Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giao hưởng và jazz Mỹ: Góc âm nhạc yêu thích

Nguyễn Thị Nam| 08/02/2011 07:18

(HNM) - Tôi không bao giờ quên lần được nghe Dàn nhạc Giao hưởng Philadelphia biểu diễn. Đó là vào năm 1998, họ có đêm biểu diễn tại Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội và một chương trình dành cho giới âm nhạc ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Tôi may mắn được xem cả 2 buổi và kể từ đó, mối quan tâm của tôi dành cho âm nhạc Mỹ ngày càng sâu đậm.

Nhạc trưởng Alan Gilbert chỉ huy Dàn nhạc giao hưởng New York trình tấu tại Nhà hát Lớn thành phố. Ảnh: Nguyễn Đình Toán


Điều bất ngờ khi dàn nhạc Philadelphia hàng đầu thế giới biểu diễn là tôi đã được nghe "Quốc ca Việt Nam" vang lên. Lúc ấy, tôi tiếp nhận bằng tình cảm đan xen của một người Việt Nam và một khán giả yêu nhạc. Hôm ấy, bản "Toccato and Fugues" (S.Bach) được người chỉ huy (đã từng làm việc tại dàn nhạc) viết thành giao hưởng thật đặc sắc. Đến cả một tuần sau đó, tôi vẫn thấy lòng lâng lâng nhẹ nhõm, dù hằng ngày không có gì đặc biệt vui. Và tôi biết, đó là dấu ấn truyền cảm của các nghệ sĩ Philadelphia ấy.

Cũng bởi tình cảm đó, năm ngoái, tôi đã cố kiếm vé đi nghe Dàn nhạc New York biểu diễn. Nghe rồi lại muốn nghe nữa. Đấy là những dàn nhạc hàng đầu thế giới và lần đầu đến Việt Nam. Cho đến lúc này, chưa có thêm quốc gia nào đem tới Hà Nội dàn nhạc tầm cỡ như thế.

Sau buổi diễn của Dàn nhạc Philadelphia, tôi đi tìm mua các đĩa nhạc cổ điển
Mỹ. Hồi đó, loại đĩa này rất hiếm. Rồi khi đọc Tạp chí "Diapason", chuyên san về Stravinsky với dòng tít lớn "Người ta có thể diễn tấu được Stravinsky không?", tôi lại đi lùng đĩa của Stravinsky mà không có. Một chị bạn người Mỹ sắp về Việt Nam hỏi tôi thích quà gì, đến lần thứ ba tôi vẫn trả lời là "Đĩa nhạc của Stravinsky". Và gần một tháng sau, tôi nhận được đĩa của nhạc sĩ này với hai bài "Patruska" và "The rite of spring" do Dàn nhạc Boston Symphony Orchestra biểu diễn. Ở Hà Nội, tôi cũng được đi xem hai buổi diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Hà Nội (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) có chơi bản "Con chim lửa" của ông.

Có lần, tôi được nghe các nghệ sĩ Việt Nam và nước ngoài biểu diễn ở Nhà hát Lớn các bản nhạc của Gershwin như "Một người Mỹ ở Paris", "Rhapshidie in blue"… Tác phẩm của nhà soạn nhạc này hội tụ các yếu tố của hai dòng nhạc tôi yêu thích nhất - nhạc cổ điển và jazz.

Tôi nghe một số đĩa nhạc jazz Mỹ, đọc những bài viết về người chơi nhạc jazz của đất nước cờ hoa trên các báo Pháp. Tôi còn biết đến những tên tuổi như Charlie Parker, Amstrong, Dizzi Pillesti… Khi đọc cuốn jazz của người Pháp André Francis viết về lịch sử các phong cách, các đĩa nhạc, tôi khám phá thêm bao điều hay. Nước Mỹ có rất nhiều tài năng nhạc jazz. Họ quyến rũ người nghe bởi năng khiếu và cách sử dụng, khai thác nét biểu cảm của nhạc cụ. Nghệ sĩ của họ có cách riêng để nổi bật giữa đám đông. Ray Brown chơi contrebass với tiếng đàn có độ vang rất lớn nhờ vào sức bấm của ngón tay và cách kéo cần đàn gần sát "ngựa". Cách chơi piano độc đáo của Erroll Garner, người tự học nhạc và không biết đọc nhạc là tay nọ chơi chậm hơn tay kia, tạo ra một xung năng quyến rũ. Hay Ahmat Famal được coi là "một ví dụ hoàn hảo về cái sẽ là âm nhạc trong tam tấu", cả nghệ sĩ nhạc swing Charles Christian - người thầy lớn đầu tiên về đào tạo guitar mà ngay khi xuất hiện, người ta đã ca tụng, bắt chước cách chơi của ông…

Rồi tôi thấy mình thật kém may mắn khi huyền thoại nhạc jazz Mỹ Herbie Hancock đến Hà Nội biểu diễn (năm 2007) đúng chuyến đi công tác tại TP Hồ Chí Minh của tôi. Ông chính là người đã "viết những sáng tác rất lôi cuốn, hấp dẫn, luôn là mẫu mực, giàu màu sắc, phối hòa âm với sự khéo léo". Ông từng có những đoạn nhạc được coi là kinh điển vào những năm 60 của thế kỷ trước. Sẽ rất khó có dịp khác để tôi được gặp, xem ông chơi trực tiếp…

Tôi luôn mong chờ được nghe những tác phẩm âm nhạc cổ điển Mỹ, xem những dàn nhạc giao hưởng lớn và những tài năng diễn tấu âm nhạc cổ điển và jazz của đất nước này tại Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giao hưởng và jazz Mỹ: Góc âm nhạc yêu thích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.