(HNM) - Tối 15-10, sau khi cơm nước xong, chị Hoài dắt cậu con trai đi dạo trên sân trường Đại học Thủy Lợi (175 phố Tây Sơn). Sân trường hôm nay sôi động hơn mọi khi bởi một tốp khoảng 50 sinh viên đứng quây thành vòng tròn lớn, hát cười rộn rã.
Ở giữa vòng tròn có 3 sinh viên làm nhiệm vụ lĩnh xướng, trong đó 2 người mặc đồng phục áo đỏ quần đen. Một số bạn khác mặc áo phông in tên trường, khóa K51, N2.
Đang lẩm nhẩm hát theo các anh chị sinh viên, con chị Hoài bỗng thần mặt, nhìn mẹ thắc mắc:
- Mẹ ơi, các anh chị lớn thế mà hát sai cả bài của trẻ con.
Lúc này, chị Hoài mới để ý đến câu chữ lời hát: Cháu lên ba, cháu đi mẫu giáo, cô thương cháu vì cháu có "ba" hay bốn ông già ra bờ ao chung vui... trao cho nhau những lời "đắng cay". Hết phần bài hát về các con số từ 1 đến 10, các bạn trẻ chuyển sang hát về chủ đề gia đình "Ba ngọn nến lung linh, "đốt cháy" một gia đình"... Sau mỗi lời hát xuyên tạc đầy bậy bạ (không tiện kể lại), đám sinh viên lại cười rộ lên và tự vỗ tay tán thưởng ầm ĩ cả khoảng sân trường rộng lớn.
Những người lớn tuổi đi tập thể dục tại đây đều lắc đầu ngán ngẩm. Còn số bạn trẻ khác đang ngồi chuyện trò trên ghế đá gần đấy cũng không hề có động thái tán dương.
Xem ra hoạt động của nhóm sinh viên này chưa đến hồi kết nên chị Hoài đành phải kết thúc buổi đi dạo sớm. Khi chị kéo tay con định ra về thì nam sinh viên giữ vai trò lĩnh xướng suốt từ đầu cuộc vui lên giọng hò...
- Các bạn ơ... ơi, nhân hôm nay có 5 bạn từ "ngân hàng" sang giao lưu, chúng mình hãy thể hiện cho các bạn ấy biết "thủy lợi" là như thế nào... hai, ba "... Thủy lợi ơi, có một mùa thi không bao giờ qua... Khoa Thủy Nông rớt một phần hai...".
Không biết những lời hát này có làm rạng danh một Trường ĐH Thủy Lợi với lịch sử 50 năm hình thành và phát triển? Nhưng chắc hẳn đã gây phản cảm đối với hầu hết những người chứng kiến. Liệu có nên để những cuộc giao lưu phi văn hóa như vậy tồn tại trong một trường đại học?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.