(HNMO)- Với việc giảm số môn thi tốt nghiệp THPT từ 6 xuống 4, cách ra đề của Bộ sẽ thay đổi như thế nào? Dù TS chỉ thi 4 môn nhưng Bộ vẫn phải ra đề 8 môn, phòng thi được sắp xếp ra sao?
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục |
- PV: Trước hàng loạt những thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, liệu cách ra đề thi cũng thay đổi , đặc biệt với môn ngoại ngữ?
- Ông Mai Văn Trinh: Cách ra đề thi căn bản vẫn giữ nguyên. Cụ thể với các môn toán, ngữ văn, lịch sử, địa lý vẫn thi tự luận. Môn vật lý, hóa học, sinh học thi trắc nghiệm. Riêng môn ngoại ngữ sẽ có phần tự luận và phần trắc nghiệm để đánh giá kỹ hơn các kỹ năng của HS. Thời gian thi môn ngoại ngữ vẫn là 60 phút.
Trong vài năm trở lại đây, chúng ta đã có điều chỉnh trong việc dạy tổng hợp. Đặc biệt trong đề thi của hai kỳ thi đã đưa vào đó câu hỏi mở, đòi hỏi HS phải vận dụng kiến thức tổng hợp, kiến thức hiểu biết xã hội để giải quyết vấn đề. Hướng này được tiến hành từng bước từ đơn giản đến phức tạp, từ nông đến sâu, từ diện hẹp đến diện rộng để đến một lộ trình nào đấy việc đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá phù hợp thì chúng ta sẽ tiến tới được mục tiêu chuyển từ 4 môn thi thành 4 bài thi.
- Có lo sợ HS học lệch khi các em được quyền tự chọn môn thi?
- Tôi nghĩ không phải ai cũng học được toàn diện. Nhưng có điều, năm nay chúng ta sử dụng điểm học cả quá trình học của HS vào xét công nhận tốt nghiệp. Do đó, để có kết quả tốt thì HS phải cố gắng học cả quá trình. Chúng ta phải nhìn vấn đề học lệch theo khía cạnh khác. Nếu xét đến từng HS, đúng là các em chỉ chọn hai môn thi ĐH, nhưng xét trong tổng số học sinh thì chúng ta có 6 môn được chọn.
- Bộ đã lắng nghe các ý kiến phản hồi để đưa môn ngoại ngữ từ môn khuyến khích thành môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp 2014. Việc này có làm chậm quá trình chúng ta đi lên chuẩn ngoại ngữ không?
- Rõ ràng trong bối cảnh Việt Nam hướng tới hội nhập quốc tế thì môn ngoại ngữ rất quan trọng và chúng ta đang thực hiện những giải pháp căn bản để hướng tới lộ trình này. Vậy có nghĩa là chúng ta đánh giá đúng vai trò của môn ngoại ngữ dù là ở môn khuyến khích như dự thảo hay môn tự chọn như bây giờ là đều đánh giá đúng vị trí của môn ngoại ngữ.
Bộ đưa môn ngoại ngữ thành tự chọn là trên cơ sở tiếp thu các ý kiến theo nguyện vọng HS, phụ huynh và xã hội. Môn ngoại ngữ chắc chắn sẽ đi đến một lộ trình nó là môn thi bắt buộc. Đến lúc đó, việc thi ngoại ngữ sẽ linh hoạt và toàn diện hơn.
Giảm thiểu tối đa HS phải thi hai môn trong một buổi thi |
- Thí sinh thi 4 môn nhưng vẫn ra đề 8 môn, cách bố trí các môn thi của Bộ như thế nào?
Để tránh các rủi ro có thể xảy ra chúng tôi làm theo nguyên tắc sau: Mỗi HS có một số báo danh duy nhất trong kỳ thi và phòng thi sẽ được xếp theo môn. Mỗi buổi thi sẽ có hai ca thi. Mỗi ca thi sẽ có duy nhất một môn thi. Như vậy, hoàn toàn loại bỏ được sự lo lắng trong một phòng thi có nhiều môn thi ban đầu.
Hiện chúng tôi đang dự kiến phương án tổ chức thi như sau: Ví dụ một buổi thi môn văn - hóa, Buổi thứ hai thi vật lý - lịch sử, Buổi nữa thi toán - ngoại ngữ; Buổi cuối cùng thi địa lý - sinh học. Như vậy bảo đảm mỗi ca thi chúng ta có ít nhất 75 phút để thực hiện các thao tác kỹ thuật.
Việc xếp các môn thi cùng buổi cũng có ngụ ý là để giảm thiểu tối đa HS phải thi hai môn trong một buổi thi.
- Trong những phương án trước đây, Bộ đưa ra tỷ lệ miễn thi 20%. Nhưng trong quyết định mới nhất chiều 24/2, vì sao Bộ lại bỏ tỷ lệ này?
- Đây là chủ trương đúng, nhằm tạo động lực phấn đấu để các HS có năng lực phấn đấu thêm. Chính vì vậy mà sau khi phương án đưa ra có nhiều ý kiến. Có ý kiến đề nghị phải miễn thi nhiều hơn, tới 50%, 70%. Tuy nhiên, sau khi trao đổi với các cơ sở quản lý giáo dục, chúng ta thấy rằng là do các điều kiện khách quan khác nhau nên điều kiện dạy học của các vùng, các địa phương trong nước là rất khác nhau.
Thứ hai là cũng có phần gây khó khăn, phức tạp cho địa phương trong việc chúng ta triển khai. Nên với tinh thần thi nghiêm túc, Bộ chủ trương trong năm nay không triển khai miễn thi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.