(HNNN) - Để vươn lên thành cường quốc hàng đầu về giáo dục, Phần Lan đã phải tiến hành một cuộc cải cách mang tính bước ngoặt vào những năm 1970, 1980. Với những thành tựu đã đạt được, quốc gia Bắc Âu này liên tục được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đánh giá cao trong hành động vì môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện.
Phần Lan có những định hướng rõ ràng trong việc xây dựng môi trường giáo dục đề cao sự công bằng, dân chủ, hợp tác và lòng tin. Nội dung này đã được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật như Hiến pháp Phần Lan; Chương trình giáo dục cốt lõi của Phần Lan... Bên cạnh đó là một số chính sách: Phát triển tâm lý giáo dục trong trường học; An toàn trong các cơ sở giáo dục; Chương trình chống bắt nạt KIVA... Các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo đánh giá, điểm mạnh trong việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện của Phần Lan là xây dựng một hệ thống văn bản pháp quy rất chặt chẽ để ngăn chặn tối đa các tình huống bạo lực. Ngoài những đạo luật chung, mỗi cấp học lại có quy định, chính sách riêng nhằm tạo ra một môi trường không phân biệt đối xử, dành cho trẻ sự quan tâm tốt nhất, bảo đảm quyền được sống và phát triển đầy đủ về thể chất và kiến thức của trẻ.
Ở Phần Lan, trẻ em 7 tuổi mới vào lớp 1. Các trường học không lãng phí thời gian và tiền bạc vào các bài kiểm tra tiêu chuẩn dày đặc nhưng không đem lại kết quả. Thay vào đó, trẻ em được đánh giá mỗi ngày qua quan sát trực tiếp của giáo viên. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), học sinh ở Phần Lan có số lượng bài tập về nhà ít nhất thế giới. Người Phần Lan luôn nói: “Hãy để trẻ em là trẻ em”, “Công việc của một đứa trẻ là chơi đùa”, “Trẻ em học tốt nhất qua việc chơi”.
Đáng chú ý, từ Đạo luật học sinh năm 2014, Phần Lan đã xây dựng Nhóm dịch vụ hỗ trợ trường học bao gồm nhiều chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau như giáo dục - y tế - tâm lý - xã hội ở các trường học. Các dịch vụ này luôn sẵn sàng để học sinh dễ dàng tiếp cận và được hỗ trợ với mức cao, khiến học sinh có thể học tập tốt, có trải nghiệm hạnh phúc, có ý thức hòa nhập và ngăn ngừa các vấn đề phát sinh trong nhà trường và cộng đồng.
Không thể phủ nhận, để tạo nên một môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, nhân tố giáo viên đóng vai trò vô cùng quan trọng. Điểm mạnh của giáo viên Phần Lan là tình yêu sư phạm. Đặc biệt, ở Phần Lan, nghề dạy học còn được dựa trên các nguyên tắc đạo đức cao. Hội giáo viên quốc gia còn thành lập một hội đồng đạo đức dạy học vào năm 2000. Trong những công việc hằng ngày của giáo viên Phần Lan, ngoài những công việc liên quan đến chuyên môn như tự phát triển và học tập, tự đánh giá việc dạy, phương pháp dạy học, hợp tác với đồng nghiệp, trau dồi kiến thức, giáo viên được yêu cầu đánh giá về mối quan hệ với học sinh và lớp học, thu nhận phản hồi từ phía học sinh. Điều này giúp giáo viên và nhà trường luôn có ý thức trong việc duy trì môi trường học tập tích cực và thân thiện. Vì thế, ở Phần Lan, nhà trường và giáo viên luôn khuyến khích học sinh thông qua thăm dò ý kiến đối với những vấn đề quan trọng. Các dự án, hoạt động trong trường học không bị áp đặt từ trên xuống, mà luôn được hình thành và phát triển từ ý kiến của học sinh.
Tại Phần Lan, bầu không khí lớp học luôn ấm áp, an toàn. Không có một bài học được viết trước hay có những yêu cầu chuẩn mực nào được đưa ra. Cứ mỗi một tiếng, học sinh Phần Lan luôn có 15 phút chơi tự do ngoài trời. Không khí trong lành, thiên nhiên và hoạt động thể chất thường xuyên được coi là năng lượng cho việc học. Theo châm ngôn Phần Lan: “Không có thời tiết xấu, chỉ có quần áo không đủ”.
Trong cuốn sách “Bài học Phần Lan 2.0” của Giáo sư Pasi Sahlberg của Đại học New South Wales (Australia), điểm nổi bật trong môi trường giáo dục tại đất nước hơn 5 triệu dân này còn là sự bình đẳng. Ở hầu hết các trường học, con cái của tầng lớp nhà giàu và công nhân ngồi cạnh nhau và được hưởng quyền lợi như nhau, không có sự phân biệt. “Có thể hiểu rằng, sự bất bình đẳng trong thu nhập, khoảng cách giữa các giai cấp đều được xóa bỏ trong môi trường lớp học tại Phần Lan. Nhiều số liệu đã chứng minh, các quốc gia có sự bình đẳng cao sẽ có nhiều công dân biết chữ hơn, học sinh bỏ học ít hơn, ít béo phì, sức khỏe tâm thần tốt hơn” - ông Sahlberg viết.
Từ nền giáo dục Phần Lan, nhiều chuyên gia khẳng định rằng, nếu không phải lo lắng về điểm số, xếp hạng thi đua, sự phân biệt đối xử, học sinh có thêm nhiều điều kiện để tập trung vào nhiệm vụ thật sự của mình - học tập và lớn lên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.