Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảng dạy toán ở Anh thế kỷ XIX (kỳ 2)

Vũ Kim Thủy - Hoàng Trọng Hảo| 07/12/2014 06:24

Trong những năm 20 của thế kỷ XIX, nhiều trường đại học mới được thành lập ở Anh. Đây là những trường công lập được tài trợ bởi một ủy ban.

Các trường ra đời nhằm phục vụ tầng lớp trung lưu và kiến thức giảng dạy mang tính thực tiễn cao. Các kiến thức về ngoại thương, thương mại, công nghiệp, toán và khoa học được coi trọng. Đến năm 1830, hai trường đại học lâu đời ở Anh là Cambridge và Oxford đã hoàn thiện hệ thống thi cử đầu vào của mình, tuy vẫn hạn chế đối tượng được thi. Nhiều ngành đã thi môn toán nên toán học rất được chú trọng giảng dạy trong trường phổ thông. Đầu thập niên 1840, ở Anh lần đầu tiên xuất hiện những trường học phổ thông dành cho trẻ em gái mà chương trình dạy đã có nhiều môn giống trẻ em trai. Đến năm 1849, trường đại học đầu tiên dành cho nữ giới được thành lập. Trong những trường học này, trẻ em gái và phụ nữ đã được học những giáo trình toán học.

Năm 1837, một ủy ban của Quốc hội Anh được bổ nhiệm nhằm tìm cách cải thiện việc cung cấp giáo dục có ích nhất đối với tầng lớp nghèo ở Anh. Năm 1839, ủy ban này đề xuất thiết lập thanh tra trường học. Mặc dù ủy ban này cố gắng để mở rộng, nâng cao chất lượng giáo dục dưới sự hỗ trợ của Nhà nước nhưng vẫn có những ý kiến phản đối. Những người phản đối cho rằng rất khó có thể phổ biến kiến thức phổ quát cho tất cả mọi người. Đến năm 1859, một ủy ban công mới được thành lập nhằm tìm hiểu thực trạng giáo dục phổ thông ở Anh. Ủy ban này sẽ tìm các biện pháp để thay đổi, mở rộng, cải tiến cấu trúc giáo dục nhằm phục vụ cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là tầng lớp nghèo. Sau giai đoạn này, Chính phủ hỗ trợ cho nhiều dự án nhằm phát triển giáo dục. Toán học trong các trường học ngày càng được phổ biến. Nhờ những dự án về toán học mà giáo trình và các phương pháp giảng dạy toán ngày càng tốt hơn.

Năm 1867, Ủy ban Hoàng gia về giáo dục tại Scotland đã đưa ra một bản báo cáo chi tiết về tình hình giáo dục tại thời điểm đó. Dựa vào đó, năm 1872 đã ra đời đạo luật Giáo dục làm nền tảng cho sự phát triển giáo dục ở đây trong một giai đoạn dài hàng trăm năm. Nền giáo dục được hướng tới cho toàn thể dân Scotland. Giáo dục tiểu học được cải thiện, trong đó toán học được chú trọng giảng dạy. Giai đoạn này, ở Scotland có hai loại trường cơ bản. Các trường của giáo xứ ban đầu chỉ dạy tiểu học. Sau dần, các trường này cũng tham gia dạy cả trung học. Các trường tại thị trấn ban đầu chỉ dạy cho học sinh trung học. Sau đó, do sự cạnh tranh, các trường tại thị trấn mở thêm cả tiểu học. Một số trường có thu học phí nhằm tạo cơ hội tốt hơn cho những học sinh mà cha mẹ có điều kiện hơn. Nhờ sự cạnh tranh giữa hai loại trường mà Scotland có một hệ thống giáo dục phổ thông tốt, ổn định. Từ năm 1872, Scotland liên tục thực hiện thay đổi nhằm phát triển giáo dục. Trong đó, thay đổi phương pháp giảng dạy, tăng lương cho giáo viên và chú ý đến thanh tra trường học nhằm kiểm soát tốt chất lượng giáo dục của các trường.

Kết quả kỳ trước: Đại học London thành lập năm 1836.

Kỳ này: George Chrystal (1851-1911) là một nhà toán học người Scotland. Em hãy cho biết ông từng là hội viên hội Hoàng gia nào? Câu trả lời gửi về chuyên mục “Toán học, học mà chơi”, Tòa soạn Báo Hànộimới, 44 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảng dạy toán ở Anh thế kỷ XIX (kỳ 2)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.