(HNM) - Thành phố Hà Nội đang thống kê, phân loại phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 và các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô để đưa vào danh mục bảo tồn.
Những giá trị không thể phủ định
Ngoài hệ thống di tích đình, đền, chùa đồ sộ, dày đặc, Hà Nội còn nhiều tuyến phố cổ điển hình cho nhịp sống đô thị sầm uất, nhiều làng quê giữ được không gian cảnh quan đặc trưng vùng Đồng bằng Bắc bộ, hàng nghìn làng nghề truyền thống, công trình kiến trúc cổ và các loại hình di sản văn hóa phi vật thể.
Nhiều tuyến phố trong quận Hoàn Kiếm cần được bảo tồn, giữ được những nét đặc trưng của phố cổ. Ảnh: Trung Kiên |
Khu phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm với 36 phố nghề sôi động, đông đúc, hình thành và phát triển song song với lịch sử của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Ngày nay, tuy nhiều phố nghề truyền thống không còn hoạt động, song khu phố cổ vẫn luôn là một Hà Nội thu nhỏ. Đến đây, du khách như được trở về với Hà Nội của một thời xa xưa khi đi bộ, nghe hát xẩm, ca trù, thăm những ngôi nhà di sản; nhưng cũng nhanh chóng nhận ra một Hà Nội đang phát triển mạnh mẽ bởi sự nhộn nhịp của phố phường.
Không đông đúc như các tuyến phố cổ, du khách đến với Làng cổ Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây lại được sống trong không gian yên bình bao đời nay của làng quê Bắc bộ. Đường Lâm còn lưu giữ được 37 ngôi nhà cổ có giá trị đặc biệt có niên đại 200-400 năm, 74 ngôi nhà có niên đại trên 100 năm và gần 1.000 ngôi nhà truyền thống. Hệ thống biệt thự cũ, công trình xây dựng trước năm 1954 "phân bố" ở hầu hết các quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Khó có thể kể hết số làng nghề truyền thống ở Thủ đô, song những cái tên như: Làng nghề gốm sứ Bát Tràng, làng nghề dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ (Gia Lâm); làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông); làng nón Chuông (Thanh Oai)… đã trở nên thân thuộc với nhiều người. Mỗi làng nghề có một đặc trưng riêng, nhưng đều có chung một điểm là sản phẩm họ làm ra thể hiện sự tài hoa, tinh tế, khéo léo của người Hà Nội, góp phần giới thiệu hình ảnh, văn hóa của Hà Nội tới bạn bè quốc tế.
Thực tế đã chứng minh, phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ và di sản văn hóa phi vật thể đã, đang và sẽ góp phần gìn giữ, giới thiệu, quảng bá giá trị lịch sử, văn hóa của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Và nói như các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử, văn hóa, kiến trúc, người Hà Nội hôm nay sẽ có lỗi với tiền nhân, với thế hệ sau nếu không sớm đưa các loại hình di sản này vào danh mục bảo tồn để từng bước tiến hành bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị.
Bảo tồn, phát huy thế nào?
Khảo sát gần đây nhất cho thấy, Hà Nội hiện có hơn 1.000 biệt thự cũ. Sau khi thẩm định, Viện Quy hoạch và kiến trúc đô thị (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) đã phân loại các công trình kiến trúc này thành 4 loại. Loại 1 là các biệt thự có giá trị đặc biệt, quy mô lớn, vị trí đẹp, sân vườn còn nguyên vẹn, giữ được tính nguyên bản và các đặc trưng về phong cách kiến trúc để ưu tiên bảo tồn. Loại 2 là các biệt thự có giá trị, vị trí đẹp, ít nhiều đã bị biến dạng hoặc hư hại cần được khôi phục, bảo tồn. Loại 3 là các biệt thự có giá trị trung bình, còn giữ được hình dạng ban đầu, nhưng đã bị sửa chữa, lấn chiếm hoặc cải tạo một phần, có thể xem xét một số biệt thự để chỉnh trang, bảo tồn. Loại 4 là các biệt thự đã bị phá bỏ, xây mới, hư hại nghiêm trọng hoặc đã bị biến dạng hoàn toàn về kiến trúc.
Nói về việc bảo tồn biệt thự cổ, ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, các cơ quan chức năng nên xem xét mối quan hệ sở hữu trong các biệt thự; mối quan hệ giữa kiến trúc biệt thự với quy hoạch không gian của khu phố, tuyến phố; sự tiêu biểu của phong cách kiến trúc để tìm ra phương án hợp lý.
Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, phố cổ Hà Nội hấp dẫn du khách ở dáng vẻ kiến trúc không giống bất kỳ nơi nào trên thế giới bởi lối sống, lối kinh doanh đặc trưng của người dân nơi đây, vì vậy bảo tồn theo cách nào cũng cần giữ được những nét đặc trưng đó. Từ thực tế, GS, TS Hoàng Đạo Kính cho rằng, nếu chạy theo số lượng để bảo tồn phố cổ, Hà Nội sẽ thất bại, thay vào đó, Hà Nội nên can thiệp chọn lọc, tức là chỉ nên chọn quy hoạch một số đoạn phố cổ đặc trưng nhất để phục dựng nhằm sống lại không khí xưa.
Quan điểm bảo tồn có chọn lọc cũng được nhiều nhà khoa học đề xuất khi xây dựng phương án bảo tồn Làng cổ Đường Lâm. Đánh giá cao vai trò của làng nghề truyền thống trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa của Thăng Long - Hà Nội, tại Văn bản số 4156 ngày 9-10-2013, Sở Công thương đã lập danh mục 36 làng nghề tiêu biểu, hình thành hàng trăm năm nay, có lễ hội truyền thống, có tên tổ nghề, nhà thờ tổ nghề, hiện vẫn đang hoạt động sôi động đề nghị thành phố quan tâm đầu tư, bảo tồn. Theo TS Lê Thị Minh Lý, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, muốn bảo tồn làng nghề truyền thống trước hết phải bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể của làng nghề. Đó là kho tàng các kinh nghiệm, kỹ thuật, bí quyết nghề nghiệp, từ việc sử dụng nguyên vật liệu, kỹ thuật chế tác đến chủ đề sáng tạo cho từng sản phẩm của mỗi làng nghề. Bên cạnh đó là chính sách tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân bởi họ là những người giữ bí quyết, kỹ thuật cha truyền con nối. Quan trọng hơn nữa là việc nghiên cứu để bảo tồn tục thờ tổ nghề và các lễ hội gắn liền với sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt tinh thần của các làng nghề…
Với nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản như phân tích ở trên, chắc chắn kho di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Thăng Long - Hà Nội sẽ ngày một dày thêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.