Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm tỷ lệ tảo hôn, kết hôn sớm: Bài toán đa ngành

Lâm Vũ| 16/11/2013 07:06

(HNM) - Cùng với hiện tượng kết hôn sớm, nạn tảo hôn vẫn đang là mối nguy tiềm ẩn, đòi hỏi giải pháp đồng bộ nhằm cải thiện tình hình chăm sóc sức khỏe của bà mẹ và trẻ em.

Chuyện ở xã Song Phương

Mới tròn 24 tuổi, nhưng chị N.T.M ở xã Song Phương, huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã làm dâu từ 7 năm nay. Đang học lớp 6, do gia đình không có điều kiện cho đi học nên chị phải ở nhà giúp mẹ. Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu giới, dân số và môi trường (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội), được thực hiện vào năm 2012, chị N.T.M kết hôn sớm vì hoàn cảnh gia đình mẹ góa con côi. Một mình phải nuôi dạy 4 chị em nên mẹ chị quyết định "gả chồng sớm cho đứa nào hay đứa ấy". Mặc dù bố mẹ chồng rất tốt, giúp đỡ chị nhiều nhưng N.T.M vẫn gặp không ít khó khăn khi về nhà chồng, đặc biệt là trong việc nuôi dạy, chăm sóc con cái. M. có thai và sinh con khi mới 17 tuổi rưỡi. Vì mang thai sớm nên con đầu lòng của chị bị sinh sớm một tháng rưỡi, lúc sinh cháu chỉ nặng 1,8kg. Đến nay, tuy đã 6 tuổi nhưng cháu chỉ được 15kg, nhẹ cân hơn nhiều so với bạn bè cùng trang lứa, ốm đau liên miên. Hiện tại, chị N.T.M sống bằng nghề làm ruộng, công việc khá vất vả mà thu nhập không đáng là bao. "Tôi cũng muốn có một nghề ổn định nhưng điều kiện gia đình không cho phép, đành an phận với nghề nông để lấy tiền nuôi con" - chị N.T.M nói.

Do tảo hôn và có con sớm, nhiều người mẹ trẻ chưa biết cách chăm sóc con.


Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Song Phương cho biết, cách đây 2 năm, hiện tượng tảo hôn vẫn có trên địa bàn xã. Trước đây, tảo hôn thường xảy ra với các bé gái ở nhà làm ruộng, không được học hành. Mấy năm trở lại đây, điều đáng quan tâm là hiện tượng kết hôn sớm ở các bé gái đang đi học. Một số em mang thai ngoài ý muốn, buộc phải rời trường lớp và tổ chức cưới dù chưa sẵn sàng làm vợ, làm mẹ. Nguyên nhân là vì các em mới lớn, có tâm lý thích khám phá, khi biết mình "quá đà" thì đã muộn. UBND xã rất nghiêm trong việc này, nhưng cũng có cái khó vì nhiều em đã có thai tới tháng thứ 6, 7 nên chỉ có thể yêu cầu gia đình không tổ chức cưới cho các em, khi nào đủ tuổi thì đến UBND xã làm đăng ký kết hôn và khai sinh cho con. Hai năm gần đây, UBND xã giao cho bộ phận tư pháp thường xuyên tuyên truyền về xử lý vi phạm trong lĩnh vực hôn nhân, thông báo nội dung luật liên quan trên hệ thống đài truyền thanh và giao cho Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ lồng ghép nội dung này trong các hội nghị của chính quyền và đoàn thể. Nhờ đó người dân đã có ý thức tốt hơn trong việc chấp hành pháp luật. Hiện tại, địa phương không còn hiện tượng tảo hôn nữa.

Và vấn đề của cả nước

Theo PGS.TS Hoàng Bá Thịnh, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, dựa trên kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009, trên cả nước có 9 tỉnh có trên 5% dân số nam ở độ tuổi 15-19 và 14 tỉnh có trên 5% dân số nữ ở độ tuổi 15-17 đã từng kết hôn. Những địa bàn có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn sớm cao nhất là vùng trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Cụ thể, ở khu vực Tây Bắc, cứ 10 em trai trong độ tuổi 15-19 thì có 1 em có vợ, cứ 5 em gái trong độ tuổi trên thì có 1 em có chồng. Nghiên cứu ở Hà Nội năm 2012 cho thấy, 4% trong số mẫu khảo sát cho kết quả liên quan đến việc kết hôn sớm, 83% trong số đó là nữ; học vấn của vị thành niên càng thấp và điều kiện sinh hoạt của gia đình càng thiếu thốn thì các em càng dễ kết hôn sớm, và ngược lại.

Theo PGS.TS Hoàng Bá Thịnh, tảo hôn đem lại những tổn thất cho cá nhân và xã hội. Với cả nam và nữ giới, tảo hôn là rào cản trên con đường học tập. Nghỉ học sớm, học vấn thấp đồng nghĩa với khó khăn trong tìm kiếm công ăn việc làm. Tảo hôn cũng khiến cho những trường hợp làm cha mẹ ở tuổi vị thành niên không đủ kiến thức, kỹ năng, phương pháp và điều kiện vật chất để làm tốt vai trò của cha mẹ đối với con cái. Từ quan điểm giới, tảo hôn khiến cho các em gái có nguy cơ mang thai sớm ngoài ý muốn, điều này có thể gây ra những hậu quả xấu, thậm chí đe dọa đến mạng sống của các em. Cụ thể, nguy cơ tử vong do thai sản đối với các bà mẹ trong nhóm tuổi 15-19 cao gấp 2 lần, đối với các em gái sinh con dưới 15 tuổi thì nguy cơ này cao hơn 5 lần so với các bà mẹ lớn tuổi hơn. Mặt khác, trẻ là con của các em gái vị thành niên sẽ gặp một số rủi ro như bị sinh non, nhẹ cân, thai lưu và chết sơ sinh cao hơn trẻ sinh ra ở các bà mẹ trên 20 tuổi.

Muốn giảm thiểu tỷ lệ tảo hôn, theo các nhà nghiên cứu, cần tăng cường đầu tư một cách có hiệu quả để phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng khó khăn, những địa phương có tỷ lệ tảo hôn cao. TS Hoàng Bá Thịnh cho rằng, cần đầu tư nhiều hơn cho các em gái: "Một khi các em gái được nuôi dưỡng tốt và được tiếp cận với giáo dục bậc cao, các em sẽ nhận thức được những nguy cơ từ tảo hôn. Từ đó, các em có thể sẽ kết hôn muộn hơn, sinh con khỏe mạnh và nuôi dạy con tốt".

Đó là giải pháp chung, trong thực tế, vấn đề chỉ có thể được giải quyết triệt để nhờ một hệ giải pháp đồng bộ cả về truyền thông, y tế, giáo dục, kinh tế, văn hóa… bao gồm mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể đối với từng vùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm tỷ lệ tảo hôn, kết hôn sớm: Bài toán đa ngành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.