(HNM) - Căn bệnh gian dối nếu không từng bước được kéo giảm, tiến tới ngăn chặn sẽ như một “dòng sông ngầm” trực tiếp phá hoại nền tảng đạo đức xã hội, là nguy cơ dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong suy nghĩ và hành động của nhiều cán bộ, đảng viên...
Gian dối làm xã hội suy vi
Vụ việc những cán bộ giáo dục tại 3 tỉnh Sơn La, Hòa Bình và Hà Giang trực tiếp tham gia sửa điểm cho 222 thí sinh trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 chính là “giọt nước tràn ly”, báo động cho hành vi gian dối đang bùng phát trong xã hội hiện nay. 16 cán bộ ngành Giáo dục và Công an - trong đó có người là lãnh đạo ngành Giáo dục địa phương - tham gia vào vụ việc nói trên đã bị khởi tố, cho thấy mức độ nghiêm trọng của vụ việc.
Vấn đề đặt ra là gian lận điểm thi sẽ không thể xảy ra nếu không xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh, những người muốn con em họ dễ dàng bước qua cánh cửa vào các trường đại học bằng cách “mua điểm”, “chạy điểm” chứ không phải bằng thực lực học hành.
Nhưng không phải đến khi sự việc ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La “lộ sáng” người ta mới biết tới gian dối trong lĩnh vực giáo dục. Chuyện học sinh quay cóp, một số thầy cô trực tiếp sửa điểm, học sinh, sinh viên thuê người học hộ, sinh viên làm luận văn bằng cách “đi chợ trên mạng” và cắt dán, sao chép vô tội vạ… đã tồn tại từ rất lâu.
Trong xã hội, sự gian dối đâu chỉ có vậy. Tình trạng “làm láo, báo cáo hay”; nhân bản kết quả xét nghiệm trong ngành Y tế; ăn cắp giờ hành chính để làm việc riêng; những công trình nghiên cứu khoa học nghiệm thu xong rồi “đút ngăn kéo”; ăn cắp vật liệu khi thi công các công trình xây dựng, giao thông… vẫn diễn ra. Sự gian dối đang tồn tại ở nhiều tầng bậc, ngóc ngách của cuộc sống.
Một loại gian dối, nhưng ở mức độ tinh vi, phức tạp và có sức phá hoại khủng khiếp hơn là “chạy” chức ở một bộ phận cán bộ, đảng viên. Trong nhiệm kỳ Đại hội XI và XII, Đảng ta rất chú trọng kiểm tra, xử lý các biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ, đặc biệt là khi “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp… chưa được ngăn chặn, đẩy lùi”.
Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng đã xem tình trạng “Thao túng trong công tác cán bộ, chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy tội, chạy bằng cấp...” là những biểu hiện cụ thể phản ánh suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Xét cho cùng thì đây là những hành vi gian dối nguy hiểm, tinh vi nhất, trực tiếp làm mất uy tín của Đảng, suy giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ.
Lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu
Thói háo danh, trọng bằng cấp, chạy theo thành tích của nhiều người được cho là trực tiếp khuyến khích các hành vi gian dối có điều kiện nảy nở, lây lan. Vì thế, mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức đầy đủ được tác hại khôn lường của nó và tìm cách ngăn chặn, loại bỏ.
Công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng được Đảng ta khởi xướng, đẩy mạnh thực hiện thời gian qua cũng chính là nhằm hướng đến ngăn chặn, triệt tiêu sự gian dối trong nội bộ Đảng, với tư cách là Đảng cầm quyền. Những hành vi gian dối nhỏ là vi phạm đạo đức công vụ, vi phạm kỷ luật Đảng sẽ bị xử lý hành chính thích đáng. Với những hành vi gian dối, sai phạm nghiêm trọng, đến mức phải xử lý hình sự thì cần phải quyết liệt xử lý nghiêm, với tinh thần “không có ngoại lệ, không có vùng cấm” như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Sự nghiêm minh, tự soi, tự sửa trong nội bộ Đảng khi làm tốt sẽ tự thân tạo sức lan tỏa mạnh mẽ ra toàn xã hội.
Dưới góc độ quản lý xã hội, cần thấy rằng chấn hưng giáo dục ngay từ triết lý giáo dục là rất cần thiết. Trong đó phải thấy rõ ngoài dạy kiến thức phải chú trọng khâu “dạy làm người” hơn nữa. Đặc biệt là giáo dục cho thế hệ trẻ phải được xem là khoản đầu tư cho tương lai, đòi hỏi một quá trình bền bỉ, thẩm thấu lâu dài thông qua việc thường xuyên đưa vào chương trình đào tạo các hệ quy tắc xã hội chuẩn mực trong đời sống để con trẻ hiểu và thực hành đúng. Quá trình này tất yếu phải có sự cộng đồng trách nhiệm từ gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Mở rộng ra, việc xây dựng và củng cố hệ thống các quy tắc đạo đức trong tất cả các ngành nghề, lĩnh vực của đời sống xã hội cũng rất cần thiết. Cùng với hệ thống pháp luật đủ mạnh, các bộ quy tắc ứng xử trong từng lĩnh vực sẽ giúp đạo đức xã hội dần được ổn định trong từng nhóm nhỏ, rồi từ đó lan ra toàn cộng đồng. Với ý nghĩa như vậy, việc thực hiện “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội” và “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội” là rất cần thiết, góp phần vào ngăn chặn các hành vi gian dối, sự xuống cấp đạo đức xã hội.
Với mỗi bậc phụ huynh, muốn dạy con em mình hành xử trung thực, tránh xa gian dối thì chính bản thân phải nêu gương. Ở trong nhà trường, trong xã hội, nhất là trong môi trường toàn cầu hóa (khuyến khích một thế hệ công dân toàn cầu), thì sự trung thực luôn được tôn vinh chứ không thể cho rằng trung thực là dại, là không thức thời, là thiếu kỹ năng sống…., như cách hiểu của không ít người hiện nay.
Các phương tiện thông tin đại chúng phải phát huy vai trò trong việc truyền đi thông điệp tích cực về những lối sống đẹp, lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu, biểu dương kịp thời những tấm lòng nhân ái trong xã hội và hình thành một dư luận xã hội ủng hộ các giá trị chân - thiện - mỹ. Chính cái thiện, cái đẹp của văn hóa trong xã hội sẽ góp phần đẩy lùi thói gian dối, tệ nạn và cái xấu, đạo đức tốt đẹp trong xã hội sẽ dần trở lại. Từ đó, văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, là mục tiêu và động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội, là hệ điều tiết cho sự phát triển xã hội hướng đến những điều tốt đẹp hơn.
… Mất tiền là mất ít, mất người là mất nhiều, nhưng mất niềm tin là mất tất cả! Muốn không đánh mất niềm tin, đánh mất tất cả, phải quyết tâm ngăn chặn, xử lý triệt để sự giả tạo, gian dối.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.