Bất động sản

Giám sát việc quản lý thị trường bất động sản tại 12 địa phương

Tiến Thành 17/08/2023 - 17:40

Đoàn giám sát của Quốc hội dự kiến tổ chức giám sát trực tiếp tại 12 địa phương, gồm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Bình Dương, Bình Thuận, Đồng Nai, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hưng Yên.

Chiều 17-8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 25, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

ubtvqh9.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Phó Trưởng đoàn Thường trực cho biết, giám sát chuyên đề của Quốc hội sẽ đánh giá một cách toàn diện, khách quan, trung thực các kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.

Trên cơ sở đó, xác định nguyên nhân; chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất các kiến nghị, giải pháp hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, trong đó có việc ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ sáu.

Đối tượng giám sát là Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Về phạm vi giám sát, Đoàn sẽ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội trên phạm vi cả nước từ ngày 1-7-2015 đến hết ngày 31-12-2023 .

ubtvqh10.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.

Trên cơ sở tổng hợp báo cáo kết quả của các đối tượng chịu sự giám sát và báo cáo tổng hợp của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương, báo cáo của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao, Đoàn giám sát tổ chức làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành và tổ chức giám sát thực tế, làm việc với các địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan để làm rõ một số nội dung thuộc chuyên đề giám sát; tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan để hoàn thiện dự thảo báo cáo.

Đoàn giám sát dự kiến tổ chức giám sát trực tiếp tại 12 địa phương, gồm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Bình Dương, Bình Thuận, Đồng Nai, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hưng Yên.

Từ tháng 7 đến trước ngày 15-8-2024, Đoàn giám sát hoàn thiện dự thảo báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết kết quả giám sát chuyên đề, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8-2024. Đoàn giám sát trình Quốc hội Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề tại kỳ họp thứ tám.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giám sát việc quản lý thị trường bất động sản tại 12 địa phương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.