Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu - Tượng đài của trí thức cách mạng Việt Nam

Hàn Lâm| 25/01/2022 07:35

(HNM) - Theo Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam, Giáo sư, Viện sĩ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Văn Hiệu đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô vào lúc 11h53 ngày 23-1, hưởng thọ 84 tuổi. Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu luôn được giới khoa học ngưỡng mộ, nhắc tới như một nhân vật tiêu biểu, với những đóng góp nổi bật cho sự đổi mới, phát triển của nền khoa học Việt Nam; là tượng đài của trí thức cách mạng Việt Nam.

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu. Ảnh: QĐND​​​

Đam mê nghiên cứu khoa học

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu sinh ngày 21-7-1938 tại phường Hà Cầu, quận Hà Đông, trong một gia đình viên chức nhỏ. Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu kể rằng: “Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, gia đình tôi tản cư về một làng ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Tuy còn bé, nhưng vì nhà nghèo nên tôi xin vào làm thợ phụ trong một xưởng dệt kim của một người đồng hương từ làng Cự Đà tản cư vào. Tôi thấy rằng, chiếc máy dệt kim có năng suất lao động cao gấp mấy trăm lần năng suất lao động của người đan áo bằng tay, từ đó ước mơ một ngày nào đó, khi kháng chiến thắng lợi hoàn toàn, tôi sẽ xin vào học một trường đại học về kỹ thuật”.

"Năm 1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng. Tôi cùng với gia đình trở về Hà Đông. Khi đó, Chính phủ mới chỉ thành lập tại Hà Nội 3 trường đại học, đó là Trường Đại học Y khoa, Trường Đại học Sư phạm khoa học và Trường Đại học Sư phạm văn khoa, chưa có trường đại học về kỹ thuật. Trường Đại học Sư phạm khoa học có Khoa Toán Lý, dạy toán và vật lý là chính. Chưa có dịp vào học một trường kỹ thuật, tôi thi vào Khoa Toán Lý, Trường Đại học Sư phạm khoa học và xin học ngành Vật lý, vì vật lý gần với kỹ thuật nhất”, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu cho biết thêm về cơ duyên của ông đến với ngành Vật lý.

Năm 1956, sinh viên Nguyễn Văn Hiệu tốt nghiệp cử nhân vật lý loại xuất sắc, sau đó trở thành cán bộ trẻ, giảng dạy tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội). Năm 1960, ở tuổi 22, ông được cử sang làm việc tại Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna, Liên Xô (cũ). Đây được xem là một trung tâm nghiên cứu vật lý nổi tiếng thế giới lúc bấy giờ. Tháng 4-1963, sau hai năm rưỡi ở Dubna với 12 công trình nghiên cứu về vật lý neutrino được công bố, nghiên cứu sinh Nguyễn Văn Hiệu đã dành ra một số tuần lễ để viết bản luận án tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Markov và ông đã bảo vệ luận án thành công.

Sau bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ khoa học, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệu bắt tay ngay vào một hướng nghiên cứu mới vừa xuất hiện: Tính chất đối xứng cao, thống nhất sự đối xứng nội tại của các hạt cơ bản với tính đối xứng của không - thời gian. Viện Dubna quyết định thành lập một nhóm nghiên cứu mới và giao cho ông phụ trách. Nhóm gồm các nhà vật lý thuộc nhiều quốc tịch: Liên Xô, Hungary, Romania và Việt Nam. Viện còn đề nghị ông soạn một loạt bài giảng về lý thuyết mới hình thành đề trình bày với các nhà thực nghiệm. Về sau, các bài giảng đó được viết lại thành sách, dưới nhan đề “Các bài giảng lý thuyết đối xứng unita” và được nhà xuất bản Nguyên tử in ở Mátxcơva.

Năm 1968, khi mới 30 tuổi, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệu được công nhận chức danh giáo sư vật lý lý thuyết và vật lý toán của Viện Dubna và Đại học Lomonosov. Năm 1969, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu trở về Việt Nam và được Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng tin tưởng, trực tiếp giao nhiệm vụ làm Viện trưởng Viện Vật lý và là thành viên của Ủy ban Khoa học, kỹ thuật nhà nước. Ông là một viện trưởng trẻ tuổi nhất trong lịch sử khoa học Việt Nam.

“Mở đường” ngành khoa học cơ bản

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu là Viện trưởng Viện Vật lý đầu tiên, đã cùng những người trí thức “mở đường” cho ngành khoa học cơ bản của Việt Nam. Năm 1970, tại hội nghị vật lý quốc tế ở Kiev (Ukraine), Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu đã có một bản báo cáo gây tiếng vang lớn và thu hút được sự chú ý của cử tọa khi ông đề cập những kết quả khám phá của mình cùng với Viện sĩ Logunov.

Đầu tháng 5-1975, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu được bầu làm đại biểu Quốc hội và được tháp tùng đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đi thị sát các tỉnh phía Nam. Ngày 4-7-1975, Trung ương Cục miền Nam Việt Nam ra quyết định thành lập Viện Khoa học kỹ thuật miền Nam trực thuộc Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam và cử Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu làm Viện trưởng. Với đội ngũ các nhà khoa học rất ít ỏi, ông lại bắt tay vào gây dựng một cơ ngơi mới.

Tháng 6-1976, sau ngày cả nước đi bầu Quốc hội lần đầu tiên khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu trở ra Bắc để đảm nhận chức vụ Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam và đến năm 1983, ông trở thành Viện trưởng. Từ năm 1993, ông là Giám đốc Trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia kiêm Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu. Năm 1999, ông trở về ngôi nhà chung Đại học Quốc gia Hà Nội - nơi ông đã từng học tập và giảng dạy khi mới bắt đầu sự nghiệp - đảm đương chức vụ Chủ nhiệm Khoa Công nghệ. Năm 2004, Trường Đại học Công nghệ - một mô hình trường đại học công nghệ hiện đại trong đại học đa ngành, đa lĩnh vực được thành lập và ông lại là Hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường này.

Trước đó, năm 1982, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (nay là Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga) và năm 1984, được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ ba, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Czech.

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa V, VI, VII, VIII và là đại biểu Quốc hội nhiều khóa. Ông cũng là một trong những người đi tiên phong trong việc nhìn nhận cần có cải cách tiền lương cho ngành Giáo dục. Số công trình khoa học của ông lên tới con số 200, trải rộng trên nhiều lĩnh vực và hầu hết các công trình này được công bố trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế có  uy tín.

Với những cống hiến trong công tác khoa học, năm 1996, Nhà nước đã trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu về tập hợp các công trình nghiên cứu. Năm 2009, Chủ tịch nước đã quyết định trao Huân chương Độc lập hạng Nhất tặng Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu. Trước đó, năm 1986, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu được Liên Xô trao tặng Giải thưởng Lênin về khoa học và kỹ thuật.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu - Tượng đài của trí thức cách mạng Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.