(HNM) - Hồ Hữu Tiệp và xác máy bay B52 ở phường Ngọc Hà là di tích ghi dấu chiến công của quân và dân Thủ đô trong Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972. Hiện nay, quận Ba Đình đang tiến hành tu bổ, tôn tạo để tiếp tục phát huy giá trị của di tích lịch sử này. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Minh Hoàng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình - đơn vị chủ đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo hồ Hữu Tiệp về công tác nhiều ý nghĩa này.
- Xin ông cho biết giá trị của di tích hồ Hữu Tiệp đối với quân và dân Thủ đô cũng như cả nước?
- Hồ Hữu Tiệp nằm trên địa bàn phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, là nơi lưu giữ chiến tích hào hùng của quân và dân ta trong 12 ngày đêm Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” - sự kiện tạo nên sự bất ngờ, kinh hoàng lớn đối với giặc Mỹ, đồng thời làm nức lòng bạn bè và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Chiến thắng của Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” còn góp phần quan trọng cho sự ra đời của Hiệp định Paris ngày 27-1-1973, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở nước ta; cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng cũng như đánh bại quan điểm “bất khả chiến bại” đối với “pháo đài bay” B52 của địch.
Đáng chú ý, trong hàng loạt máy bay B52 bị bắn hạ từ chiến dịch, xác máy bay B52 trong lòng hồ Hữu Tiệp được xác định là “pháo đài bay” cuối cùng rơi trên bầu trời Hà Nội, cho thấy vai trò, ý nghĩa của hiện vật trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ chủ quyền đất nước. Với những ý nghĩa như thế, gần nửa thế kỷ qua, hồ Hữu Tiệp là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ đồng thời thu hút đông đảo công chúng và du khách trong, ngoài nước tới tìm hiểu lịch sử. Địa điểm này cũng đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, được bảo quản tại chỗ hiện vật để phục vụ công tác tham quan, nghiên cứu.
- Với vai trò, ý nghĩa to lớn ấy, di tích hồ Hữu Tiệp cũng như xác máy bay B52 cần được bảo tồn, tôn tạo như thế nào, thưa ông?
- Sau gần 50 năm với những tác động của nhiều yếu tố tự nhiên và xã hội, di tích đã xuất hiện những dấu hiệu sụt lún bờ hồ, nghiêng nứt lan can, ô nhiễm nghiêm trọng mặt nước, làm ảnh hưởng tới cảnh quan chung của di tích lịch sử cũng như gây nguy hiểm đối với nhiều người dân sống xung quanh khu vực. Đặc biệt, do nằm trong lòng hồ lâu ngày, hiện vật xác máy bay B52 có những hư hại nặng, như: Phần kết cấu hợp kim nhôm, gang đúc, sắt, inox… yếu, giòn, mủn, bị tạp chất ăn mòn, sủi trắng; các chất liệu cao su, vải bạt, thủy tinh, nhựa… bị nấm mốc, nứt, phong hóa, hư hại cấu trúc vật lý.
Trước thực trạng này, quận Ba Đình đã gấp rút triển khai Dự án tu bổ, tôn tạo di tích hồ Hữu Tiệp, với các hạng mục nạo vét bùn lòng hồ; tôn tạo tường rào, kè quanh hồ (phá dỡ và xây lại 34,6m kè đá hộc; cùng 152,2m tường rào, lan can đỉnh kè, cửa, thang xuống hồ); xây bệ đỡ, bảo quản và trưng bày tại chỗ mảnh xác máy bay B52; cải tạo, chỉnh trang nhà phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật...
Trong các nhiệm vụ, phần việc bảo quản, trưng bày tại chỗ mảnh xác máy bay B52 được đánh giá là khá phức tạp, cần tiến hành một cách thận trọng và khoa học, nhằm bảo đảm giá trị nguyên gốc của hiện vật sau khi bảo trì, duy tu.
- Cụ thể, hiện vật xác máy bay B52 sẽ được bảo tồn và phát huy giá trị ra sao, thưa ông?
- Để tu bổ, tôn tạo xác máy bay B52 trong lòng hồ Hữu Tiệp, các đơn vị liên quan đã tiến hành rà phá bom mìn, nạo vét lòng hồ, số hóa hình ảnh cũng như tìm kiếm di vật liên quan... trước khi tiến hành trục vớt lên vị trí phù hợp, phục vụ công tác duy tu, bảo dưỡng. Việc móc nối, di chuyển xác máy bay B52 được tính toán kỹ lưỡng, hạn chế tối đa những tác động làm xô lệch hiện trạng. Đến nay, công tác di chuyển hiện vật phục vụ duy tu, bảo dưỡng đã hoàn tất, bảo đảm yêu cầu đề ra.
Quận Ba Đình cũng đã mời nhiều chuyên gia đầu ngành lĩnh vực di sản, khảo cổ; đại diện các cơ quan quản lý tham gia Hội đồng đánh giá di tích để tham vấn, hỗ trợ và giám sát quá trình tu bổ, tôn tạo. Trước mắt, công tác duy tu, tôn tạo hiện vật xác máy bay B52 sẽ được triển khai theo phương pháp bảo quản cơ học và bảo quản trị liệu, với các bước: Làm sạch, loại bỏ tạp chất; sấy khô, gia cố, tăng độ bền vững; tạo lớp màng phủ; phủ sơn chống ăn mòn, kéo dài tuổi thọ... Các mảnh di vật tìm thấy trong quá trình khảo cổ lòng hồ Hữu Tiệp cũng sẽ được cân nhắc, tính toán để liên kết lại với hiện vật xác máy bay hoặc đưa vào bảo tàng phục vụ công tác trưng bày.
Sau khi hoàn tất công tác duy tu, bảo dưỡng xác máy bay B52, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan sẽ đề xuất giải pháp bảo quản và bảo dưỡng định kỳ hiện vật, giữ gìn vệ sinh môi trường nước, đưa hiện vật về lại vị trí cũ. Dự kiến Dự án tu bổ, tôn tạo hồ Hữu Tiệp kết thúc vào tháng 6-2021, sau đó công trình sẽ được bàn giao cho Phòng Văn hóa và Thông tin quận Ba Đình để thực hiện công tác phát huy giá trị di sản, giáo dục truyền thống, niềm tự hào dân tộc tới nhân dân, phục vụ du khách tham quan.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.