Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giáo dục nghề nghiệp Thủ đô khẳng định vị thế

Mai Hoa| 13/10/2022 06:53

(HNM) - Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII năm 2022 là dịp để các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục nghề nghiệp và học sinh, sinh viên các trường dạy nghề trong cả nước thể hiện sự sáng tạo, niềm đam mê nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ để sáng chế và cải tiến thiết bị đào tạo. Tham gia hội thi, thành phố Hà Nội đã có sự đầu tư cả về số lượng và chất lượng, khẳng định vị thế dẫn đầu của giáo dục nghề nghiệp Thủ đô.

Mô hình hệ thống chiếu sáng, tín hiệu trên ô tô của Trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII năm 2022.

Dày công chuẩn bị

Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII năm 2022 được tổ chức từ ngày 6 đến 14-10, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; có tổng số 381 thiết bị thuộc 191 cơ sở giáo dục nghề nghiệp của 57 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dự thi. Đây là một sân chơi lớn do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức, nơi các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục nghề nghiệp và các học sinh, sinh viên thể hiện sự sáng tạo, niềm đam mê nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ để sáng chế và cải tiến thiết bị đào tạo, góp phần khẳng định chất lượng giáo dục nghề nghiệp của các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã có sự quan tâm đặc biệt, dày công chuẩn bị cho sự kiện này. Hà Nội là địa phương có số thiết bị dự thi nhiều nhất với 31 thiết bị của 19 trường cao đẳng, trung cấp tham gia (đoàn thành phố Hồ Chí Minh xếp nhì về số lượng thiết bị dự thi với 20 thiết bị). Đây là các thiết bị tiêu biểu, được tuyển chọn từ Hội thi thiết bị đào tạo tự làm thành phố Hà Nội năm 2022 (tổ chức tháng 5-2022). Ngay sau khi hội thi cấp thành phố kết thúc, công tác chuẩn bị, chỉnh sửa, nâng cấp và hoàn thiện thiết bị đã được thực hiện tại 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thiết bị được lựa chọn tham dự hội thi toàn quốc.

Thầy giáo Lê Văn Tâm, giáo viên công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng Cơ điện và Công nghệ thực phẩm Hà Nội chia sẻ: “Kỳ thi năm nay, trường có hai thiết bị dự thi của nghề điện tử, điện lạnh và công nghệ thông tin. Không chỉ nhận được sự hỗ trợ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, Ban Giám hiệu nhà trường, các nhóm tác giả còn được nhiều doanh nghiệp giúp đỡ trong việc hoàn thiện sản phẩm”.

Trong khi đó, theo Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long Phạm Quang Vinh, 2 thiết bị của nhà trường tham dự hội thi được chuyển vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ rất sớm, nhằm bảo đảm thời gian lắp đặt, chuẩn bị kỹ khâu thuyết trình, hướng dẫn sử dụng thiết bị, góp công vào thành tích chung của đoàn Hà Nội.

Tăng cường hoạt động thực hành

Việc tự nghiên cứu, sản xuất thiết bị đào tạo luôn là một trong các nhiệm vụ quan trọng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thủ đô, nhằm cung cấp thiết bị đào tạo phục vụ hoạt động thực hành tại các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, góp phần giảm áp lực đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp.

Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội Trần Việt Hùng cho biết: “Trường chúng tôi dự thi 2 mô hình. Với mô hình “Hệ thống điều khiển phun dầu điện tử CRDI” của Khoa Công nghệ ô tô, chúng tôi dùng để giảng dạy và hình thành kỹ năng thực tập nghề công nghệ ô tô, bảo trì khung vỏ ô tô, sơn ô tô cho học sinh. Còn mô hình “An toàn hệ thống mạng” của Khoa Công nghệ thông tin, không chỉ phục vụ công tác giảng dạy và học tập đối với các nghề kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính, công nghệ thông tin, quản trị mạng, chúng tôi mong người học dễ nhận biết, hiểu được cơ bản cách thức hoạt động của một hệ thống mạng cũng như thực hiện bảo mật được một hệ thống mạng tại các cơ quan, doanh nghiệp, trường học hiện nay…”.

Còn Trưởng khoa Điện - Điện tử - Tin học, Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội Đỗ Thị Thúy Bình chia sẻ: Khi thực hiện các thiết bị đào tạo tự làm, quan trọng là phải bảo đảm tính kinh tế và hiệu quả trong đào tạo, cố gắng tận dụng các thiết bị hiện có của nhà trường để giảm bớt các thiết bị mua sắm mới. Vì vậy, các mô hình này có giá thành rẻ hơn nhiều so với việc đặt mua trên thị trường. Đối với giáo viên, việc sử dụng mô hình trong giảng dạy giúp dễ dàng tích hợp giữa lý thuyết với thực hành. Với học viên, bài giảng tích hợp không chỉ tạo được sự hứng thú trong học tập, mà còn khiến nội dung truyền tải trở nên dễ hiểu, rút ngắn thời gian học tập...

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương, Trưởng đoàn Hà Nội tham gia Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII năm 2022 cho biết, với ý nghĩa gắn kết đào tạo nghề với thực tiễn, hội thi chính là cơ hội để các trường học hỏi kinh nghiệm từ mỗi thiết bị nghề, góp phần xây dựng giáo án, giáo trình đào tạo thực hành của các trường ngày càng khoa học, hiện đại, tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu của giáo dục nghề nghiệp Thủ đô, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục nghề nghiệp Thủ đô khẳng định vị thế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.