(HNM) - Với vai trò
Sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi 2013 và ngày 12-12-2013 Bộ Chính trị ban hành "Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội" cùng "Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền" thì MTTQ Việt Nam đã có đầy đủ chức năng, nhiệm vụ giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền và cả quy chế thực hiện để đảm nhiệm trọng trách này.
Ủy ban MTTQ huyện Quốc Oai tập huấn công tác thanh tra nhân dân và giám sát đầu tư của cộng đồng. |
"Cây gậy" pháp lý cần thiết
Thời gian vừa qua, MTTQ Việt Nam đã làm khá tốt chức năng phản biện, tham gia góp ý kiến xây dựng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trước khi ban hành. Hiến pháp năm 1992 cũng đã quy định về vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam "Mặt trận giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, viên chức nhà nước", sau đó được thể chế hóa trong Luật MTTQ Việt Nam với những quy định khung về tính chất, mục đích, phạm vi đối tượng giám sát, hình thức giám sát, cơ chế kiến nghị của Mặt trận. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến việc chưa có một cơ chế đầy đủ, các điều kiện bảo đảm chưa tốt nên hiệu quả giám sát của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân chưa cao. Vai trò phản biện xã hội chưa triển khai được do chưa có cơ chế cụ thể. Các hoạt động của MTTQ và các tổ chức thành viên chủ yếu chỉ là góp ý kiến, kiến nghị về chủ trương, chính sách, pháp luật trong quá trình dự thảo. Trong khi đó yêu cầu của phản biện xã hội phải ở mức độ cao hơn, sâu hơn và cần được tổ chức thực hiện một cách khoa học, nghiêm túc vào các dự thảo, các dự án, đề án trên cơ sở lý luận và thực tiễn để có kiến nghị xác đáng.
Trước ngày 1-1-2014 (thời điểm Hiến pháp 2013 có hiệu lực thi hành), như Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhận xét: "Mặt trận vẫn lắng nghe và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Nhưng việc phản ánh ấy mới chỉ dừng ở báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri mỗi năm hai lần trình bày trước Quốc hội và HĐND cấp tỉnh. Sau khi báo cáo, kiến nghị của cử tri do Mặt trận chuyển tải được tiếp thu đến đâu cũng không có cơ chế phản hồi rõ ràng...". Tức là, MTTQ Việt Nam có vị trí và trọng trách rất lớn nhưng chưa hội tụ đầy đủ những điều kiện cần thiết để thực hiện vai trò của mình. Lấy ví dụ, ngay cả trước thời điểm Hiến pháp 2013 có hiệu lực thi hành, ai cũng biết việc giám sát và phản biện là những nhiệm vụ, chức năng quan trọng thể hiện vai trò của MTTQ Việt Nam trong đời sống xã hội. Nhưng giám sát và phản biện những vấn đề gì, bắt đầu từ đâu và thực hiện như thế nào là những câu hỏi không dễ có câu trả lời, thậm chí với cả người trong cuộc, đặc biệt là đối với cán bộ MTTQ cấp cơ sở. Điều đó dẫn đến sự lúng túng trong hoạt động cũng là dễ hiểu khi chưa có những cơ chế, chính sách được pháp luật quy định đầy đủ, rõ ràng, nhất quán. Nhưng nay, nhiệm vụ, chức năng giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam đã được hiến định trong Hiến pháp 2013 và có quy chế thực hiện cụ thể do Bộ Chính trị ban hành. Đây cũng là điểm mới, nổi bật của Hiến pháp 2013.
Cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân
Có thể thấy, giám sát và phản biện xã hội là hai mặt công tác cơ bản của MTTQ Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng một Nhà nước Việt Nam "của dân, do dân, vì dân" mà trong đó "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" với tư cách là người chủ đích thực. Thực hiện chức năng đã được hiến định, trong "Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội" do Bộ Chính trị ban hành, MTTQ Việt Nam có trách nhiệm theo dõi, phát hiện, xem xét, đánh giá kiến nghị nhằm tác động đối với cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức nhà nước về việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mục đích thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam là nhằm góp phần xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, để cơ quan nhà nước, chính quyền tăng cường công tác quản lý mọi mặt của đời sống xã hội, khắc phục những tồn tại, yếu kém trong quản lý, điều hành phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Đặc biệt, Hiến pháp 2013 còn nêu nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam là "tham gia xây dựng Đảng". Đây là nội dung mới, thể hiện quyền hạn và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam được đề cao, xuất phát từ Điều 4 của Hiến pháp 2013: "Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình". Với vai trò đại diện cho nhân dân, MTTQ Việt Nam chính là cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân, là nơi tập hợp tâm tư, nguyện vọng của người dân để phản ánh kịp thời với Đảng, đồng thời là diễn đàn để tuyên truyền mọi chủ trương, chính sách đến với các tầng lớp nhân dân.
Cần hiểu rằng, giám sát và phản biện xã hội là nhằm tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa nhân dân với Đảng và giữa nhân dân với Nhà nước. Giám sát, phản biện xã hội càng tốt, càng hiệu quả thì Đảng càng mạnh, Nhà nước càng trong sạch, khối đại đoàn kết toàn dân càng được tăng cường, chế độ xã hội càng vững chắc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.