(HNM) - Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay kéo dài 4 ngày và mang những sắc thái riêng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, dù còn nhiều điểm công cộng bị hạn chế hoạt động nhưng lĩnh vực du lịch vẫn có nhiều dấu hiệu khởi sắc; trong khi lĩnh vực giao thông còn nhiều tồn tại, hạn chế...
Tái diễn tình trạng “nhồi nhét”, tăng giá vé
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại một số bến xe lớn của Thủ đô ngày 3-5, lượng xe về các bến không nhiều nên không xảy ra ùn tắc trong bến. Tuy nhiên, tại các điểm dừng, nhà chờ xe buýt, hành khách chen chúc lên xe do phương tiện này hiện chỉ được chở 28 khách/lượt xe vì đang thực hiện quy định giãn cách phòng, chống dịch Covid-19.
Trong khi đó, với các xe khách chạy tuyến đường dài, vẫn xảy ra tình trạng nhồi nhét, tăng giá vé. Anh Đỗ Hùng, hành khách đi xe biển kiểm soát 35B-011.17 tuyến Ninh Bình - Hà Nội phản ánh, lúc xuất phát từ bến, xe chỉ có khoảng 10 khách, nhưng trên đường đi, lái xe liên tục bắt thêm khách. Theo thiết kế, xe chỉ có 29 chỗ ngồi nhưng nhà xe "nhồi" tới gần 40 người. Không chỉ vậy, giá vé tuyến Ninh Bình - Hà Nội thường ngày chỉ 70.000 đồng nhưng nay nhà xe thu 100.000 đồng.
Tương tự, một hành khách đi tuyến Nam Trực (Nam Định) - Hà Nội cho biết, lái xe "nhồi" đầy khách và tăng giá vé từ mức chỉ 70.000-80.000 đồng/người ngày thường, nay lên tới 150.000 đồng/người. Tuy vậy, trong cả quá trình di chuyển nhà xe vẫn không bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.
Tại các trạm thu phí trên tuyến cao tốc từ Hải Phòng đi Hà Nội hay cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ không xảy ra ùn tắc. Tại đầu Cầu Giẽ của đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Đội Cảnh sát giao thông số 8 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) đã hướng dẫn người điều khiển phương tiện đi theo hướng quốc lộ 1A và các lối rẽ về đường Cienco 5 đi về hướng các quận Hà Đông, Hoàng Mai… Tại đầu Pháp Vân của đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, lực lượng chức năng cũng phân luồng từ lối rẽ lên cầu Thanh Trì và xử nghiêm người điều khiển xe khách dừng, đỗ trả khách không đúng quy định... Tuy nhiên, việc đi lại của người dân vào trung tâm thành phố vẫn rất khó khăn.
Tại khu vực cầu Thanh Trì, theo Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 5, lượng người và phương tiện từ các tỉnh phía Bắc theo quốc lộ 1A và các tỉnh Đông Bắc theo quốc lộ 5 về Hà Nội vẫn được kiểm soát tốt, không ùn tắc tại khu vực giáp ranh và trên 4 cầu: Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Đông Trù.
Lĩnh vực y tế và du lịch hoạt động thông suốt
Chiều 3-5, Sở Y tế Hà Nội có báo cáo nhanh công tác bảo đảm y tế dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Theo đó, trong 4 ngày nghỉ lễ (từ ngày 30-4 đến 3-5), các bệnh viện trên địa bàn thành phố đã khám cấp cứu cho 4.265 trường hợp, trong đó có 299 trường hợp tai nạn giao thông, 112 trường hợp tai nạn lao động, 389 tai nạn sinh hoạt và 3.465 trường hợp cấp cứu vì nguyên nhân khác. So với kỳ nghỉ lễ 30-4-2019, kỳ nghỉ lễ năm nay ít hơn 1 ngày và số lượng các ca khám cấp cứu và tai nạn giảm 45%. Riêng tai nạn giao thông giảm 35%, tai nạn do sinh hoạt giảm 30%. Trên địa bàn thành phố cũng không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.
Trong khi đó, lĩnh vực du lịch ghi nhận nhiều khởi sắc. Dù nhiều điểm di tích chưa mở cửa trở lại, như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long… nhưng một số điểm du lịch vẫn thu hút người dân và du khách trong kỳ nghỉ lễ. Khu vực hồ Hoàn Kiếm không tổ chức không gian đi bộ và các sự kiện văn hóa như mọi năm nhưng vẫn là điểm đến của nhiều người.
Trong dịp này, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội quyết định mở cửa một số di tích, như Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc). Chị Đàm Thu Hương, nhân viên Ban Quản lý phố cổ Hà Nội cho biết, việc mở cửa trở lại các điểm du lịch ở phố cổ cũng là cách để khởi động lại các hoạt động du lịch trong thời gian tới.
Ở khu vực ngoại thành, nhiều khu, điểm du lịch mở cửa vào dịp nghỉ lễ đã trở thành điểm đến “đắt giá”, như: Làng cổ Đường Lâm, Làng Văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam (thị xã Sơn Tây), làng gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm)… Phó Trưởng ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm Nguyễn Trọng An cho biết, trong dịp này nhiều người đã đến tham quan làng cổ và Ban Quản lý di tích đã bố trí xe điện để đưa, đón khách. Còn Bí thư Đảng ủy xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi thông tin, khách đến Bát Tràng đông hơn vào dịp nghỉ lễ, hy vọng sẽ tạo sự khởi sắc cho du lịch địa phương trong thời gian tới.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, dịp nghỉ lễ này, cơ bản các địa phương, đơn vị đã thực hiện đầy đủ biện pháp phòng dịch như: Đo thân nhiệt cho khách, bố trí dung dịch sát khuẩn tay, nhân viên đeo khẩu trang… Tuy nhiên, tại nhiều điểm vẫn còn không ít người dân và du khách không đeo khẩu trang, chưa thực hiện giãn cách như quy định.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong 4 ngày nghỉ lễ toàn quốc xảy ra 133 vụ tai nạn giao thông, làm chết 79 người, bị thương 76 người. So sánh với 4 ngày đầu của kỳ nghỉ lễ năm 2019, tăng 18 vụ, giảm 2 người chết, giảm 2 người bị thương. Trong đó, đường bộ xảy ra 132 vụ tai nạn, làm chết 79 người, bị thương 75 người; so với cùng kỳ năm 2019, tăng 22 vụ, số người chết không tăng không giảm, số người bị thương giảm 4 người. Dịp nghỉ lễ năm nay không xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
Đường sắt xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông, làm bị thương 1 người; so với cùng kỳ năm 2019 giảm 4 vụ, giảm 2 người chết, tăng 2 người bị thương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.