(HNM) - Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm phát triển Thủ đô giai đoạn 2015-2020, trong đó khẳng định vai trò quan trọng của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo.
Báo Hànộimới ghi lại ý kiến đóng góp của TS. Võ Thế Quân, Hiệu trưởng Trường THPT Đông Đô (Hà Nội) về vấn đề thực hiện xã hội hóa nhằm tạo động lực mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TƯ ở Thủ đô.
Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là một trong 5 nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2015-2020 nhằm phát triển Thủ đô. Theo tôi, điều đó là phù hợp và đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay, khi giáo dục Việt Nam đang trong lộ trình thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế". Một trong 6 quan điểm cơ bản của Nghị quyết nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cũng được xác định rõ, đó là đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Điều này một lần nữa khẳng định, xã hội hóa giáo dục là chủ trương nhất quán, mang tính chiến lược của Đảng và Nhà nước trong phát triển giáo dục, phù hợp với quy luật phát triển giáo dục của Việt Nam và thế giới.
Một trong những việc cần làm ngay để thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục, theo tôi, là rà soát lại việc triển khai các chủ trương, chính sách về xã hội hóa giáo dục, xác định cái gì thành công, cái gì còn bất hợp lý để có những quyết sách hợp lý hơn. Việc xác định rõ đâu là ưu điểm, đâu là những hạn chế cần khắc phục sẽ là căn cứ để chúng ta xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của công tác xã hội hóa trong bối cảnh mới. Từ nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm thực tiễn triển khai mô hình trường ngoài công lập nhiều năm qua tại Hà Nội cho thấy, một trong những giải pháp quan trọng trong việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục giai đoạn tới là tập trung thực hiện bảo đảm công bằng trong giáo dục, công bằng trong việc thụ hưởng phúc lợi giáo dục của HS trường ngoài công lập với HS trường công lập. Đây là nội dung hội tụ những vấn đề cơ bản về quan điểm xã hội hóa giáo dục.
Giáo dục công lập và ngoài công lập là hai bộ phận hữu cơ của nền giáo dục quốc dân. Như vậy, giáo dục Việt Nam muốn bay cao, bay xa thì cần phải quan tâm, coi trọng đồng đều đến hai bộ phận hữu cơ này để cả hai đều phát triển cân đối, hài hòa và hỗ trợ tích cực lẫn nhau nhằm hướng tới chất lượng giáo dục bền vững. Thực tiễn hơn hai mươi năm qua cho thấy, giáo dục ngoài công lập đã phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới giáo dục ở Việt Nam. Tính riêng trong giai đoạn 2001-2012, tỷ lệ học sinh, sinh viên theo học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập chiếm 0,6% ở tiểu học, THCS; hơn 9% ở THPT và gần 20% ở ĐH, CĐ. Đây là tỷ lệ trung bình của cả nước, trong đó tỷ lệ HS ngoài công lập ở các tỉnh, thành phố cao hơn nhiều so với mức trung bình chung.
Hiện nay, ngoài việc góp phần giảm tải về áp lực tuyển sinh (tại khu vực thành thị), các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT ngoài công lập đang góp phần cùng các trường phổ thông thực hiện chủ trương phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, THCS và tiến tới phổ cập THPT theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI. Trong khi các trường công lập được Nhà nước đầu tư về cơ sở vật chất, trả lương giáo viên, được cấp kinh phí hằng năm cho hoạt động giáo dục (tính trên đầu HS), ví dụ như ở cấp THPT là 4,5 triệu đồng/năm học/HS), thì các trường ngoài công lập không được Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, không sử dụng ngân sách mà hoạt động dựa vào các nhà đầu tư tâm huyết với giáo dục và sự đóng góp của phụ huynh theo cơ chế xã hội hóa giáo dục. HS học ngoài công lập hiện nay lại có phần thiệt thòi hơn so với HS học các trường công lập khi không được cấp định mức từ ngân sách hằng năm, phải đóng học phí cao hơn so với HS trường công lập. Ngoài ra, trường ngoài công lập còn phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy là, HS ngoài công lập chưa được hưởng phúc lợi giáo dục nào của Nhà nước. Gia đình HS phải đóng thuế 2 lần cho Nhà nước.
Để giảm bớt sự bất bình đẳng về thụ hưởng phúc lợi giáo dục của HS, giảm gánh nặng chi phí cho gia đình HS, đồng thời cũng là giải pháp để khuyến khích, thúc đẩy sự đầu tư, phát triển đối với hệ thống trường ngoài công lập những năm tới, Nhà nước nên cân nhắc bỏ việc thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với trường ngoài công lập. Việc coi trường học như doanh nghiệp là không hợp lý. Ngoài ra, để đẩy mạnh sự phát triển của Thủ đô giai đoạn tới, trong đó có giáo dục, cần có sự ưu tiên, tạo nhiều thuận lợi hơn nữa cho các trường ngoài công lập bằng những cơ chế chính sách cụ thể (về thuế, về đất đai…), đồng thời hỗ trợ ngân sách cho mọi HS đến trường, dù các em theo học ở mô hình nào, nhằm giảm áp lực cho phụ huynh, tạo động lực để các trường ngoài công lập phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.