Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gieo lại niềm tin

Chí Kiên| 18/02/2014 06:17

(HNM) - Suốt nhiều năm qua, những cán bộ, giáo viên, kỹ thuật viên Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn (trụ sở ở xã Đông Yên, huyện Quốc Oai) vẫn lặng lẽ ươm mầm tương lai cho hàng trăm trẻ khuyết tật.


Vượt lên số phận

Từ lâu, em Nguyễn Thị Huyền vẫn được mọi người ở Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn yêu mến gọi là "ca sĩ". Bằng chất giọng "trong trẻo, thánh thót như chim hót", Huyền đã mang lại niềm tin yêu cuộc sống cho các bạn của mình. Gặp Huyền trong lớp dạy làm hoa nghệ thuật, dù phải ngồi trên xe lăn nhưng các động tác làm một bông hoa của em rất nhanh và thuần thục. Chỉ chưa đầy hai phút, từ nguyên liệu là miếng vải lụa đơn điệu, Huyền đã tạo nên bông hoa đào đẹp mắt và sống động. Huyền khoe: "Chúng em được các cô dạy làm các loại hoa đào, hoa mai, hoa ly, hoa lan... Làm một cành hoa, chúng em phải thực hiện các công đoạn như quấn sắt, lấy vải, làm hoa, lá, nụ. Vui nhất là sản phẩm làm ra được bán cho các đoàn khách đến trung tâm và người dân xung quanh". Năm nay bước sang tuổi 17, cái tuổi người ta thường nói là "bẻ gãy sừng trâu", thế nhưng với Huyền là một sự thiệt thòi lớn khi cuộc sống của em hơn chục năm qua và những năm sau này, chắc phải gắn bó với chiếc xe lăn. Nhưng vượt lên tất cả, Huyền đã không nản chí. Đặt chân vào trung tâm năm nay là năm thứ 5, Huyền đã học, đã biết được nhiều điều trong cuộc sống. Huyền chia sẻ trong niềm xúc động: "Tình yêu thương và sự sẻ chia của thầy cô, bạn bè đã nâng cánh ước mơ cho em. Nhớ lại những ngày trước khi vào đây, gia đình em rất khó khăn, bố mẹ làm lụng vất vả suốt ngày đêm vẫn không đủ miếng ăn. Khi đó, ở tuổi 12 nhưng em mới học hết lớp 2, mọi sinh hoạt cá nhân rất khó khăn...". Thời gian như một phép màu, giờ đây Huyền đã kiếm ra những đồng tiền đầu tiên từ nghề làm hoa giả. Dù không thể so sánh với người lao động bình thường, nhưng với Huyền, những đồng tiền do chính bàn tay mình làm ra đã thỏa được mơ ước bấy lâu, mà trước đây chính em cũng chưa khi nào dám nghĩ tới.

Giờ ăn cơm trưa của trẻ khuyết tật ở Trung tâm Việt - Hàn.


Đối với em Nguyễn Thị Quỳnh, những ký ức gian nan, nhiều trắc trở trong cuộc sống lại ùa về khi chúng tôi muốn chia sẻ với em về những ngày chưa vào trung tâm. Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo khó ở huyện Phúc Thọ, Quỳnh vẫn nhớ như in những tháng ngày đi học đã gặp rất nhiều khó khăn để hòa nhập với chúng bạn ở trường, ở lớp. Năm nay đã 16 tuổi nhưng Quỳnh chịu thiệt thòi khi cơ thể phát triển không bình thường, chiều cao chỉ được khoảng 0,6m. Tâm sự với chúng tôi, hai khóe mắt của Quỳnh ứa lệ: "Ngày ấy, để có thể được đến lớp như các bạn, bố mẹ, bạn bè đã động viên, ngày ngày đưa em đến lớp. Nhưng việc học ở trường không hề đơn giản, đôi khi còn bị bạn bè trêu chọc lại càng tủi thân. Vì vậy, khi vào trung tâm niềm tin cuộc sống đã trở lại với em. Năm năm sống với bè bạn cùng cảnh ngộ, với thầy cô thương yêu mình, em thấy như duyên trời đã định". Dẫn chúng tôi đến thăm các em ngày hôm đó, Giám đốc Trung tâm Nguyễn Kim Cam đã nói: "Quỳnh là một học sinh đặc biệt, có ý chí, biết vượt lên số phận. Ngày mới vào, trong hồ sơ ghi em đã học hết lớp 2 nhưng việc đọc, viết chữ của Quỳnh vẫn rất khó khăn. Tuy nhiên, đến nay thì Quỳnh đã đọc thông, viết thạo, tính toán tốt. Hơn thế, Quỳnh đang tham gia cùng các bạn học lớp dạy nghề làm hoa nghệ thuật".

Gieo tình yêu cho con trẻ

Cô giáo Nguyễn Như Quỳnh năm nay sang tuổi 32 nhưng đã có tới 8 năm công tác tại trung tâm. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm I Hà Nội, Khoa Giáo dục đặc biệt, sau ngày tốt nghiệp, cô giáo Quỳnh đã nộp đơn về đây làm việc. Cô Quỳnh tâm sự: "Công việc học tập của một sinh viên trên ghế nhà trường với môi trường làm việc mới có nhiều điểm khác nhau, nhưng rất may mắn là tôi được làm đúng ngành nghề đào tạo nên không gặp trở ngại khi tiếp xúc với các em. Để làm quen, gắn bó với trẻ khuyết tật, chúng tôi phải dành nhiều thời gian, lúc ở trên lớp, khi ở khu trị liệu và ngay cả những thời điểm các em ăn uống, nghỉ ngơi. Đặc biệt, một số trẻ tự kỷ khi gia đình đưa đến đây luôn trốn tránh mọi người, học trước quên sau, đòi hỏi chúng tôi phải kiên trì, nhẫn nại". Đáng trân trọng hơn với những giáo viên nơi đây là họ đã hy sinh nhiều thứ, trong đó lớn hơn tất cả là việc chăm sóc gia đình để hoàn thành nhiệm vụ. Bản thân cô giáo Quỳnh hoàn cảnh cũng nhiều khó khăn khi bận hai con nhỏ, chồng công tác trong quân đội ở tận Tuyên Quang, hiếm khi được về nhà, trong khi quê chồng thì ở mãi tỉnh Phú Thọ.

Với thâm niên 8 năm làm công tác trị liệu, kỹ thuật viên Trần Thị Nộ cho biết: "Mọi công việc chúng tôi đều phải gần gũi trẻ. Ví dụ như can thiệp ngôn ngữ, chúng tôi phải làm cho trẻ "có hơi" bằng các hành động như thổi nến, thổi giấy, thổi bóng; "có giọng" bằng các phương pháp tập hét, bắt chước tiếng kêu con vật... Mở rộng vốn từ thì chúng tôi khuyến khích các em bằng các chủ đề quen thuộc và đi từ dễ đến khó như xưng hô trong gia đình, đồ vật xung quanh...". Khi được hỏi điều quan trọng nhất của người chăm sóc trẻ là gì, cô Nộ không ngần ngại cho biết: "Chúng tôi phải có tấm lòng yêu trẻ, hiểu trẻ thì mới làm được việc này".

Một hình ảnh khó quên khác chúng tôi được chứng kiến ở Trung tâm Việt - Hàn là những tình nguyện viên đến từ Trường Đại học Seoul (Hàn Quốc) và Đại học Hà Nội. Đúng lúc trẻ đi ăn trưa, những tình nguyện viên với dụng cụ lỉnh kỉnh đã ùa vào các lớp học để quét dọn, lau chùi bàn ghế, cửa sổ, cửa ra vào. Một tay cầm chổi, một tay cầm giẻ lau, sinh viên năm thứ 4 Khoa Trồng trọt, Đại học Seoul, bạn Seong Hyang Yeon vui vẻ nói: "Tôi rất vui vì được sang Việt Nam để giúp đỡ trẻ em khuyết tật. Các em rất thiệt thòi trong cuộc sống, việc làm của chúng tôi dù nhỏ nhưng hy vọng sẽ sưởi ấm các em trong những ngày đông giá rét. Đây là những ký ức đẹp trong chúng tôi". Theo Seong Hyang Yeon, trong đợt tình nguyện lần này, Đại học Seoul có 27 sinh viên tham gia trong 8 ngày với các hoạt động như vệ sinh, hướng dẫn kỹ năng sống, tổ chức chơi thể thao, liên hoan văn nghệ... tại trung tâm.

Xây dựng "Ngôi nhà thân thương"

Chia sẻ về tình cảm của những người nuôi dạy mình, mà các em coi như anh chị, bố mẹ trong gia đình, em Nguyễn Thị Huyền, nói: "Hạnh phúc lớn nhất đối với cuộc đời mỗi người không phải tiền tài, danh vọng. Hạnh phúc giản đơn là có một nơi như thế để chỉ cần nghĩ tới chúng em cũng thấy ấm lòng". Theo quan sát của chúng tôi, những học sinh được nhanh nhẹn như em Huyền, em Quỳnh ở trung tâm là rất ít, hầu hết các cán bộ ở đây phải theo dõi, hướng dẫn sát công việc học tập, ăn uống, sinh hoạt của các em. Ông Nguyễn Kim Cam dù mới 3 năm giữ cương vị Giám đốc nhưng tình cảm dành cho trẻ khuyết tật đã ắp đầy "coi các em, các cháu như con, như cháu trong gia đình, việc gì cũng phải làm, từ giám đốc đến nhân viên bảo vệ. Cả một năm cơ quan chúng tôi chỉ duy nhất có một bữa cơm được ăn cùng nhau, đó là ngày tất niên cuối năm, khi các em về đoàn tụ với gia đình".

Ở Trung tâm Việt - Hàn, phần lớn học sinh có khuyết tật về trí tuệ. Trong số 112 trẻ khuyết tật đang được nuôi dưỡng, phục hồi chức năng ở đây thì chậm phát triển trí tuệ chiếm số lượng lớn nhất 64 trẻ. Giám đốc Trung tâm Nguyễn Kim Cam cho biết, khi mới tiếp nhận, hầu hết trẻ khuyết tật đều kém trí tuệ, đao, tự kỷ gặp khó khăn trong sinh hoạt cá nhân và nhận biết các hành vi trong cuộc sống. "Nan giải nhất là trẻ chưa biết tự vệ sinh cá nhân, không tự ăn uống được... gần như mọi việc chúng tôi phải hướng dẫn trẻ từ đầu. Thậm chí nhiều em buồn tủi có biểu hiện hành vi không hợp tác, chửi bậy, gây nhiều khó khăn cho giáo viên và kỹ thuật viên". Trước thực trạng này, chúng tôi đã tự xây dựng chương trình nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho từng trẻ khuyết tật, dựa trên nền tảng chung được tham gia giáo dục đặc biệt, hướng nghiệp và dạy nghề (kể cả học sinh khuyết tật nặng) dưới các hình thức lớp, nhóm và cá nhân với quy trình can thiệp 5 bước. Các phương pháp đặc thù được giảng dạy như đưa hệ thống tranh ảnh, đồ dùng dạy học phù hợp, trong đó triển khai giáo dục kỹ năng sống là chủ đạo. "Những công việc này trông cậy toàn bộ vào 42 cán bộ, giáo viên, kỹ thuật viên và nhân viên trong trung tâm"- ông Cam nói. Qua hơn 7 năm hoạt động, trung tâm đã tiếp nhận và phục hồi chức năng cho 758 trẻ khuyết tật từ 6 đến 18 tuổi, đa số các em hòa nhập cộng đồng tốt, có thể tự lo cho bản thân.

Tạm biệt "Ngôi nhà thân thương Việt - Hàn", chúng tôi cứ nhớ mãi lời hát của các em và các thầy, cô khi chia tay: "Từ khắp nơi nơi về đây, bạn tôi sống chung mái nhà. Cùng nắm tay nhau hòa ca, để mang theo niềm tin và ước mơ. Trung tâm Việt - Hàn vòng tay ân tình. Nơi đây ngôi trường mà em yêu mến. Trung tâm Việt - Hàn, bạn ơi hãy đến, mang theo tình yêu của những trái tim...".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gieo lại niềm tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.