Xã hội

Gian nan phòng, chống tái nghiện ma túy

Hà Hiền 23/01/2024 08:57

Phòng, chống tái nghiện ma túy cho người sau cai trên địa bàn Hà Nội hiện nay còn nhiều gian nan.

Nguyên nhân thì có nhiều và để giải quyết vấn đề này cần có sự tham gia của các bên để cùng chung tay khắc phục.

dai-dien-cac-co-quan-chuc-n.jpg
Đại diện các cơ quan chức năng tư vấn cho người sau cai nghiện ma túy tại phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân).

Những năm qua, các cơ quan chức năng thành phố rất quan tâm đến công tác phòng, chống ma túy, tạo điều kiện cho người nghiện ma túy đi điều trị cai nghiện.

Cụ thể trong năm 2023, thành phố lập hồ sơ đưa gần 1.500 người đi điều trị cai nghiện theo diện bắt buộc, đạt hơn 122% kế hoạch, tăng gần 400 người so với năm 2022. Các mô hình điều trị cai nghiện tự nguyện được tạo thuận lợi để hoạt động, qua đó các địa phương đưa hơn 1.000 người đi cai nghiện tự nguyện. Kết thúc thời gian điều trị, họ được giúp đỡ nhiều mặt để tái hòa nhập với cộng đồng.

Theo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội), lũy kế đến thời điểm cuối năm 2023, trên địa bàn thành phố có 470 xã, phường, thị trấn áp dụng các mô hình hỗ trợ người sau cai nghiện tìm lại chính mình. Mô hình ra đời sớm nhất, được nhiều người biết đến là Câu lạc bộ “Quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy” - Câu lạc bộ B93 - với 98 mô hình đang hoạt động hiệu quả tại nhiều địa phương; trung bình mỗi năm, thu hút 4.000-5.000 hội viên tham gia sinh hoạt.

Trong khi đó, mô hình có độ bao phủ rộng nhất là “Tình nguyện viên giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng”. Thông qua hơn 330 mô hình đang hoạt động, mỗi năm, các tình nguyện viên đã tiếp cận, tư vấn, giúp đỡ về nhiều mặt cho hàng vạn lượt người sau cai nghiện ma túy, người thuộc nhóm nguy cơ cao.

Ngoài ra, Hà Nội còn có 36 mô hình điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng đang hoạt động, cung cấp kịp thời nhiều dịch vụ hỗ trợ giảm tác hại cho người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy tại cộng đồng; đồng thời chuyển gửi nhiều trường hợp đến các dịch vụ hỗ trợ xã hội chuyên sâu...

Không chỉ giúp hội viên hình thành suy nghĩ tích cực, các mô hình hỗ trợ sau cai nghiện còn giúp nhiều người tiếp cận với cơ hội việc làm, vay vốn ưu đãi tự tạo việc làm. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết: “Năm vừa qua, các quận, huyện, thị xã hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm cho gần 200 người sau cai nghiện ma túy và gia đình họ với kinh phí gần 3 tỷ đồng. Sau khi có việc làm, cuộc sống của nhiều người chuyển biến theo hướng tích cực hơn”.

Mặc dù đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, song công tác phòng, chống tái nghiện ma túy trên địa bàn Hà Nội còn nhiều gian nan. Kết quả đánh giá tỷ lệ tái nghiện năm 2023 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho thấy, tỷ lệ tái nghiện vẫn còn cao, với sau một năm là 70% và sau 2 năm là 65%. Đáng nói, nhiều trường hợp tái nghiện nhiều lần, không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống bản thân họ mà còn cả gia đình và xã hội.

Về vấn đề này, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội Hoàng Văn Luật trăn trở: “Không ít học viên hoàn thành thời gian điều trị cai nghiện, được bàn giao cho gia đình, cộng đồng quản lý, nhưng chỉ thời gian ngắn sau, họ đã “nhập khẩu” trở lại. Mỗi lần gặp lại “người quen”, chúng tôi trĩu nặng những nỗi niềm khó tả”.

Nguyên nhân dẫn đến tái nghiện chủ yếu là do người sau cai nghiện chưa đủ quyết tâm từ bỏ con đường lầm lỡ, làm lại cuộc đời. Cùng với đó, nguồn cung ma túy chưa được kiểm soát chặt chẽ, làm gia tăng nguy cơ tái nghiện đối với người từng sử dụng ma túy. Mô hình quản lý, hỗ trợ sau cai nghiện có chỗ, có nơi chưa phát huy hiệu quả như mong đợi...

Có thể nhận thấy, việc đưa người sử dụng, người nghiện ma túy đi điều trị cai nghiện đã khó, việc phòng chống tái nghiện cho họ sau khi cai nghiện còn khó hơn. Nhằm chủ động khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả phòng chống tái nghiện, năm 2024, các cơ quan chức năng thành phố duy trì hoạt động các mô hình quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tại 470 xã, phường, thị trấn đã hình thành từ năm 2023 trở về trước; đồng thời phát triển mới các mô hình tại nhiều địa phương. Công tác hỗ trợ tạo việc làm cho người sau cai nghiện cũng được chú trọng nâng cao hiệu quả...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gian nan phòng, chống tái nghiện ma túy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.