(HNM) - Được xác định là thị trường lớn, với nhiều tiềm năng, nhưng thị trường nông thôn đang bị thâu tóm bởi hàng hóa
Nhiều phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn đã đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. |
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, tổng thu nhập người tiêu dùng (NTD) nông thôn đang tăng dần. Năng lực tiêu thụ sản phẩm của NTD nông thôn ngày càng tăng mạnh và họ luôn mong muốn có được nhiều hơn cái họ đang có hiện nay. NTD nông thôn đang giảm dần nhu cầu đối với những sản phẩm giá thấp, mà chuyển sang tìm các sản phẩm có giá cả và chất lượng tốt hơn. Một điều khá thú vị là quan niệm hàng ngoại có chất lượng tốt hơn hàng sản xuất trong nước dần thay đổi. NTD nông thôn thật sự lo lắng với hàng nhập ngoại không có xuất xứ rõ ràng, vì họ lo ngại những mặt hàng này không bảo đảm an toàn và sức khỏe. Có đến 1/4 số NTD nông thôn than phiền, hàng giả, hàng nhái nhập lậu đã làm ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ.
Dù hiểu rõ nông thôn là một thị trường quan trọng như vậy, nhưng đến nay vẫn có rất ít điểm bán hàng Việt cố định phục vụ NTD. Điều này vô hình trung đã tạo cơ hội cho hàng hóa "ngoại", đặc biệt là hàng Trung Quốc thâu tóm thị trường. Lấy lại thị trường này là việc rất khó khăn, nhưng không thể không làm.
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (DN-BSA) cho biết, không còn cách nào khác ngoài việc các DN phải tìm giải pháp thay đổi công nghệ nhằm tạo ra những mặt hàng chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, giá hợp lý. Thêm vào đó, doanh nghiệp (DN) cần thay đổi để hoàn thiện hơn cách thức tiếp thị sản phẩm, nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng, khuyến mãi, bảo hành…
Thời gian qua, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn được các đơn vị trong nước phối hợp thực hiện đã đem nhiều tín hiệu vui cho hàng hóa trong nước. Qua hàng trăm phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa tại khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, NTD nông thôn ngày càng quen thuộc hơn với những thương hiệu hàng Việt chất lượng cao. Bám thị trường nông thôn qua các kỳ hội chợ và chương trình kết nối, Công ty Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo đã có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước và được NTD khu vực nông thôn ưa chuộng. Không đủ chi phí để quảng cáo rầm rộ hoặc giành vị trí đẹp tại các siêu thị, với thương hiệu lâu năm và sản phẩm phục vụ phân khúc giá rẻ, Mỹ Hảo đã "gõ cửa" từng sạp chợ khắp các vùng quê và đã thành công.
Ở ngành hàng nhựa gia dụng, hiện DN sản xuất trong nước đã chiếm tới 90% thị phần. Từ các mặt hàng tiêu dùng hằng ngày như rổ, rá, thùng, hộp gia vị… đến tủ quần áo, bàn ghế nhựa tại các chợ, siêu thị, cửa hàng nội thất đều mang thương hiệu Việt như Duy Tân, Đại Đồng Tiến, Song Long… Tương tự, ở lĩnh vực bánh kẹo, suốt một thời gian dài, bánh kẹo giá rẻ của Trung Quốc chiếm lĩnh hoàn toàn phân khúc thấp và các vùng nông thôn. Ở phân khúc cao, bánh kẹo nhập ngoại từ Đan Mạch, Pháp, Đức, Thái Lan, Indonesia, Malaysia… cũng làm chủ thị trường. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, các DN "nội" như Kinh Đô, Hải Hà, Bibica… đã tập trung đầu tư công nghệ, máy móc để nâng cao chất lượng, thiết kế mẫu mã đẹp và sang trọng hơn nên được NTD đón nhận. Đối với DN, việc bán hàng trực tiếp tại phiên chợ hàng Việt về nông thôn là một kênh quảng bá thương hiệu rất hiệu quả với chi phí thấp, lại có cơ hội tiếp cận để hiểu rõ nhu cầu của khách hàng. Tại đây, DN giới thiệu, tư vấn cách sử dụng, công năng của sản phẩm, nhờ đó NTD ở nông thôn có thông tin để so sánh, đánh giá về chất lượng và giá cả của hàng Việt so với hàng ngoại nhập, hàng lậu đang được bán trên địa bàn. Qua đó, DN có thể nghiên cứu, tìm ra những sản phẩm mới thích hợp, đáp ứng nhu cầu của từng vùng, miền. Đồng hành cùng chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, nhiều DN còn xây dựng được hệ thống phân phối tại các tỉnh, thành phố, tạo "đầu ra" ổn định.
Việc đưa hàng về nông thôn thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng, nhưng cũng cần nhìn nhận một thực tế rằng, đây là một chương trình hay, song phần lớn DN tham gia chương trình đều là DN vừa và nhỏ, thiếu kinh phí để khảo sát, nghiên cứu thị trường. Hoạt động này mới ở dạng phong trào, lúc được tổ chức mới có hàng để bán cho dân nên chương trình thiếu tính bền vững. Vì vậy, để đồng hành cùng người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, rất cần một chiến lược và sự hỗ trợ từ phía ngành chức năng giúp DN xây dựng hệ thống phân phối qua các đại lý, cửa hàng ở từng địa bàn chứ không chỉ tổ chức các đợt bán hàng lưu động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.