Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gìn giữ mỹ tục, bảo vệ môi trường

Nguyễn Thanh| 01/02/2021 16:40

(HNMO) - Lễ cúng ông Công, ông Táo quan trọng nhất là lòng thành, không nên đặt nặng lễ bái, phẩm vật, lạm dụng vàng mã, vừa làm ảnh hưởng mỹ tục, vừa tác động tiêu cực tới môi trường.

Mâm cúng ông Công, ông Táo với những món ăn truyền thống ngày Tết được bài trí trang trọng trên ban thờ trong gia đình.

Không lạm dụng vàng mã

Táo quân theo tín ngưỡng dân gian là vị thần cai quản chuyện nhà cửa, bếp núc quanh năm trong mỗi gia đình. Vào ngày 23 tháng Chạp (âm lịch hằng năm), mọi nhà đều làm lễ cúng, tiễn ông Công, ông Táo lên chầu trời, báo cáo với Ngọc Hoàng chuyện lớn, việc nhỏ diễn ra trong năm ở hạ giới. Đây được coi là một trong những nghi thức quan trọng nhất trong năm, được dân gian chuẩn bị chu đáo, tươm tất, gửi gắm vào đó cả ước vọng về một năm mới ấm no, sung túc.

Tuy nhiên, hiện nay có không ít gia đình hiểu sai về phong tục này, bỏ tiền sắm đồ lễ cầu kỳ, tốn kém, ngoài mũ áo ông Công, ông Táo, còn trang bị nhà lầu, xe hơi, điện thoại, máy tính..., với dụng ý xin tài lộc. Điều này khiến phong tục đẹp của dân tộc bị méo mó, biến tướng; đồng thời, cảnh quan, môi trường bị ảnh hưởng vì vàng mã đốt quá nhiều. Theo Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Đỗ Văn Trụ, lễ cúng ông Công, ông Táo có thủ tục đơn giản như chuẩn bị lễ cúng, văn tế, thực hiện nghi thức vào trước 12h ngày 23 tháng Chạp.

"Người thực hiện nghi lễ cúng ông Công, ông Táo cần lưu ý trang phục gọn gàng, chỉn chu, giữ tâm thái thành kính, hoan hỉ. Việc chuẩn bị quá nhiều lễ vật, lạm dụng vàng mã, dù xuất phát từ lòng thành của gia chủ, vẫn là việc làm lãng phí, không cần thiết", ông Đỗ Văn Trụ nêu.

Cá chép phóng sinh không đặt nặng vào số lượng, cá to hay nhỏ.

Bảo đảm ý nghĩa phong tục thả cá

Đi kèm với nghi thức cúng ông Công, ông Táo, người Việt có tục phóng sinh cá chép, với ý nghĩa "đưa ông Táo bay về trời". Tục thả cá xuống ao, hồ không đặt nặng nhiều hay ít, cá to hay nhỏ mà quan trọng là ở tấm lòng người thực hành nghi thức. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, thả cá ngày Tết ông Công, ông Táo hướng con người tới giá trị chân, thiện, mỹ trong đời sống, thông qua hành động thiện lương. Hành động này không thể thực hiện một cách ồ ạt, xô bồ, vứt cả vật dụng đựng cá xuống ao, hồ... như không ít người vẫn đang làm bấy lâu nay, làm mất đi ý nghĩa của tục lệ và gây hại cho môi trường.

Lạm dụng đốt vàng mã không chỉ gây hại cho môi trường mà còn làm ảnh hưởng tới ý nghĩa tốt đẹp của phong tục truyền thống.

Ngoài ra, theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, việc nhiều gia đình đặt mâm cỗ cúng Táo quân dưới bếp là quan niệm sai lầm, không phù hợp với phong tục và quy tắc thờ cúng từ nhiều đời nay của dân tộc. Các vị Táo quân đều phải được thờ phụng trên bàn thờ chính trong nhà, chứ không phải ở dưới bếp. Bên cạnh đó, khi cầu cúng, chỉ nên xin các Táo quân báo cáo điều tốt với Ngọc Hoàng, không nên xin tài lộc, sung túc.

"Theo truyền thống, ngày Tết ông Công, ông Táo cũng là dịp các gia đình thực hiện nghi thức rút tỉa chân nhang, lau dọn bàn thờ, chuẩn bị đón năm mới. Nghi thức này thường được thực hiện vào trước ngày lập xuân. Tuy nhiên năm nay, lập xuân vào đúng ngày 23 tháng Chạp, nên các gia đình nên tránh lau dọn bàn thờ làm xê dịch bát hương, rút chân nhang vào ngày này", chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà (Viện Nghiên cứu bảo tồn văn hóa và phát triển phương Đông) gợi ý.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gìn giữ mỹ tục, bảo vệ môi trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.