Câu ca đã khẳng định cốt cách của người Tràng An - Hà Nội xưa, nay là: Thanh lịch, văn minh. Là một học sinh Hà Nội, chúng em cần giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa giao tiếp, ứng xử trong nhà trường vốn đã được hình thành trong quá trình giao tiếp hàng nghìn năm qua.
Ngôi trường thân yêu là nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm đẹp đẽ, êm đềm của tuổi thơ. Ở nơi đó, thầy cô không chỉ truyền dạy tri thức mà còn bồi đắp cho chúng em biết bao tình cảm đẹp. Những lời thầy giảng về truyền thống tôn sư trọng đạo "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư", về tấm gương ông Phạm Sư Mạnh, một học trò giỏi của thầy Chu Văn An, cho dù đã đỗ đạt làm quan to chức lớn, địa vị xã hội cao hơn thầy mình nhưng mỗi khi về thăm, luôn quỳ xuống lạy thầy đã thắp sáng thêm trong mỗi chúng em nét đẹp văn hóa ứng xử thanh lịch văn minh "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây".
Kính trọng, yêu mến thầy cô được thể hiện trong cách giao tiếp ửng xử hằng ngày. Một lời nói hay, một cử chỉ đẹp như chào hỏi lễ phép, chăm chú nghe giảng, tặng thầy cô tấm thiệp nhỏ tự tay mình làm với lời chúc yêu thương, tấm lòng tri ân sâu sắc nhân dịp 20-11 chắc chắn sẽ làm thầy cô ấm lòng và cảm thấy tự hào về những học sinh thân yêu. Và đó chính là nét đẹp văn hóa ứng xử với thầy cô trong nhà trường mà mỗi chúng ta cần khắc ghi.
Thời gian lặng lẽ trôi, cuộc sống ngày càng hối hả, thầy cô là người đưa chúng em tới bến bình yên còn bạn bè lại cho em tình bằng hữu ngọt ngào. "Bạn bè là nghĩa tương thân". Có bạn ở bên niềm vui sẽ nhân đôi, nỗi buồn sẽ vơi đi một nửa. Nhưng học sinh chúng ta mỗi người mỗi tính cách, mỗi hoàn cảnh như vườn hoa muôn sắc muôn màu. Để vườn hoa ấy mãi ngát hương thì mỗi bạn cần luôn yêu thương đoàn kết, sẻ chia, cảm thông giúp đỡ và biết học hỏi nhau để cùng tiến bộ. Với những bạn kém may mắn hơn mình, đừng tỏ ra kiêu căng tự mãn, coi thường mà biết tạo ra sự đồng cảm, gần gũi, đối xử với bạn như với chính mình.
Mỗi ngày chúng em đến trường, được học dưới mái trường khang trang, sạch đẹp một phần là nhờ công lao của các nhân viên trong nhà trường như bác bảo vệ, bác lao công, cô thủ thư... Dù các cô, các bác ấy không trực tiếp giảng dạy nhưng mỗi chúng ta cần phải biết tôn trọng lễ phép, giúp đỡ sẻ chia với họ bằng những hành động thiết thực như: Giữ gìn của công, vệ sinh trường lớp, bỏ rác đúng nơi quy định... Những việc làm ấy tuy nhỏ song đã góp phần làm cảnh quan môi trường sư phạm xanh - sạch - đẹp.
Em cảm động biết bao khi thấy một ngày, anh bộ đội - một học sinh về thăm trường cũ. Các bạn học sinh niềm nở, lễ phép chào hỏi đã lưu lại trong lòng mọi người những ấn tượng đẹp về hình ảnh học sinh Hà Nội thanh lịch văn minh.
Tuy nhiên, ở đâu đó, vẫn còn một số bạn học sinh chưa thể hiện được nét đẹp ấy. Vẫn còn hiện tượng nói tục, gây gổ đánh nhau, vô lễ với thầy cô giáo, vứt rác bừa bãi, lười học, ham chơi... Em nghĩ, có lẽ các bạn chưa hiểu rõ được những hành vi sai trái ấy sẽ ảnh hưởng như thế nào tới mọi người xung quanh và chính mình. Em rất muốn mình và mọi người sẽ giúp đỡ các bạn ấy trở thành những học sinh ngoan, tích cực để cùng xây dựng một môi trường học đường thân thiện, lành mạnh.
Bài viết đoạt giải Nhất cuộc thi "Viết về nếp sống thanh lịch, văn minh".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.