Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gian nan xây dựng cánh đồng mẫu lớn

Việt Phong| 11/01/2017 07:12

(HNM) - Từ những năm 2009-2010, Bộ NN&PTNT đã phát động chương trình xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn. Qua nhiều năm thực hiện, nhiều mô hình đã được hình thành cho hiệu quả cao, tuy nhiên, việc nhân rộng còn nhiều gian nan.


Hà Nội đã đạt được những thành công bước đầu từ việc triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn. Trong ảnh: Sản xuất lúa chất lượng cao tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh.Ảnh: Anh Tuấn


Hiệu quả cao

Những năm qua, các tỉnh, thành trên cả nước đã tích cực hoàn thành dồn điền, đổi thửa, tạo ra những vùng sản xuất lớn theo hướng tập trung, chuyên canh cao, đáp ứng các tiêu chí trong xây dựng CĐML. Theo Bộ NN&PTNT, riêng vụ hè thu, vụ mùa vừa qua các tỉnh phía Bắc đã xây dựng được 859 mô hình CĐML với diện tích 42.334ha, tăng so với cùng kỳ khoảng 2.674 ha. Một số địa phương đã tích cực phát triển mô hình, thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) tham gia như: Thanh Hóa, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội, Nam Định…, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất trong trồng trọt nói chung và sản xuất lúa nói riêng. Điển hình như việc triển khai mô hình CĐML thông qua chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao của Hà Nội giai đoạn 2011-2015.

Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết: Chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao của Hà Nội triển khai đã đáp ứng các tiêu chí về xây dựng CĐML. Qua thực hiện chương trình, đến nay Hà Nội đã xây dựng được 120 mô hình CĐML quy mô 100ha đến 150ha. Chương trình đã tạo sự lan tỏa rộng rãi, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng lúa. Đến nay, các mô hình này đã phát triển bền vững.

Không chỉ Hà Nội, An Giang cũng là tỉnh tiên phong thực hiện thành công mô hình CĐML. Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho biết, nông dân tham gia CĐML đã hạ giá thành sản xuất lúa còn khoảng 700 đồng/kg (tùy thời điểm từng năm). Đặc biệt, chi phí giống, nhân công giảm đáng kể. Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, với diện tích tham gia mô hình hằng năm của cả nước trên dưới 35 nghìn héc ta đã tiết kiệm cho nông dân trên 160 tỷ đồng/năm. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng: Thành công của việc triển khai mô hình CĐML không chỉ là tăng giá trị sản phẩm mà còn hình thành mối liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, đặc biệt chất lượng sản phẩm đồng nhất và tăng cao, đây là tiền đề tạo vùng nguyên liệu lớn phục vụ sản xuất và xuất khẩu.

Mới dừng ở thí điểm

Dù hiệu quả mô hình CĐML đã được khẳng định song đến nay việc triển khai hết sức khó khăn. Thực tế cho thấy, mặc dù các địa phương đã hoàn thành tốt công tác dồn điền, đổi thửa, tạo tiền đề để hiện thực hóa mô hình CĐML, song diện tích sau dồn đổi của các hộ còn rất nhỏ, chỉ dao động từ 1ha đến 5ha, khó có thể hình thành được CĐML.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng: Muốn thực hiện thành công mô hình CĐML nhất thiết phải có sự tham gia của các DN. Tuy nhiên, đến nay DN chưa thực sự muốn đầu tư, liên kết với nông dân thực hiện mô hình CĐML. Hiện nay, DN vẫn muốn duy trì cách thức thu mua nông sản thông qua đội ngũ thương lái... nên việc nhân rộng mô hình còn khó khăn. Một số DN tích cực tham gia thì gặp khó khăn về nguồn vốn để bao tiêu sản phẩm cho nông dân, đầu tư cho sấy, kho bãi..., tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng rất khó. Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát Lâm Anh Tuấn nhận định: Khi tham gia mô hình CĐML, DN và nông dân đều có lợi. Tuy nhiên, việc phá cam kết giữa hai bên vẫn thường xảy ra do nông dân chưa nhận thức rõ lợi ích sản xuất theo hợp đồng mà chạy theo giá cả. Ông Tuấn cho rằng, chính quyền cần tăng tính hỗ trợ giải quyết nếu có tranh chấp xảy ra giữa DN và nông dân trong vấn đề liên kết sản xuất CĐML để giảm bớt mối lo ngại của DN. Đồng thời, Ngành Nông nghiệp nên có đánh giá về việc triển khai mô hình CĐML thường xuyên để biết DN nào làm tốt, từ đó, chọn những DN đầu tư và thu mua tốt để tạo điều kiện liên kết với nông dân.

Để giải quyết những vướng mắc về vốn cũng như chính sách, Bộ NN&PTNT đã kiến nghị Chính phủ ban hành quyết định về một số chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân, hợp tác xã, DN sản xuất theo phương thức CÐML. Ðồng thời, đề nghị Chính phủ xây dựng, điều chỉnh một số văn bản pháp luật có liên quan giúp các DN tham gia xây dựng CĐML, tạo cơ chế thu hút, hỗ trợ DN. Hy vọng rằng với những động thái tích cực, việc xây dựng CĐML sẽ từng bước nhân rộng đem lại lợi ích thiết thực cho nông dân.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Phạm Văn Bảy: Hiện chỉ một vài mô hình CĐML được xây dựng thành công trong sản xuất lúa và mới dừng ở thí điểm, việc nhân rộng hết sức khó khăn. Không chỉ DN gặp khó về nguồn vốn mà lực lượng kỹ thuật hỗ trợ nông dân trong mô hình còn mỏng, kinh phí hỗ trợ hầu như không có. Việc xác định giá giữa DN và nông dân còn chênh lệch nhau. Bên cạnh đó, diện tích đất mỗi hộ rất ít nên số hộ tham gia trong mỗi mô hình khá đông, trong khi kiến thức, điều kiện, khả năng đầu tư, áp dụng tiến bộ kỹ thuật của nông dân không đồng đều khiến việc xây dựng CĐML càng thêm khó.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gian nan xây dựng cánh đồng mẫu lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.