Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giáo dục từ xa trên thế giới

THUHANG| 01/11/2003 08:21

Sự hình thành và phát triển của giáo dục từ xa (GDTX) trên thế giới chịu tác động mạnh mẽ của hai nhân tố: tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu ngày càng tăng của dân chúng đối với giáo dục - đào tạo.

Sự hình thành và phát triển của giáo dục từ xa (GDTX) trên thế giới chịu tác động mạnh mẽ của hai nhân tố: tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu ngày càng tăng của dân chúng đối với giáo dục - đào tạo.

GDTX được hình thành từ cuối thế kỷ XIX tại các nước Tây Âu và Bắc Mỹ, phương tiện chuyển tải thông tin chủ yếu dựa vào tài liệu in ấn và hệ thống bưu điện. Đến đầu thế kỷ XX, do có những tiến bộ mới của khoa học công nghệ, GDTX được tiến thêm một bước. Năm 1927, Đài BBC (Luân Đôn) lần đầu tiên phát sóng các chương trình GDTX. Giữa thế kỷ, khi công nghệ truyền hình phát triển, các chương trình GDTX được phát trên sóng khá sinh động, lớp học hiện ra trước mắt học viên qua màn ảnh nhỏ. Cuối thế kỷ XX, máy vi tính đã tạo cho GDTX có một bước tiến nhảy vọt. Đặc biệt, hệ thống vi tính nối mạng, kỹ thuật số và truyền tin viễn thông qua vệ tinh cho phép chuyển tải thông tin hai chiều một cách nhanh nhạy và chính xác, đã tác động đến mọi mặt của hoạt động GDTX, tạo cho nó ưu thế mới. Các chương trình GDTX được thiết kế và tiến hành bằng công nghệ thông tin hiện đại thậm chí đã làm thay đổi hẳn cách dạy - học trong hệ thống giáo dục truyền thống.

Qua hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, GDTX đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội vàđáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân.Cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, GDTX chủ yếu đáp ứng nhu cầu học tập của những người không có điều kiện theo học các trường truyền thống vì lý do kinh tế hoặc vị trí địa lý. Nửa cuối của thếkỷ XX xuất hiện nhu cầu bức thiết hơn: phát triển kinh tế - xã hội. Sau Đại chiến II, thế giới lao vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế; khoa học và công nghệ có những bước tiến nhảy vọt; giáo dục và đào tạo đã được coi là then chốt trong cuộc đại cách mạng đó. Các nước đã trở thành những “con rồng” của thế giới là những nước đã nắm bắt được xu thế phát triển của lịch sử: kinh tế có tri thức. Xu thế đó vẫn còn là mục tiêu của nhiều nước trong thế kỷ XXI.

Các học giả trên thế giới đã nhận định rằng: nếu như thời kỳ phong kiến do quyền lực và đất đai ngự trị, thời đại công nghiệp bị vật chất và tư bản chi phối, thì thế kỷ XXI, sự quyết định tối cao thuộc về kinh tế tri thức. Nền kinh tế đó lấy giáo dục - đào tạo làm đòn bẩy; trong đó, GDTX phải được ưu tiên hàng đầu, vì nó tạo ra được những đột phá mới nhờ có tiến bộ của công nghệ thông tin hiện đại. Hơn nữa, giáo dục thế kỷ XXI phải đến với mọi người, mọi nhà, để mọi người dân được vươn lên trong cuộc sống, lao động và sáng tạo.

Mặt khác, “giáo dục phải tạo ra được những công dân có trách nhiệm và ý nghĩa đối với xã hội; người dân phải được quyền lựa chọn tối đa để đạt được tri thức và phương pháp hành động. Trong hệ thống giáo dục phải có nhiều điểm vào và điểm ra cho người học một cách linh hoạt” (Tuyên bố chung của Hội nghị Giáo dục đại học thế giới do UNESCO tổ chức tại Pa-ri, tháng 10-1998). Vì vậy, GDTX sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành và phát triển hệ thống giáo dục và nền kinh tế tri thức.

GDTX ở bậc đại học lần đầu tiên xuất hiện tại Vương quốc Anh - một nước phát triển. Trường đại học Mở Anh quốc (U.K Open University) được thành lập theo Sắc lệnh của Hoàng gia Anh năm 1969. Đó là một trong những trường đại học mở có bề dày về kinh nghiệm và chiều sâu về học thuật GDTX nhất trên thế giới. Học viên theo học (hiện nay khoảng 200.000 người) các chương trình GDTX của trường này không những chỉ ở nước Anh mà còn ở nhiều nước khác trên thế giới.

Sau đó, nhiều nước thành lập đại học mở hoặc đại học từ xa với những tên gọi khác nhau: trường ĐH Không trung Nhật Bản, ĐH Phát thanh và Truyền hình Thượng Hải, ĐH Mở Hàn Quốc v.v...Các đại học mở đã thu được nhiều thành tựu trong lĩnh vực GDTX. Chẳng hạn, các trường ĐH Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc trong 20 năm qua đã đào tạo được 2.313.800 người đạt trình độ CĐ, ĐH, bồi dưỡng được gần 3.000.000 giáo viên phổ thông. Trường ĐH Mở quốc gia IndiraGrandhi (ấn Độ) đào tạo được 50 ngành học, số học viên đang theo là 700.000. Đại học Mở Sukhothai, Thái Lan có số học viên thường xuyên là 200.000 người v.v...Những thành tích đó do sự nỗ lực của các trường, sự định hướng và chỉ đạo của chính phủ các nước đó. Nhà nước Trung Quốc đã thấy được tầm quan trọng của sự nghiệp phát triển GDTX, đã ban hành luật, chính sách, quy chế về lĩnh vực này. Luật Giáo dục của bạn chỉ rõ: “Các cấp chính quyền phải xây dựng cơ sở vật chất cần thiết để tiếp sóng và thu nhận các chương trình GDTX phát qua vệ tinh và công nghệ giáo dục hiện đại khác. Các cơ quan hữu quan phải tạo mọi sự ưu tiên và ủng hộ...”. Hướng tới thế kỷ XXI, Bộ Giáo dục Trung Quốc soạn thảo “Kế hoạch cải tiến giáo dục cho thế kỷ XXI” và đã được chính phủ phê duyệt. Kế hoạch đã vạch ra: GDTX đang trở thành một phương châm giáo dục mới với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin hiện đại. Đó là phương tiện chủ yếu để xây dựng một hệ thống giáo dục suốt đời, tiến tới kỷ nguyên của kinh tế tri thức.

Bằng cách phát huy tối đa công nghệ thông tin hiện đại trên nền tảng hạ tầng hiện có, chương trình GDTX hiện đại có thể phát huy hiệu quả thế mạnh của các nguồn lực khác nhau, phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học, công nghệ và giáo dục.Giáo dục từ xa hiện đại là biện pháp chiến lược để tiến hành giáo dục đại chúng trong điều kiện hạn hẹp về nguồn lực.

ThS. Trần Đức Vượng

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục từ xa trên thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.