(HNMO) - Đây là chủ đề cuộc tọa đàm quốc tế nhân dịp kỷ niệm 50 quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ do Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp cùng Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Hà Nội, Đại sứ quán Ấn Độ đồng tổ chức.
Cuộc tọa đàm quốc tế có mặt của các đại diện đến từ các bộ, ngành và các cơ quan nghiên cứu cũng như nhiều doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ, Phòng Thương mại Ấn Độ tại Việt Nam (INCHAM). Đây là cơ hội để các bên trao đổi và trình bày các ý kiến, quan điểm của nhau, từ đó thúc đẩy hơn nữa sự quan hệ song phương trên mọi lĩnh vực.
Phát biểu tại tọa đàm, PGS. TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, năm 2022 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ (1972-2022). Trong nhiều thập niên, dù trải qua những biến động phức tạp của tình hình khu vực và thế giới, nhưng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ luôn duy trì tình hữu nghị bền vững và ngày càng phát triển tốt đẹp.
Hai nước Việt Nam và Ấn Độ luôn có sự hội tụ về tầm nhìn và các lợi ích chiến lược: Chia sẻ nhiều giá trị, có chung quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế, cùng thực hiện đường lối đối ngoại chiến lược tự chủ, đều coi nhau là đối tác ưu tiên cao trong chính sách đối ngoại của mình, đều là thành viên tích cực trong các cơ chế đa phương...
Mục tiêu trở thành nền kinh tế 5.000 tỷ USD vào năm 2024 của Ấn Độ và mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao vào năm 2025 của Việt Nam sẽ mở ra những chân trời mới cho quan hệ giữa hai nước, tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế, bao gồm cả các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và cộng đồng nông dân của hai nước được khai thác và phát triển tối đa.
Về quan hệ thương mại, Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Trao đổi thương mại giữa hai nước đã tăng vọt hơn 60 lần, từ 200 triệu USD (năm 2000) lên 12,3 tỷ USD (năm 2019). Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay, tỷ trọng kim ngạch thương mại năm 2021 giữa hai nước vẫn đạt gần 11 tỷ USD. Hai bên đặt mục tiêu nâng tỷ trọng kim ngạch thương mại lên 15 tỷ USD trong những năm tới.
Về đầu tư, Ấn Độ hiện có hơn 300 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký khoảng 1 tỷ USD, đứng thứ 26 trong tổng số 141 các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Các dự án của Ấn Độ tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 60 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 459,67 triệu USD, chiếm 50,5% về vốn đầu tư. Trên cơ sở phát huy những thành tựu trong quá khứ, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ sẽ hướng tới hợp tác sâu rộng hơn nữa trong tương lai.
Ông Indronil Sengupta, Chủ tịch INCHAM Việt Nam khẳng định, Việt Nam và Ấn Độ đều có lĩnh vực kinh doanh tiềm năng, quan hệ song phương phát triển thuận lợi. Hiện tại, hai nước cần nhanh chóng xây dựng cơ chế hỗ trợ lẫn nhau, tạo điều kiện để các nhà đầu tư khảo sát thị trường, tăng cường mở rộng mặt hàng xuất khẩu và đảm bảo chất lượng. Ấn Độ cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với Việt Nam trong những lĩnh vực nước này có thế mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.