Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm thiểu ô nhiễm hệ thống thủy lợi Đan Hoài: Mới chỉ là ý tưởng

Thúy Nga - Chí Kiên| 26/01/2013 07:06

(HNM) - Ngày 25-1, Hội Cơ học Hà Nội tổ chức hội thảo



Hệ thống công trình thủy lợi Đan Hoài bị ô nhiễm nặng.


Ô nhiễm nghiêm trọng

Hệ thống thủy lợi Đan Hoài có nhiệm vụ tưới tiêu cho hơn 12.000ha đất canh tác, 324ha nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt cho hàng chục vạn dân của các huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Từ Liêm, Thanh Oai, Chương Mỹ và quận Hà Đông. Sau 50 năm vận hành khai thác, hệ thống công trình đã xuống cấp, máy bơm chế tạo theo tiêu chuẩn cũ, không có thiết bị đồng bộ thay thế, dẫn đến hiệu suất sử dụng thấp. Mặt khác, những năm gần đây, vào mùa khô, mực nước sông Hồng bị hạ quá thấp so với thiết kế, trạm bơm không vận hành được.

Trong phạm vi hệ thống có hai kênh tiêu T1 và T2, tự chảy ra sông Nhuệ. Hai kênh này đang bị bồi lấp và gây ô nhiễm nặng nề cho các vùng ven sông, nhất là kênh tiêu T2, đi qua các làng nghề chế biến nông sản của huyện Đan Phượng và huyện Hoài Đức. Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết: Hệ thống công trình thủy lợi Đan Hoài từ lâu đã phải hứng chịu lượng lớn nước thải sinh hoạt của các ao hồ, làng nghề, chăn nuôi, chất thải công nghiệp chưa được xử lý thoát ra kênh tiêu chính. Đặc biệt, những năm gần đây, do việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật quá mức, rồi tàn dư cây trồng sau thu hoạch xả thẳng xuống kênh gây ô nhiễm, cản trở dòng chảy. Vào mùa khô, kênh tiêu không có nước chảy, nước thải giữ trong kênh, trở thành ao tù. Trong năm 2012, do nước quá bẩn, hơn 40ha đất canh tác của huyện không thể cấy. Có thời điểm, một số trường học gần hệ thống công trình thủy lợi phải đóng cửa, do mùi thối bốc lên nồng nặc. Các huyện Hoài Đức, Từ Liêm cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do ô nhiễm. Ông Nguyễn Tất Huấn, cán bộ Phòng Kinh Tế huyện Từ Liêm cho biết: Do nguồn nước bị ô nhiễm, một số xã không thể bơm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, các loài thủy sinh không thể sống được. Theo ông Nguyễn Văn Tuất, Phó Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức, hệ thống kênh này ngày càng bị bồi lắng, thu hẹp dòng chảy, có đoạn rác thải, chất thải lấp sâu 1,5m.

Vẫn chỉ là giải pháp tình thế

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm, thành phố Hà Nội triển khai nhiều dự án cải thiện nước và môi trường của sông Nhuệ như: thu gom nước thải bị ô nhiễm; xây dựng các nhà máy xử lý nước thải trước khi xả xuống sông Nhuệ; nạo vét, cải tạo nâng cấp trục chính sông Nhuệ; xây dựng mới trạm bơm tưới, tiêu Liên Mạc để đưa nước sông Hồng vào sông Nhuệ khi cần thiết... Những dự án này đều có quy mô lớn, vốn đầu tư nhiều, thời gian thi công kéo dài và công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư rất phức tạp, trong khi đó nguồn tài chính của Hà Nội đang khó khăn, do vậy, không thể đầu tư ngay một lúc được. Hơn nữa, địa hình của hệ thống Đan Hoài khá cao so với lòng sông Nhuệ, nên khi trạm bơm tưới, tiêu Liên Mạc hoàn thành, các kênh tiêu T1 và T2 vẫn không có nguồn nước chảy, nếu không vận hành các trạm bơm Đan Hoài và Bá Giang. Nghĩa là, việc nạo vét các kênh tiêu này chỉ có ý nghĩa khai thông lòng kênh, chưa tạo dòng chảy vào mùa khô.

Ông Nguyễn Trí Trấn, nguyên Giám đốc Xí nghiệp thủy lợi Đan Hoài cho rằng, ý tưởng tận dụng các công trình sẵn có tiếp nước cho sông Nhuệ vào mùa khô hạn là khả thi, nhưng phải xây dựng quy trình. Theo Hội Cơ học Hà Nội, việc tận dụng các công trình cũ như trạm bơm Bá Giang, Đan Hoài, Hồng Vân để cung cấp nước cho các kênh tiêu và sông Nhuệ vào mùa khô, vừa không ảnh hưởng xấu đến nhiệm vụ tưới, tiêu của hệ thống thủy lợi Đan Hoài, vừa có tính khả thi, vì chi phí xây dựng không cao, thời gian xây dựng nhanh, không phải đền bù, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, các chuyên gia thủy lợi lại cho rằng, đây chỉ là giải pháp xử lý tạm thời, về lâu dài phải giải quyết từ gốc, ngăn chặn tình trạng xả rác thải, chất thải bừa bãi xuống kênh tiêu. Hiện tại, các đơn vị thủy nông rất vất vả cho công tác nạo vét, khơi thông dòng chảy.

Đồng quan điểm về việc tận dụng công trình sẵn có đưa nước vào hệ thống công trình thủy lợi Đan Hoài, song GS-TS Nguyễn Văn Phó, Chủ tịch Hội Cơ học Hà Nội cho rằng, đây chỉ là giải pháp tạm thời, để cải thiện nguồn nước, thành phố cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục ô nhiễm. PGS-TS Khổng Doãn Điền, Phó Chủ tịch Hội Cơ học Hà Nội đề xuất thêm, UBND TP Hà Nội nên lồng ghép các chương trình xây dựng nông thôn mới, xử lý cấp bách ô nhiễm hệ thống công trình thủy lợi Đan Hoài.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng: Cần tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, vận động nhân dân xây dựng hầm khí biôga để xử lý chất thải chăn nuôi, giám sát chặt chẽ việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp, xử lý nước thải từ các làng nghề…; đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới một số tuyến kênh tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm thiểu ô nhiễm hệ thống thủy lợi Đan Hoài: Mới chỉ là ý tưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.