(HNM) - Nhóm chuyên gia Dự án cải thiện giao thông công cộng Hà Nội (Trahud 2) vừa hoàn tất báo cáo dự án thí điểm ưu tiên xe buýt trên tuyến quốc lộ (QL) 1A, đoạn từ ga Hà Nội đến Cầu Giẽ (huyện Phú Xuyên).
Thông qua dự án, các chuyên gia Trahud 2 mong muốn nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt; góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông; tăng cường năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan liên quan đến VTHKCC.
Ảnh minh họa |
Đoạn tuyến được lựa chọn để nghiên cứu áp dụng giải pháp ưu tiên là từ ga Hà Nội đến Cầu Giẽ, dài gần 36km. Các chuyên gia của Trahud đã tổ chức nhiều đợt khảo sát hiện trạng giao thông trên đoạn tuyến trước khi đề nghị UBND thành phố phê duyệt triển khai thí điểm. Qua khảo sát, hướng từ Cầu Giẽ vào trung tâm thành phố, nhu cầu giao thông biến động. Cụ thể, vào buổi sáng, hướng từ ngoại ô vào trung tâm có lưu lượng phương tiện cao hơn hẳn hướng từ trung tâm ra ngoại ô. Vào buổi chiều thì ngược lại. Trên tuyến đang có tuyến buýt số 06 nối các huyện phía nam của Hà Nội với trung tâm thành phố với 182 lượt xe buýt/ngày, hoạt động từ 5h đến 21h với tần suất 10-20 phút/chuyến. Tuy nhiên, xe buýt thường bị quá tải trong giờ cao điểm, ngày cuối tuần và dịp lễ tết. Dọc tuyến có hai bến xe lớn là Giáp Bát và Nước Ngầm, ngoài ra còn có bến xe Thường Tín cũ nằm ở giữa. Tại các điểm dừng đỗ gần thị trấn Thường Tín, ga chợ Tía, Cầu Giẽ, người dân đã tổ chức nhiều điểm trông giữ xe phục vụ nhu cầu đỗ xe trung chuyển của hành khách đi xe buýt. Hành khách thường gửi xe đạp, xe máy vào buổi sáng, sử dụng xe buýt vào trung tâm, buổi chiều lấy xe về nhà. Người gửi xe chủ yếu là học sinh, sinh viên và những người làm việc trong các khu công nghiệp dọc tuyến.
Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt; góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, UBND TP Hà Nội cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã nghiên cứu thí điểm ưu tiên xe buýt trên tuyến QL 1A, đoạn từ ga Hà Nội đến Cầu Giẽ. Theo ông Takagi Michimasa - Cố vấn trưởng Dự án Trahud 2, xe buýt sẽ đi với xe máy, sát làn xe thô sơ và tách biệt với các loại ô tô. Phương tiện công cộng này sẽ được ưu tiên hơn các phương tiện khác qua hệ thống biển báo, đèn tín hiệu.
Tuyến dự kiến sẽ chia thành những đoạn ngắn để nghiên cứu áp dụng phương thức ưu tiên. Từ hiện trạng giao thông, dự án Trahud 2 đề xuất: Đoạn ga Hà Nội - hầm Kim Liên sẽ không áp dụng làn ưu tiên cho xe buýt mà chỉ hoàn thiện tổ chức giao thông, sơn kẻ, làm mới chỗ dừng đón trả khách, cải thiện điều kiện trung chuyển cũng như không gian cho người đi bộ và xe đạp. Đoạn từ hầm Kim Liên - Vĩnh Quỳnh áp dụng làn đường ưu tiên cho xe buýt. Đoạn Vĩnh Quỳnh - Cầu Giẽ không áp dụng làn ưu tiên nhưng sẽ hoàn thiện tổ chức giao thông, đồng thời tổ chức lại giao thông, xây dựng nhà chờ, cải thiện thông tin xe buýt để hành khách dễ dàng tiếp cận, thiết lập hai bãi đỗ xe cá nhân tại Thường Tín và Cầu Giẽ để khách gửi và đi xe buýt vào nội đô.
Về bãi đỗ xe cá nhân, dự án sẽ xây dựng hai bãi đỗ xe trung chuyển tiện nghi và an toàn cho hành khách có nhu cầu gửi phương tiện cá nhân là Thường Tín và Cầu Giẽ. Các bãi đỗ xe này sẽ thu hút lượng lớn người dân lựa chọn xe buýt để di chuyển, tăng hiệu quả hoạt động của xe buýt và hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô, qua đó hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông. Quan trọng hơn, bãi đỗ xe trung chuyển sẽ giúp người dân làm quen với hình thức giao thông đa phương thức, hiệu quả và tiết kiệm, đồng thời, tạo ra mô hình mẫu cho các bãi đỗ trung chuyển để tiếp tục phát triển tuyến khác, tạo tiền đề cho việc xây dựng và vận hành các điểm đỗ lớn hơn nhằm kết nối với đường sắt đô thị trong tương lai. Bãi đỗ không chỉ tiện nghi, an toàn mà còn phải bảo đảm tiêu chí giá vé gửi xe rẻ, phù hợp với khả năng chi trả của người sử dụng hoặc sẽ được tính là một phần của giá vé xe buýt; có thể cung cấp cho người đi xe máy, xe đạp thông tin về vị trí điểm đỗ, số chỗ còn lại trên xe, thời gian xe buýt đến bãi đỗ…
Ông Nguyễn Văn Trường, chuyên gia Trahud 2 nhận định, với các giải pháp ưu tiên, tốc độ lưu thông của xe buýt trên tuyến sẽ tăng từ 5% đến 10% so với tốc độ hiện nay. Dù vẫn phải đi chung với xe máy song xe buýt không phải lưu thông với nhiều loại xe cơ giới như trước, dễ dàng ra vào điểm đỗ nên có thể giảm xung đột, qua đó giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Theo kế hoạch, dự án thí điểm này sẽ được triển khai từ cuối năm 2013.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.