(HNM) - UBND thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường phấn đấu hoàn thành công tác giao đất dịch vụ trong tháng 6-2019. Thế nhưng đến nay, đã quá thời hạn hơn 1 năm, vẫn còn hàng nghìn hộ dân chưa được nhận đất dịch vụ do những vướng mắc về cơ chế, chính sách... Để đẩy nhanh tiến độ giao đất dịch vụ, giúp người dân ổn định cuộc sống, rất cần có các giải pháp đồng bộ nhằm tiếp tục tháo gỡ những “nút thắt” đang đặt ra...
Chậm giao đất dịch vụ cho người dân
Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường) Vũ Xuân Tùng, toàn thành phố còn 9.896 hộ đủ điều kiện nhưng chưa được giao đất dịch vụ, chủ yếu tập trung tại Hoài Đức, Thạch Thất, Mê Linh, Hà Đông, Thanh Oai…
Sự chậm trễ trong công tác này có nhiều nguyên nhân, trước hết do vướng mắc về cơ chế, chính sách. Tại huyện Thạch Thất, nhiều hộ dân bị thu hồi đất giao làm kinh tế mới không được hưởng đất dịch vụ, do từ năm 2006-2009 không có chính sách giao đất dịch vụ khi thu hồi loại đất này. Từ năm 2010 đến nay, đất kinh tế mới được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận bồi thường, hỗ trợ như đất nông nghiệp giao theo Nghị định 64-CP ngày 27-9-1993 của Chính phủ nên người dân kiến nghị được hưởng theo quy định mới.
Tại huyện Mê Linh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phạm Minh Giáp cho biết, toàn huyện còn 7.323 hộ gia đình, cá nhân (chiếm 90,24% số hộ đủ điều kiện) chưa được giao đất dịch vụ, do trong giai đoạn từ ngày 15-10-1993 đến 26-2-2006, tỉnh Vĩnh Phúc có một số quy định liên quan đến công tác bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng và giao đất dịch vụ có sự chưa thống nhất.
Nguyên nhân khác nữa là do lối làm việc tắc trách của một số cán bộ các xã, thị trấn, cơ quan liên quan đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Tại huyện Quốc Oai, xã Đồng Quang và Nghĩa Hương đã "tạm thu" của các hộ dân hơn 25 tỷ đồng nộp ngân sách. Riêng xã Nghĩa Hương còn tự ý giao đất cho 1.006/1.008 hộ khi dự án đất dịch vụ chưa được phê duyệt... Vì các vi phạm này, việc giao đất phải dừng lại. Ngoài ra, tại các xã Tân Xã, Bình Yên (huyện Thạch Thất), mặc dù dự án đất dịch vụ đã được triển khai, nhưng chưa hoàn thành vì thiếu vốn, hoặc chưa quyết toán tài chính. Ông Trần Quốc Tuấn ở thôn Mục Uyên 1 (xã Tân Xã) cho biết: “Gia đình tôi bị thu hồi hơn 2.000m2 đất nông nghiệp nhưng chờ cả chục năm vẫn chưa được giao đất”.
Tại một số địa phương như các xã Cự Khê, Bích Hòa (huyện Thanh Oai), nhiều hộ dân chưa đồng tình với phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, trong khi chính quyền lúng túng trong giải quyết, nên chưa thể triển khai xây dựng hạ tầng dự án đất dịch vụ…
Đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tiến độ
Để tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến chính sách giao đất dịch vụ tại địa bàn huyện Mê Linh, UBND thành phố Hà Nội đã đề xuất với các bộ, ngành liên quan và Chính phủ xem xét: Cho phép huyện Mê Linh giao đất dịch vụ đến hộ dân hoặc hỗ trợ bằng 5 lần giá đất nông nghiệp tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ cho các hộ.
Trước những vướng mắc về cơ chế, chính sách, tại Thông báo số 2686-TB/BCSĐ-TU ngày 24-6-2020 của Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thành ủy Hà Nội về kết luận hội nghị của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan vào ngày 23-5-2020 nêu rõ: “Về kiến nghị giải quyết một số vướng mắc trong việc giao đất dịch vụ trên địa bàn huyện Mê Linh và một số địa phương khác ở Hà Nội, UBND thành phố chủ động phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để đề xuất các giải pháp giải quyết những vướng mắc trên nguyên tắc phù hợp với quy định và điều kiện thực tiễn, quan tâm tạo điều kiện cho người dân...”.
Đối với sai phạm trong thực hiện dự án đất dịch vụ ở xã Nghĩa Hương, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, trên cơ sở báo cáo của Thanh tra thành phố, UBND thành phố đã có Văn bản số 4524/UBND-ĐT ngày 16-9-2020 giao UBND huyện Quốc Oai chủ trì, phối hợp với các sở liên quan, kiểm tra, rà soát thủ tục thực hiện thu tiền sử dụng đất và giao đất dịch vụ tại xã Nghĩa Hưng và xã Đồng Quang bảo đảm đúng quy định quyền lợi cho các hộ gia đình, cá nhân.
Để đẩy nhanh tiến độ giao đất dịch vụ, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết: Sở đã tổ chức họp liên ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã để triển khai rà soát những vướng mắc, hướng dẫn tháo gỡ và báo cáo UBND thành phố những nội dung vượt thẩm quyền. Đồng thời, Sở kiến nghị UBND thành phố đôn đốc các huyện Thạch Thất, Phúc Thọ, Thanh Oai… khẩn trương giao ngay đất dịch vụ cho các hộ đủ điều kiện đối với toàn bộ diện tích 114,72ha đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật.
Đặc biệt, liên quan đến thủ tục, hồ sơ đất dịch vụ của các hộ dân ở các xã: Mỹ Hưng, Cự Khê, Tam Hưng, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, bổ sung, điều chỉnh hồ sơ theo quy định…
Như vậy, dù đã có những giải pháp nhưng Hà Nội chưa thể có mốc thời gian cụ thể hoàn thành mục tiêu giao đất dịch vụ cho các hộ bị thu hồi đất nông nghiệp. Công tác này đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa để tháo gỡ những "nút thắt" vướng mắc hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.