(HNM) - Kết quả nổi bật sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TƯ ngày 30-11-2005 của Ban Bí thư về “Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới” trên địa bàn thành phố Hà Nội là đã từng bước giảm tác hại, giảm kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS. Điều này được thể hiện rõ tại Báo cáo số 698-BC/TU ngày 13-7-2020 của Thành ủy Hà Nội về nội dung này.
85% số người nhiễm HIV/AIDS được tư vấn, điều trị
Hà Nội là địa phương tập trung đông dân cư, kinh tế - xã hội phát triển sôi động, nhưng cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội, các bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS. Nhằm hạn chế nguy cơ lây lan bệnh tật trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TƯ với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt, coi đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài. Các địa phương cũng xác định rõ công tác phòng, chống HIV/AIDS là một trong những tiêu chuẩn để bình xét các danh hiệu văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; đồng thời lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm. Công tác thông tin, tuyên truyền về tác động của HIV, nguy cơ, cách thức phòng, chống được triển khai thường xuyên, liên tục.
Đặc biệt, chương trình can thiệp, giảm tác hại đối với người nhiễm HIV được các đơn vị, địa phương triển khai bài bản, phù hợp với từng đối tượng. Theo thống kê, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố có mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên đồng đẳng tham gia can thiệp giảm tác hại tại cộng đồng; can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV trong nhóm người có nguy cơ cao. Người nhiễm HIV/AIDS trong diện quản lý được tiếp xúc với các dịch vụ y tế, điều trị, tư vấn đạt 85%. Số bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) tăng dần hằng năm, đến năm 2019 đã vượt kế hoạch đề ra. Đáng ghi nhận, 100% trẻ em nhiễm HIV, 100% bệnh nhân lao nhiễm HIV được điều trị ARV; 100% phòng khám ngoại trú trên địa bàn thành phố duy trì đủ thuốc kháng HIV và thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV/AIDS đến khám, điều trị…
Việc điều trị dự phòng để phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được thực hiện đối với 100% thai phụ có kết quả xét nghiệm HIV dương tính trước, trong và sau khi chuyển dạ; 80% phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ có kiến thức về phòng lây truyền HIV… Chị N.V.K (quận Đống Đa), cho biết: “Nhờ được trang bị kiến thức về phòng, chống HIV từ trước khi có kế hoạch sinh con; đồng thời được theo dõi, điều trị trong suốt quá trình mang thai, dù nhiễm HIV, tôi đã may mắn sinh con hoàn toàn khỏe mạnh. Hiện nay, con trai tôi đã gần 5 tuổi, cháu phát triển bình thường”.
Đối với người dân, đa số đều có nhận thức, hiểu biết đúng về HIV/AIDS, từ đó có thái độ ứng xử phù hợp đối với người bệnh; đồng thời biết cách bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình, cộng đồng. Anh Hoàng Tiến Thắng, thôn Quảng Phúc, xã Yên Bài (huyện Ba Vì), chia sẻ: “Các chương trình, hoạt động truyền thông liên tục diễn ra tại cộng đồng đã giúp chúng tôi hiểu việc sống lành mạnh, chung thủy một vợ, một chồng, không nhận máu và các chế phẩm máu chưa qua xét nghiệm HIV, dùng riêng đồ cá nhân sẽ không bị nhiễm HIV. Trong trường hợp tiếp xúc với người nhiễm HIV, nhưng không tiếp xúc trực tiếp với các dịch cơ thể của họ, thì người tiếp xúc không bị nhiễm HIV”.
Cung cấp dịch vụ an sinh xã hội cho người nhiễm HIV
Không thể phủ nhận những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, song do nhiều nguyên nhân, tình hình HIV/AIDS trên địa bàn Hà Nội còn diễn biến phức tạp. Đến thời điểm này, các cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 29.000 trường hợp nhiễm HIV, cư trú ở 30 quận, huyện, thị xã, trong đó hơn 21.000 người đã chuyển thành bệnh nhân AIDS, số bệnh nhân đã tử vong là hơn 6.000 người.
Đáng lo hơn, hiện nay, đa số người nhiễm HIV/AIDS ở độ tuổi còn trẻ với 87,21% số người nhiễm trong độ tuổi từ 20 đến 39 tuổi, làm suy giảm lượng lao động xã hội, ảnh hưởng sức khỏe sinh sản. Nguyên nhân nhiễm HIV/AIDS chủ yếu là do nghiện ma túy, quan hệ tình dục không an toàn.
Để khống chế tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng, giảm thiểu tác hại của bệnh dịch này đối với xã hội, tại Báo cáo số 698-BC/TU, Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy, chính quyền tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng; lồng ghép mục tiêu, chỉ tiêu về phòng, chống HIV/AIDS vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Các sở, ban, ngành, đoàn thể cần chủ động lập kế hoạch, bố trí kinh phí, lồng ghép triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với chương trình giảm nghèo, giới thiệu việc làm, tạo sinh kế cho người nhiễm HIV hòa nhập cộng đồng. Thành ủy Hà Nội khuyến khích các đơn vị, địa phuơng huy động cộng đồng tham gia phòng, chống HIV/AIDS, tạo cơ chế thuận lợi cho các tổ chức xã hội cùng tham gia; quan tâm cung cấp dịch vụ an sinh xã hội cho người nhiễm HIV, người thuộc nhóm nguy cơ cao…
Với người nhiễm HIV/AIDS, ngoài việc quan tâm điều trị, hỗ trợ sinh kế, cung cấp dịch vụ an sinh xã hội, các cơ quan, đơn vị chức năng cần khuyến khích họ tham gia vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, giám sát việc thực hiện giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.