Đối ngoại

Gìn giữ và phát huy truyền thống vẻ vang, quyết tâm xây dựng ngành Ngoại giao vững mạnh, toàn diện, hiện đại

Bùi Thanh Sơn 28/08/2023 - 06:32

LTS: Nhân kỷ niệm 78 năm thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam (28/8/1945 - 28/8/2023), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có bài viết, chia sẻ những dấu mốc đáng nhớ trong chặng đường vẻ vang của ngành. Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài viết của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

bui-thanh-son.jpg
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 tại Indonesia (tháng 7-2023).

Hòa chung không khí cả nước kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, các thế hệ cán bộ ngoại giao tự hào và phấn khởi kỷ niệm ngày truyền thống của ngành Ngoại giao Việt Nam (28-8-1945), ngày thành lập Bộ Ngoại giao do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Suốt 78 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống ngoại giao của dân tộc, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác -Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa và tư tưởng tiến bộ của thế giới, được tôi luyện qua muôn vàn khó khăn, thử thách, nước ta đã hình thành nên nền đối ngoại, ngoại giao đặc sắc, mang đậm cốt cách văn hóa dân tộc và bản sắc “cây tre Việt Nam”.

Chặng đường 78 năm với những dấu mốc vẻ vang

Trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám thành công, ngoại giao Việt Nam dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và mưu lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng bảo vệ Đảng và chính quyền cách mạng non trẻ trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Những sách lược được Đảng và Bác Hồ vận dụng sáng tạo trong giai đoạn này như “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, nhận biết, tạo dựng và tận dụng thời cơ, thu phục lòng người bằng chính nghĩa, lẽ phải và công lý… là những bài học vô giá về linh hoạt, nhạy bén và uyển chuyển trong ứng xử đối ngoại của cách mạng Việt Nam.

Trong hai cuộc kháng chiến và kiến quốc, mặt trận ngoại giao phối hợp chặt chẽ với các mặt trận chính trị, quân sự, đã tranh thủ sự ủng hộ to lớn của quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, từng bước tạo nên những mốc son ngoại giao trong lịch sử dân tộc cũng như trong sự nghiệp đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập, dân chủ, tiến bộ và công lý, từ Hiệp định sơ bộ năm 1946 đến Hiệp định Geneve năm 1954 và Hiệp định Paris năm 1973, mở ra thời cơ chiến lược cho thống nhất nước nhà.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng về công tác đối ngoại, trong gần 40 năm qua, ngoại giao Việt Nam đã đạt những thành tựu to lớn. Từ tạo lối, mở đường, từng bước phá thế bao vây, cấm vận, ngoại giao đã đi đầu kiến tạo và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, thuận lợi cho công cuộc đổi mới, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, huy động nhiều nguồn lực bên ngoài cho tăng cường tiềm lực, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế uy tín quốc tế của đất nước.

Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII của Đảng đến nay, ngoại giao đã từng bước cụ thể hóa, triển khai đồng bộ, sáng tạo và hiệu quả đường lối đối ngoại Đại hội XIII và đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện. Quan hệ với các đối tác, nhất là với các nước láng giềng, đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, tiếp tục được mở rộng, ngày càng sâu sắc, thực chất và hiệu quả. Trong hơn 2 năm qua, dù gặp nhiều trở ngại của dịch Covid-19, nước ta đã tổ chức hơn 170 hoạt động đối ngoại cấp cao, trong đó hơn 30 chuyến thăm của lãnh đạo chủ chốt; nâng tổng số quốc gia Việt Nam có quan hệ ngoại giao lên 192 quốc gia, có quan hệ kinh tế - thương mại lên hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mạng lưới đối ngoại rộng mở và ngày càng đi vào chiều sâu đã mở ra nhiều thị trường, thu hút nhiều vốn, công nghệ và tri thức bên ngoài cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngoại giao kinh tế đã đóng góp trực tiếp và quan trọng vào phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân tiếp tục được đổi mới, triển khai đồng bộ và hiệu quả hơn.

Vị thế và uy tín của Việt Nam với tư cách là đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế được củng cố và nâng cao. Việt Nam đã và đang đảm nhiệm, hoàn thành tốt nhiều trọng trách quốc tế, được cộng đồng và bạn bè quốc tế tín nhiệm bầu vào nhiều tổ chức quốc tế có uy tín. Nổi bật là, Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, thành viên Hội đồng Nhân quyền 2023-2025, Ủy ban Luật pháp quốc tế 2023-2027...

Nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, kiên định nguyên tắc nhưng uyển chuyển, linh hoạt trong sách lược và ứng xử, Việt Nam đã xử lý đúng đắn nhiều vấn đề quốc tế rất phức tạp, vừa giữ vững tổng thể cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động lớn, vừa khẳng định một Việt Nam bản lĩnh, chân thành, nhân ái, thủy chung, tin cậy và có trách nhiệm.

Những thành tựu nói trên đã đóng góp quan trọng vào cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế mà đất nước ta chưa bao giờ có được như ngày nay. Những thành tựu này khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, Nhà nước, là kết tinh nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các trụ cột, binh chủng đối ngoại, giữa các cấp, các ngành và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, trong đó có nỗ lực và đóng góp bền bỉ của ngoại giao Việt Nam suốt 78 năm qua, nhất là trong 40 năm đổi mới. Trải qua tôi luyện, thử thách trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, ngoại giao Việt Nam ngày càng trưởng thành và phát triển hướng tới toàn diện, hiện đại.

Quyết tâm xây dựng ngành Ngoại giao vững mạnh, toàn diện, hiện đại

Tự hào với thành tựu đạt được, ngành Ngoại giao nghiêm túc soi mình nhận thấy vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm, có việc còn làm chưa tốt. Tất cả kết quả và hạn chế cũng như toàn bộ công tác sôi động của ngành Ngoại giao trong thời gian qua đã để lại nhiều bài học rất sâu sắc để xây dựng, phát triển ngành Ngoại giao vững mạnh, toàn diện, hiện đại.

Trước đòi hỏi của nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, ngành Ngoại giao đổi mới mạnh mẽ tư duy và hành động, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ đối ngoại và xây dựng, phát triển ngành Ngoại giao; kế thừa và phát huy truyền thống ngoại giao của dân tộc, vận dụng sáng tạo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, tiếp thu chọn lọc tư tưởng tiến bộ của nhân loại, mạnh dạn tìm cách làm mới, hướng đi mới, lĩnh vực mới để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và ngành Ngoại giao trong giai đoạn hiện nay. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”, ngành Ngoại giao lấy phục vụ Đảng, Tổ quốc và nhân dân làm động lực phát triển; ngoại giao kinh tế lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Điều cốt yếu là xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao toàn diện về bản lĩnh, phẩm chất và trí tuệ, vững vàng về tư tưởng, sâu sắc về tư duy, sáng tạo về hành động, hiện đại về phong cách, chuyên nghiệp về kỹ năng. Mỗi cán bộ ngoại giao cần không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, tư tưởng, đạo đức, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, lợi ích của dân tộc, kiên quyết chống mọi biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách, pháp luật về đối ngoại, ngoại giao cần tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ đối ngoại và phát triển ngành Ngoại giao trong giai đoạn hiện nay.

Nhìn lại chặng đường 78 năm qua, thế hệ cán bộ ngoại giao ngày nay tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tri ân sâu sắc các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ và lớp lớp cán bộ ngoại giao đã dày công gây dựng và vun đắp nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Phát huy bề dày truyền thống vẻ vang, ngành Ngoại giao dưới sự lãnh đạo của Đảng quyết tâm xây dựng nền ngoại giao Việt Nam vững mạnh, toàn diện, hiện đại, đóng góp xứng đáng vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết và đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng.

Bùi Thanh Sơn
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gìn giữ và phát huy truyền thống vẻ vang, quyết tâm xây dựng ngành Ngoại giao vững mạnh, toàn diện, hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.