(HNMO) - Ngày 12-4, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tổ chức lấy ý kiến vào dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi).
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Huyền Mai phát biểu tại hội nghị. |
Gồm 10 Chương, 123 Điều, Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; biện pháp xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh.
Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Phạm Phương Thảo, giảng viên khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, trong quy định của dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) chưa xác định rõ ràng và đầy đủ các chủ thể tham gia hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh, do đó có thể bỏ sót các chủ thể là hiệp hội với tư cách là chủ thể có vai trò tổ chức, hướng dẫn các doanh nghiệp trong hiệp hội tham gia thỏa thuận. Cụ thể, trong Điều 12 về “Các thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm” chỉ nhắc đến các đối tượng bị cấm là các doanh nghiệp mà không nhắc đến hiệp hội.
Về vấn đề vị trí độc quyền, có ý kiến cho rằng, trong luật này cần nêu rõ những lĩnh vực nào thuộc độc quyền của nhà nước. Đại biểu cho rằng, nhà nước chỉ nên độc quyền trong lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia, còn điện và dầu khí không nên độc quyền.
Một số đại biểu băn khoăn về lĩnh vực cho phép tập trung kinh tế, dự thảo luật quy định các doanh nghiệp muốn tập trung kinh tế phải có đơn, hoặc thông báo cho Ủy ban Cạnh tranh, như vậy lại mất thời gian khá lâu để xét duyệt, thậm chí là 3-4 tháng, thì không khác gì “giấy phép con”, dễ nảy sinh cơ chế xin - cho, làm cản trở quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Đại biểu kiến nghị, để quản lý và giám sát thị trường cạnh tranh của doanh nghiệp thì nên theo hình thức “hậu kiểm” chứ không nên theo hình thức cấp phép.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.