, Lòng ta chùa chiền, Chia ngũ cốc, Cột mốc trong người và trường ca Nước non mặt biển. Ngoài ra, anh còn có tập tản văn Năm tháng mặt người, Nối những vệt không gian.
Thơ ca vốn là nhịp điệu của khoảnh khắc tâm trạng được chưng cất từ năm tháng đủ đầy, dồn nén. Nguyễn Quang Hưng hẳn đã đẩy mình vào những chất chứa khôn nguôi về một vùng văn hóa, một ký ức văn hóa, hiện hình trong Gió ngũ sắc. Gió ngũ sắc là biểu tượng của trường văn hóa, trường thẩm mỹ giăng mắc hương đèn, bóng khói, miếu phủ đền đài, tán vàng lọng tía, trầu cau khăn yếm, lễ nghi và cấm kỵ, ràng buộc và giải thoát... khi rõ rệt, khi nhập nhòa trong cảm thức người dân châu thổ. Ở đó, ký ức là căn rễ, nuôi dưỡng hiện tại đồng thời cũng che phủ, cất giữ quá khứ. Con người đương đại bận bịu với biết bao lo toan, có lẽ đã lãng quên đi nhiều giá trị dệt thêu từ quá khứ. Trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn, thờ ơ, lầm lạc, có khi nào chúng ta ngưng lại, “Nhìn mưa thêu ngói những mùa rêu, Những màu chỉ tươi đắm đuối, bóng người cặm cụi xâu kim, hồn vía thời gian mảnh dẻ...”.
Ngũ sắc ánh về trong mắt là khi đã cạn những đớn đau và lòng nhẹ bẫng vì nhận ra vẻ phai tàn ở cuối con đường. Hẳn rằng, Nguyễn Quang Hưng có dụng ý khi cấu trúc Màu hoa ý nghĩ ở đầu tập thơ còn phía sau là Tĩnh mạch phố, Tên người mặt đất, Nhu cầu điều trị. Màu hoa ý nghĩ như một đề từ và cấu trúc bốn phần luôn trong trạng thái “ngoảnh lại” đã hình thành ý tưởng chung của toàn tập Gió ngũ sắc. Ngũ sắc “phủ màu hoa xuống phố nâu trầm” có lẽ cũng là hy vọng của Nguyễn Quang Hưng, cho những mùa lá non trổ nhịp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.