Du lịch

Lực đẩy cho du lịch vùng đồng bằng sông Hồng

Hoàng Lân 17/07/2025 - 06:28

Với lợi thế nổi bật về tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa và lễ hội truyền thống đặc sắc, đồng bằng sông Hồng được xác định là vùng du lịch trọng điểm chiến lược của miền Bắc. Trong đó, Hà Nội - trung tâm du lịch của vùng - đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy liên minh, liên kết vùng.

Sau khi nhiều tỉnh, thành thực hiện sáp nhập địa giới hành chính từ ngày 1-7-2025, Hà Nội càng có thêm điều kiện thuận lợi để tạo “lực đẩy” cho du lịch toàn khu vực đồng bằng sông Hồng.

tour-du-lich.jpg
Du khách trải nghiệm tour du lịch sông Hồng. Ảnh: Ngọc Bích

Tiềm năng lớn, cơ hội nhiều

Sau sáp nhập, vùng đồng bằng sông Hồng gồm 6 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Ninh Bình và Quảng Ninh. Khu vực này sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam.

Theo đánh giá nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng có hệ thống di tích lịch sử, kiến trúc cổ và lễ hội truyền thống phong phú như: Chùa Hương, chùa Keo, chùa Bái Đính, đền Đô, Yên Tử; các di sản phi vật thể như ca trù, quan họ, kéo co ngồi… tương hỗ nhau tạo nên bề dày văn hóa đa dạng.

Khu vực này cũng có hệ thống danh thắng nổi bật, trong đó có nhiều di sản thế giới được UNESCO công nhận như: Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), vịnh Hạ Long - Cát Bà (Quảng Ninh và Hải Phòng), quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình)… Đây chính là nguồn lực vô cùng quan trọng để hình thành nên hệ sinh thái sản phẩm du lịch hấp dẫn, có chiều sâu cho toàn vùng.

Bên cạnh đó, vùng đồng bằng sông Hồng có hệ thống các đô thị phát triển, hạ tầng giao thông liên vùng gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không… tạo nên cực tăng trưởng kinh tế - du lịch của miền Bắc.

Theo Tiến sĩ Đỗ Thị Liên Vân, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội, những năm qua, Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng đã triển khai nhiều hoạt động liên kết vùng, đặc biệt Hà Nội đã đóng vai trò trọng yếu, là đầu tàu phát triển kinh tế vùng.

Còn theo ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (nay là Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam), nhiều sản phẩm liên kết vùng mà Hà Nội đóng vai trò là trung tâm đã tạo được những tuyến trải nghiệm hấp dẫn cho du khách như: Trục khám phá di sản văn hóa Hà Nội - Tràng An - Bái Đính (Ninh Bình); trục du lịch tâm linh Hà Nội - Yên Tử (Quảng Ninh); trục trải nghiệm di sản thiên nhiên thế giới: Hà Nội - Hạ Long (Quảng Ninh) - Cát Bà (Hải Phòng)…

Phát huy sức mạnh liên vùng

Sau sáp nhập, các địa phương mở rộng địa giới hành chính đã tạo dư địa lớn cho phát triển kinh tế vùng, trong đó có du lịch. Vừa qua, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn - Kiếp Bạc (thuộc địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh và thành phố Hải Phòng) được UNESCO ghi vào danh mục Di sản Văn hóa Thế giới. Đây là Di sản Thế giới liên tỉnh thứ hai ở Việt Nam, cùng với Di sản Thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng). Điều này cho thấy sức mạnh của hoạt động liên kết di sản đang mang lại giá trị lớn cả về văn hóa, du lịch của không chỉ từng địa phương mà cho cả khu vực.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh cho biết, tỉnh Quảng Ninh đang phối hợp với các tỉnh, thành phố là Hải Phòng, Bắc Ninh xây dựng và triển khai đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản, nhằm bảo đảm tính bền vững, lan tỏa sâu rộng giá trị của Di sản Thế giới tới du khách. Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh cũng phối hợp với Hà Nội đẩy mạnh các tuyến du lịch chất lượng, mang đến nhiều trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.

Hiện nay, mặc dù hoạt động liên kết du lịch đang được Hà Nội và các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng đẩy mạnh, nhưng vẫn xảy ra nghịch lý là khách chủ yếu vẫn lựa chọn trải nghiệm ngắn ngày, ít lưu trú lâu. Hoạt động liên kết giữa các địa phương có tài nguyên thiên nhiên, văn hóa tương đồng chưa thật sự cởi mở, nên chưa khai thác được tiềm năng di sản.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, liên kết giữa Hà Nội và các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng mới dừng ở hình thức theo kỳ cuộc, tự phát, nhỏ lẻ. Các sản phẩm thiếu tính đặc thù, trải nghiệm na ná nhau, dịch vụ đơn điệu, nguồn nhân lực chất lượng cao còn mỏng.

Để việc liên kết du lịch vùng đạt hiệu quả, ông Vũ Thế Bình cho rằng, Hà Nội với vai trò trung tâm vùng, cần thực sự đóng vai “nhạc trưởng” kiến tạo liên kết, dẫn dắt phát triển sản phẩm du lịch liên vùng, xây dựng bản đồ điểm đến đặc sắc.

Còn theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh, các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng nên khai thác thế mạnh tuyến du lịch trên sông Hồng và kể câu chuyện của riêng mình gắn với những huyền thoại của con sông.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, tới đây, Sở Du lịch Hà Nội sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, liên kết du lịch vùng, trong đó tập trung khu vực đồng bằng sông Hồng với việc khai thác du lịch đường sông, du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh, khám phá di sản.

“Hà Nội sẽ tăng cường các hoạt động liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng để xây dựng sản phẩm liên tuyến mới mang đặc trưng rõ nét của từng địa phương, từ đó tăng sức hút điểm đến, tạo đà phát triển cho du lịch Việt Nam trong kỷ nguyên mới”, bà Đặng Hương Giang bày tỏ.

Chủ tịch Chi hội Du lịch xanh Việt Nam (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) Phùng Quang Thắng:
Hợp lực phát triển du lịch xanh

t3-ykien-phung-quang-thang.jpg

Du lịch xanh không chỉ là câu chuyện xây dựng sản phẩm sinh thái, hướng về thiên nhiên mà còn cần phải nâng cao trách nhiệm của các địa phương, doanh nghiệp du lịch trong việc giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường với nguồn năng lượng sạch, sử dụng đồ dùng thân thiện.

Vì thế, các tỉnh, thành ở khu vực đồng bằng sông Hồng cần hợp lực, liên kết để đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, bền vững. Các địa phương, doanh nghiệp du lịch cần có những cam kết rõ ràng như khách sạn không dùng đồ nhựa; đơn vị lữ hành, điểm đến xây dựng sản phẩm du lịch giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng.

Hà Nội đã ra Nghị quyết quy định biện pháp giảm phát thải nhựa trên địa bàn, thực hiện áp dụng các khách sạn không dùng rác thải nhựa dùng một lần từ ngày 1-6-2026 và tại các nhà hàng, quán ăn ở khu vực Vành đai 1. Đây là quyết định đúng đắn, cho thấy Hà Nội đang thể hiện vai trò là đầu tàu trong việc kiến tạo môi trường du lịch xanh, bền vững.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:
Xây dựng sản phẩm và quảng bá thương hiệu chung

t3-ykien-bui-hoai-son.jpg

Hà Nội với vai trò là trung tâm sáng tạo, có thể đóng vai trò đầu tàu trong việc hình thành các chuỗi liên kết ngành, xây dựng những tour du lịch liên vùng mang giá trị văn hóa, lịch sử đặc trưng.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực du lịch văn hóa - tâm linh, có thể hình thành các tuyến du lịch theo cụm, nối kết không gian lễ hội, di tích, làng nghề và trải nghiệm nghệ thuật biểu diễn. Đây là cách liên kết tạo giá trị không chỉ ở bề ngoài của sản phẩm mà còn nhằm tạo ra những trải nghiệm mới giàu cảm xúc cho du khách với câu chuyện văn hóa, lịch sử liên vùng.

Tôi cho rằng, tạo chuỗi giá trị vùng chính là cách tiếp cận giúp công nghiệp văn hóa, trong đó có du lịch, thoát khỏi tình trạng phát triển phân mảnh, đồng thời mở rộng thị trường và gia tăng sức mạnh cạnh tranh. Để hoạt động liên kết hiệu quả, các địa phương cần có chính sách phối hợp trong khâu quảng bá chung cho sản phẩm du lịch - văn hóa liên vùng để tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Nguyễn Tuấn Anh:
Hình thành liên minh lữ hành

t3-ykien-nguyen-tuan-anh.jpg

Vừa qua, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội đã phối hợp với thành phố Hải Phòng xây dựng sản phẩm du lịch Cát Bà với điểm nhấn là màn trình diễn nghệ thuật - thể thao kết hợp với khám phá food tour Hải Phòng. Sự kết hợp này mang lại hiệu quả đáng kể, tăng trải nghiệm cho du khách từ Hà Nội - Hải Phòng.

Hiện chúng tôi đã lên kế hoạch triển khai các liên minh tương tự, kết nối Hà Nội với Ninh Bình, Quảng Ninh, xây dựng chuỗi tour 2 ngày 1 đêm chất lượng đồng đều, đẩy mạnh du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng.

Thực tế, thời gian qua hoạt động liên kết giữa các đơn vị lữ hành của Hà Nội với các địa phương nhằm hình thành hành trình trải nghiệm đa dạng cho du khách tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế vì chính sách hợp tác các địa phương khác nhau. Do đó, để thu hút khách trải nghiệm nhiều hơn, các địa phương cần tạo điều kiện và có chính sách ưu đãi, phối hợp thống nhất và phù hợp để tạo liên minh bền vững và hiệu quả.

Lệ Quyên ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    Lực đẩy cho du lịch vùng đồng bằng sông Hồng

    (*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.