Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giao quyền nhưng phải kiểm soát quyền lực

Hiền Chi - Thanh Hiền| 23/11/2017 07:07

(HNM) - Ngày 22-11, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020...


Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam. Ảnh: Thái Hiền


Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Điều 4 dự thảo luật quy định nguyên tắc bảo vệ bí mật nhà nước với 5 khoản rất chung chung. Đại biểu đề nghị bổ sung 2 khoản mới: Việc sản xuất cung cấp thiết bị phương tiện để thực hiện bí mật nhà nước phải bảo đảm công nghệ hiện đại được sản xuất bởi cơ sở tuyệt đối an toàn, an ninh của Việt Nam và thực hiện cơ chế kiểm soát đặc biệt đối với các thiết bị, phương tiện điện tử có khả năng phát tán thu thập dữ liệu gây lộ, lọt bí mật nhà nước.

Đại biểu Thái Trường Giang (Đoàn Cà Mau) cảnh báo, nguy cơ trăm hoa đua nở "bí mật" khi dự luật cho phép Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố ban hành danh mục bí mật nhà nước riêng cho địa phương. Vì vậy, đại biểu kiến nghị bổ sung nguyên tắc phân loại bí mật nhà nước, phải theo mức độ, danh mục theo từng lĩnh vực chứ không chỉ dựa theo khả năng nguy hại hay bị lộ, bị mất để đóng dấu mật.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga, quy định của dự thảo luật phải bảo đảm hai yêu cầu là lợi ích Nhà nước, tổ chức, cá nhân và bảo đảm thực hiện sự công khai, minh bạch của cơ quan tổ chức đơn vị, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, Quốc hội, báo chí và hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, dự thảo luật cần tiếp tục hoàn thiện để bảo đảm tính khả thi.

Không bỏ qua kiểm soát quyền lực

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, các đại biểu khẳng định sự cần thiết của việc thành lập 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Vân Đồn (Quảng Ninh); Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) và ban hành luật này.

Nhiều đại biểu tán thành phương án 1 như Chính phủ đề xuất: Không tổ chức HĐND và UBND tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt mà thực hiện thiết chế Trưởng Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Thủ tướng bổ nhiệm, được phân quyền, phân cấp mạnh, có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Đoàn Phú Yên) phân tích, có 3 cơ sở để tin tưởng phương án 1 vì: Thể hiện rõ tính đột phá, vượt ra những quy định của cơ chế chính sách hiện hành nhưng vẫn phù hợp với Hiến pháp; thể hiện rõ tính đặc biệt trong một đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và hiện có đầy đủ cơ sở để khắc phục sự lạm quyền khi giao quá nhiều quyền lực cho trưởng đặc khu. Theo đại biểu, điều quan trọng là ở khâu tuyển chọn và bổ nhiệm trưởng đặc khu cần công khai, minh bạch, bởi chọn được người có tâm, có tầm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì sự thành công của mô hình này sẽ được khẳng định.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội) nhất trí quan điểm không bỏ qua nguyên tắc kiểm soát quyền lực và đề xuất nên có Hội đồng Đặc khu bao gồm các chuyên gia trên các lĩnh vực (kinh tế tài chính, tài nguyên - môi trường, quản lý đô thị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, pháp luật…) thực hiện chức năng giám sát, khuyến nghị đối với trưởng đặc khu. Trong hội đồng còn có một nửa thành viên do dân bầu để giám sát việc lắng nghe nguyện vọng của nhân dân.

Một số ý kiến lưu ý cần phải làm rõ vấn đề bảo vệ quốc phòng - an ninh; bảo tồn các giá trị tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, nhất là tài nguyên biển đảo và rừng phòng hộ. Đặc biệt, cần chú ý đến mặt trái của các mô hình (kể cả những mô hình đã thành công), đó là: Phát triển thiếu cân đối; lao động giá rẻ, bóc lột sức lao động; ô nhiễm môi trường và hàng loạt vấn đề khác.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, có 24 ý kiến phát biểu, 6 ý kiến tranh luận, còn 45 ý kiến đăng ký phát biểu nhưng không còn thời gian. Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra sẽ phối hợp để tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo đánh giá sâu sắc, toàn diện hơn sự tác động của một số cơ chế chính sách ở trong luật này để báo cáo Quốc hội kỳ họp tới.

Thông qua Nghị quyết về Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam
Với 83,1% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 118.716 tỷ đồng, trong đó 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước đầu tư tham gia thực hiện dự án thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết 26/2016/QH14 và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.

Từ năm 2017 chuẩn bị đầu tư để thực hiện và cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2021. Trong giai đoạn 2017-2020, dự kiến đầu tư 654km, chia thành các dự án thành phần vận hành độc lập; hình thức, quy mô đầu tư phù hợp với từng dự án thành phần.

Thanh Hiền
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giao quyền nhưng phải kiểm soát quyền lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.