(HNM) - Liên tục trong các buổi chào cờ của tháng 11 vừa qua, tại tất cả các trường học trên địa bàn thành phố đều tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông.
Cùng với nhiều nội dung giáo dục về an toàn giao thông (ATGT) được lồng ghép trong các giờ học, hoạt động này đã để lại nhiều cảm xúc cho học sinh (HS). Đây cũng là nội dung quan trọng trong công tác phòng chống tai nạn thương tích của Hà Nội, là cơ sở không thể thiếu nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.
Nghiêm khắc với con trẻ
Tháng 4-2015 là thời điểm lực lượng cảnh sát giao thông cả nước chính thức triển khai các hình thức xử phạt vi phạm quy định đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông. Tại Hà Nội, không chỉ vi phạm này, mà mọi trường hợp HS vi phạm các quy định về ATGT đều bị xử phạt nặng. Ngoài ra, những HS vi phạm còn bị lực lượng chức năng ghi tên lại gửi về Sở GD-ĐT và bàn giao cho các nhà trường. Đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội triển khai việc xử phạt đối với các trường hợp HS vi phạm quy định ATGT. Cách đây hơn 4 năm, ngành giáo dục Hà Nội và Công an thành phố đã triển khai quy chế phối hợp về nội dung này.
Hướng dẫn tập lái xe an toàn cho học sinh tại Trường THPT Tây Hồ (Hà Nội). Ảnh: Kiều Giang |
Theo thống kê sơ bộ của các nhà trường từ đầu năm đến nay, tỷ lệ HS đội mũ bảo hiểm đã tăng từ 10% lên khoảng 70%. Đó là tỷ lệ không nhỏ so với quy mô gần 1,7 triệu HS của Thủ đô, song thực trạng chấp hành các quy định chung về ATGT của HS vẫn còn nhiều điều chưa được như mong muốn, nên lần này, các hình thức và mức độ xử phạt với HS vi phạm được tăng cường. Toàn ngành Giáo dục đã ra quân cùng với lực lượng chức năng ngăn chặn, xử lý các vi phạm, cả ở trường và ngoài cộng đồng; áp dụng hình thức ghi hình, phạt nguội tại các cổng trường, thậm chí có hiệu trưởng còn "vi hành" để có thể điểm mặt, chỉ tên từng vi phạm… Tinh thần chung được quán triệt không chỉ trong đợt cao điểm, là kiên quyết, nghiêm khắc với mọi sai phạm, chứ không nhắc nhở suông. Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông thành phố đánh giá, việc tăng cường tuyên truyền giáo dục và triển khai đồng loạt các giải pháp mạnh đối với HS vi phạm quy định về ATGT thời gian qua đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức chấp hành khi tham gia giao thông của HS.
Ý kiến của một số hiệu trưởng trường phổ thông trên địa bàn thành phố cho rằng, việc tăng cường xử phạt với HS vi phạm là giải pháp trước mắt, để kết quả này thực sự bền vững, thì phải tạo chuyển biến từ trong nhận thức của mỗi HS, đây mới là giải pháp gốc. Điều này không phải là không có cơ sở, bởi trên thực tế, không khó để bắt gặp những vi phạm của HS trên đường phố khi tham gia giao thông.
Người lớn phải làm gương
Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, khó khăn hiện nay trong việc tuyên truyền, giáo dục HS chấp hành quy định về ATGT là thiếu sự vào cuộc kiên trì, quyết liệt của các bậc phụ huynh HS. Vẫn còn những ông bố, bà mẹ cho rằng thương con đi học xa nên giao xe máy cho sử dụng dù con chưa có giấy phép; viện cớ bất tiện nên không đem theo mũ bảo hiểm khi đưa - đón con; còn xuề xòa khi nhà trường nhắc nhở về những vi phạm của con… Và điều đáng nói nhất, là chính các bậc phụ huynh cũng không làm gương cho con trẻ trong việc chấp hành quy định ATGT.
Không khó để bắt gặp cảnh bố mẹ chở con vượt đèn đỏ ngoài đường. Ở nhà, các bậc phụ huynh thường quan tâm nhiều hơn đến điểm số của con, chứ không mấy phụ huynh giận dữ khi nhận được thông báo của nhà trường về việc con vi phạm luật Giao thông đường bộ. Trong khi đó thực sự là điều rất đáng quan tâm hiện nay, bởi tiềm ẩn sau những vi phạm đó là rủi ro khó đong đếm đối với sức khỏe của chính con em mình.
Theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT trong triển khai các kế hoạch giáo dục ATGT năm học 2015-2016 thì "100% các cơ sở giáo dục phổ thông phải tổ chức cho cha mẹ HS ký cam kết với nhà trường trong việc không giao xe máy cho HS khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe và đội mũ bảo hiểm cho HS khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy và phương tiện hai bánh chạy bằng điện khi tham gia giao thông". Yêu cầu là thế, nhưng việc thực hiện các quy định này dường như vẫn chỉ là hình thức, không có điều khoản nào ràng buộc trách nhiệm về việc này. Một trong những nguyên nhân chính là ý thức tự giác của cha mẹ HS còn có vấn đề. Ở nhiều trường học, theo phản ánh của ban giám hiệu, thầy cô giáo, các bậc phụ huynh khi được đề nghị luôn ký cam kết nghiêm túc thực hiện các điều khoản quy định, nhưng sau đó vẫn giao xe máy cho con dù biết con chưa có giấy phép, hoặc "quên" đội mũ bảo hiểm cho con…
Rõ ràng, vẫn cần nhiều hơn nữa sự kiên trì và chung tay của mọi lực lượng xã hội trong việc cải thiện tình hình về ATGT công cộng nói chung và giáo dục ý thức tự giác chấp hành luật Giao thông đường bộ của HS nói riêng, chứ riêng ngành Giáo dục, Công an… khó có thể lo xuể.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.