(HNM) - Nhiều hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính khó
TP Hồ Chí Minh kỳ vọng với việc thực hiện ủy quyền, giải quyết thủ tục hành chính sẽ đạt hiệu quả cao. |
Hành trình gian nan
Ông Nguyễn Văn Tâm (quận 8) vừa trải qua hành trình vất vả trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (giấy chứng nhận). Ông Tâm cho biết, gần một năm qua, ông phải “chạy lên, chạy xuống” không biết bao nhiêu lần tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, nhưng lần nào cũng "hẹn".
Trao đổi về những tình huống như thế này, một cán bộ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Văn phòng UBND quận 8 cho rằng, từ khi thực hiện “một cửa” đến nay, toàn bộ hồ sơ cấp giấy chứng nhận nhà đất trên địa bàn thành phố đều chuyển về Sở Tài nguyên và Môi trường để giải quyết, thay vì trước đây nhà đất nơi nào thì UBND quận, huyện đó giải quyết.
Theo Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hồ Chí Minh (Sở Tài nguyên và Môi trường), dù UBND thành phố đã cho phép Sở Tài nguyên và Môi trường ủy quyền cho cơ quan này được ký cấp đổi, cấp mới giấy chứng nhận nhưng hồ sơ vẫn phải chuyển lên Sở để đóng dấu. Trong khi đó, các chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai tại các quận, huyện chưa được giao quyền cấp giấy chứng nhận. Điều này khiến hồ sơ nhà đất bị dồn ứ ở Sở Tài nguyên và Môi trường, kéo dài thời gian hoàn tất để trả kết quả cho người dân.
Còn đối với thủ tục đầu tư dự án nhà ở, ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc một công ty bất động sản ở quận 7 cho biết, để đầu tư một dự án nhà ở, doanh nghiệp phải mất thời gian cả năm, phải mang hồ sơ đến nhiều sở, ngành khác nhau.
Ông Tú miêu tả hành trình gian nan mà công ty từng trải qua như sau: Khi có đất “sạch” (đất đã giải phóng mặt bằng), doanh nghiệp nộp đơn tại UBND quận, huyện xin chỉ tiêu quy hoạch; sau đó nộp hồ sơ tại Sở Tài nguyên và Môi trường để xác định diện tích giao đất và làm việc với Sở Tài chính, Cục Thuế để xác định tiền sử dụng đất của dự án. Kế tiếp, doanh nghiệp mang hồ sơ lên Sở Xây dựng để đơn vị này xem xét và trình UBND thành phố ra các quyết định chấp thuận chủ trương, công nhận chủ đầu tư và chấp thuận đầu tư.
Thực tế cho thấy, vẫn có thể tinh giản bớt những thủ tục không cần thiết như công đoạn xác định chỉ tiêu quy hoạch, Sở Quy hoạch - Kiến trúc có thể thống nhất để UBND quận, huyện ban hành quyết định về chỉ tiêu quy hoạch của dự án, không cần chuyển hồ sơ qua sở này. Ở công đoạn chấp thuận đầu tư, UBND thành phố có thể ủy quyền cho Sở Xây dựng ký quyết định chấp thuận đầu tư, đồng thời bỏ chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư.
Giải quyết căn cơ tình trạng trễ hẹn
Liên quan đến thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh đã đề xuất cơ chế ủy quyền cho chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận, huyện được ký cấp giấy chứng nhận.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, UBND thành phố cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp đã thống nhất với đề xuất này. Khi đó, thời gian giải quyết hồ sơ sẽ được kéo giảm và giải quyết căn cơ tình trạng trễ hẹn như hiện nay.
Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị triển khai đề án ủy quyền nhằm giảm trung gian, tăng hiệu quả giải quyết công việc của các cơ quan nhà nước. Ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh cho biết, việc ủy quyền không phải bây giờ thành phố mới thực hiện, nhưng lần này tổng thể và toàn diện hơn.
Mục tiêu của việc ủy quyền theo đề án này giúp thúc đẩy cải cách hành chính, hạn chế đùn đẩy trách nhiệm qua lại giữa các sở, ngành. Các đầu việc thuộc thẩm quyền của UBND thành phố sẽ được giảm xuống, qua đó tăng đầu việc, thẩm quyền cũng như trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, PGS.TS Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, khi được UBND thành phố ủy quyền cũng đồng nghĩa với tăng thêm thẩm quyền của các cơ quan chuyên môn được ủy quyền. Điều này giúp rạch ròi trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan liên quan, qua đó tăng hiệu quả giải quyết công việc cũng như người dân dễ dàng giám sát hơn.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết, đây là đề án ủy quyền rất mạnh mẽ. Qua đó, người đứng đầu Đảng bộ thành phố đề nghị các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng sổ tay hướng dẫn về thực hiện ủy quyền. "Để công việc của người dân không bị ách tắc, nếu cần thiết, các đơn vị, quận, huyện có thể tổ chức làm thêm giờ, xử lý ngay công việc phục vụ người dân, doanh nghiệp", Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân gợi ý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.