(HNMCT) - Người tự nhận mình là cỏ, thơ mình là cỏ, mà lại là cỏ dại, hẳn là người rất biết mình. Trang Tử từng viết, chữ “biết” rất quan trọng, nó làm cho ta tỉnh thức, làm cho ta tự tại, an nhiên, làm cho ta biết tới, biết lui đúng lúc. Khi nhà thơ Quang Tuyến đặt tên một tập thơ của mình là “Cỏ thì vẫn dại thế thôi”, hẳn ông đã hướng thơ mình tới sự “biết”. Mà cỏ thì thường tươi trong câu thơ bất hủ của Nguyễn Trãi (Hoa thường hay héo cỏ thường tươi) và mang trong lòng nó một sức sống tiềm tàng gần như bất diệt.
Theo tinh thần ấy, Quang Tuyến quan tâm đến thế giới tự nhiên, mới đọc tưởng là hướng ngoại, đọc kỹ mới thấy là hướng nội. Bằng chứng là trong “Đêm trở dạ”, ông viết: “Rưng rưng hoa nụ xương rồng/ Bởi tin yêu quá nên hồng sắc tươi”. Ông lý giải: Sở dĩ xương rồng “hồng sắc tươi” là do “bởi tin yêu quá”. Đến cây xương rồng, đời xương rồng, cũng như con người, đời người vậy, thì ông nhận ra vẻ đẹp, sức sống bừng lên trong sự vượt khó để được là mình trong mọi hoàn cảnh dù là khốc liệt nhất: “Giữa mênh mông bỏng rát/ Trời xanh. Sa mạc cát/ Cây xương rồng nở hoa”. Hay là vẻ đẹp lẫm liệt vượt lên mọi thử thách của “Dáng thông”: “Đá cheo leo nhọn hoắt/ Trời xanh. Bão giông. Giá buốt/ Vút cao một dáng thông”. Trong ba câu thơ này, năm từ “vút cao một dáng thông” đã gọi tên sự vật với đúng tên gọi của nó.
Đọc kỹ “Cỏ thì vẫn dại thế thôi”, người đọc dễ phát hiện ra Quang Tuyến có sở trường về thơ lục bát. Ta dễ dàng chọn ra nhiều cặp lục bát ấn tượng của ông, mà trong đó, mỗi cặp đều được viết nhuần nhuyễn, đầy ý tứ và dày trải nghiệm.
Tạng thơ của ông rất hợp với tạng người ông, tự tin, bình thản, ưa vân vi, ngẫm ngợi, dẫn dắt, gợi mở... Ông nhận ra quy luật của cuộc đời này, đời sống này: “Buông tay thì cũng ngang bằng cả thôi” ("Táo đình"), và “Mấy ai cầm được vuông tròn/ Xuống biển biển rộng lên non non dầy/ Ta rong chơi hết tháng ngày/ Mà như đang bị lưu đầy tháng năm” ("Mấy ai"). Ông nhận ra sức sống kỳ lạ từ khoảnh khắc bắt đầu của sự kết thúc: “Cuối chạp đông buốt cành gầy/ Đã râm ran nhựa ứ đầy chồi non” ("Mùa xuân"). Ông mở lòng trước vạn vật, lấy vạn vật làm chỗ dựa, làm niềm vui, làm sự cứu rỗi cho chính mình: “Hồn phơi phới trước thềm xuân/ Còn chi ngăn cách ta ngần ngại ta” ("Tình xuân"), và “Một trời một đất bao la/ Một em một biển một ta vô thường” ("Bằng cả trái tim").
Thơ ông có lúc rất thấu đáo và gợi mở, về cả tâm thế lẫn tâm trạng: “Tháng năm còn có bao nhiêu/ Mang thơ đắp đổi những chiều không em” ("Chiều không em"), “Gió buồn the thắt cành me/ Bỗng thương tiếng guốc bên hè xa xôi” ("Ngẩn ngơ"), “Mùa đi vời vợi lá vàng/ Hồn còn đau đáu vắt ngang đỉnh trời” ("Trái tim mồ côi"). Cũng có lúc, ông tỏ ra lo lắng, bất an: “Bàn tay nắm chặt bàn tay/ Vẫn còn sợ tuột ở ngay lòng mình” ("Xiếc trên dây").
Thơ lục bát của Quang Tuyến có sự sắc sảo, tinh tế và hoạt ở chữ. Trong trường hợp này, thi sĩ Lê Đạt có lý khi cho rằng, “chữ” bầu lên nhà thơ. Tôi thích từ “nấc” trong “Đàn bầu ai nấc vào dây/ Buốt như máu nhỏ giọt dày giọt thưa” ("Lời ru lục bát"), và từ “mềm” trong “Nắng non bổi hổi bên thềm/ Men say chưa chạm đã mềm tháng giêng” ("Ngày xuân"). Chữ được dùng trong thơ như thế là đắc dụng và đúng lúc, đúng chỗ. Và, chữ mới hay không dường như chỉ dành cho những người biết “dụng” nó.
Từ những năm bảy mươi của thế kỷ trước, Bằng Việt từng “Trở lại với trái tim mình”, đến những năm 2000 của thế kỷ này Quang Tuyến lại “Cho ta ru lại bằng lời trái tim”. Đọc những câu thơ này, tự nhiên tôi lại nhớ: “Cuộc đời trắng trắng đen đen/ Tay lần tràng hạt - thói quen lần tìm/ Lặng im không hẳn lặng im/ Từ trái tim đến trái tim... tự lòng”. Xét cho cùng thì từ trái tim đến trái tim vẫn là quy luật của tình cảm muôn thuở, có xuất phát từ “tự lòng” mà thôi! Và “Cỏ thì vẫn dại thế thôi”, không phải là trường hợp ngoại lệ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.