Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giám sát đảng viên nơi cư trú: Bảo đảm thiết thực, hiệu quả

Hiền Phương| 11/10/2021 06:12

(HNM) - Giám sát đảng viên nơi cư trú là hoạt động góp phần giúp đảng viên thực hiện tốt nghĩa vụ công dân nơi cư trú, củng cố mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân. Tuy nhiên, để hoạt động này tại Thủ đô bảo đảm thiết thực, đạt hiệu quả cao hơn vẫn rất cần sự hướng dẫn, chỉ đạo sát sao hơn nữa của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng.

Chi bộ khu dân cư số 3 (phường Kim Giang, quận Thanh Xuân) họp bàn tìm giải pháp nâng cao hiệu quả giám sát đảng viên hai chiều. Ảnh: Đỗ Tâm

Khách quan và công tâm

Có 113 đảng viên đang công tác ở các cơ quan, đơn vị đang sinh sống trên địa bàn nên Ban Công tác Mặt trận khu dân cư số 10 (phường Khương Đình) được quận Thanh Xuân chọn thí điểm thực hiện giám sát đảng viên nơi cư trú. Cách làm của khu dân cư số 10 là vào dịp cuối năm, Ban Công tác Mặt trận cùng tổ trưởng tổ dân phố, trưởng các chi hội đoàn thể họp để đánh giá từng đảng viên và tổng hợp gửi về bí thư chi bộ nhằm bảo đảm khách quan, công tâm. Với những trường hợp chưa thực sự nhiệt tình tham gia sinh hoạt tại địa phương, cán bộ Mặt trận sẽ góp ý trực tiếp với đảng viên trước khi nhận xét.

Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư số 10 (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) Bùi Thu Én cho biết: “Với cách làm này, các đảng viên sinh hoạt hai chiều hài lòng và tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương. Điển hình là trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, đảng viên sinh hoạt hai chiều đã thể hiện rõ việc nêu gương, cùng nhân dân ủng hộ hơn 26 triệu đồng cho công tác phòng, chống dịch. Nhiều người còn tự giác tham gia trực các chốt bảo vệ "vùng xanh" an toàn”.

Còn tại tổ dân phố số 26 (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy), nơi có 70 đảng viên sinh hoạt hai chiều, ngay từ đầu năm, Ban Công tác Mặt trận và tổ dân phố họp để giao nhiệm vụ cho thành viên các tổ chức quần chúng giám sát đảng viên theo địa bàn dân cư. Khi đến kỳ nhận xét, Ban Công tác Mặt trận và Chi ủy thu giấy nhận xét trong vòng một tuần và tổ chức nhận xét trong một ngày. Đảng viên Đặng Thị Hạnh, ở tổ dân phố 26 chia sẻ: “Với sự tổ chức chặt chẽ này, đảng viên sinh hoạt hai chiều như tôi và nhiều người khác thấy phải có trách nhiệm hơn với địa phương nơi cư trú”.

Là địa phương có 60 đảng viên sinh hoạt hai chiều, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Vực (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) Bùi Thế Lợi cho biết: “Đến kỳ nhận xét, thôn sẽ thông báo tất cả các thành viên Ban Công tác Mặt trận, các trưởng, phó ban, ngành cùng tham gia và đọc tên từng người để các thành viên nhận xét, tránh cảm tính ảnh hưởng đến đảng viên”.

Vẫn cần gỡ khó

Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Phạm Ngọc Thảo góp ý quy định về giám sát đảng viên nơi cư trú.

Thực hiện việc giám sát đảng viên sinh hoạt hai chiều ở nơi cư trú, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã xây dựng và triển khai Hướng dẫn số 60/HD-MTTQ-BTT (ngày 26-4-2018) về “Giám sát và nhận xét của Ban Công tác Mặt trận đối với đảng viên thường xuyên ở nơi cư trú, đang công tác tại các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp”. Trong quá trình triển khai, bên cạnh thuận lợi, Ban Công tác Mặt trận ở cơ sở nhiều nơi cũng gặp khó khăn như: Vẫn còn có nơi cấp ủy chưa chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện giám sát đảng viên nơi cư trú; nhiều nơi chỉ có chi ủy hoặc bí thư chi bộ nhận xét mà không có ý kiến của đại diện Ban Công tác Mặt trận. Ngoài ra, với những chi bộ có số lượng đảng viên sinh hoạt hai chiều đông thì việc nhận xét từng đảng viên gặp khó khăn…

Thực hiện Quy định số 213-QĐ/TƯ ngày 2-1-2020 của Bộ Chính trị khóa XII “Quy định về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú”, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đang xây dựng dự thảo hướng dẫn thực hiện công tác này, thay thế cho Hướng dẫn số 60/HD-MTTQ-BTT.

Góp ý về dự thảo hướng dẫn mới, ông Vũ Thành Vĩnh, thành viên Hội đồng Tư vấn dân chủ và pháp luật của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội kiến nghị: “Chỉ nên nhận xét đảng viên sinh hoạt tại địa phương từ 6 tháng trở lên. Mẫu phiếu phải ngắn gọn, thiết thực để địa phương dễ nhận xét. Việc nộp phiếu cần tập trung, tổ chức nhận xét nên làm trong tháng 11 hằng năm và có sự giám sát của bí thư chi bộ cùng Trưởng ban Công tác Mặt trận để bảo đảm khách quan…”.

Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố số 23 (phường Long Biên, quận Long Biên) Nguyễn Mạnh Hiến đề nghị, Ban Thường vụ Thành ủy có văn bản chỉ đạo các cấp ủy Đảng cơ sở, bí thư các chi bộ thực hiện đầy đủ theo Quyết định số 213-QĐ/TƯ, bảo đảm tính đồng bộ giữa Đảng và Mặt trận... Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Vực (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) Bùi Thế Lợi bày tỏ: “Tôi mong muốn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố gửi văn bản cho các cơ quan trên địa bàn thành phố nêu rõ vai trò, trách nhiệm của đảng viên đối với Mặt trận cơ sở nơi mình cư trú để họ hiểu và thực hiện nghiêm túc”.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương khẳng định, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố sẽ sớm ban hành hướng dẫn thực hiện Quy định số 213-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị theo hướng dễ hiểu, rõ chủ thể, quy trình... để các địa phương thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả. Có như vậy mới phát huy được sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong công tác Đảng cũng như mọi hoạt động ở địa phương, tạo sự tin tưởng và đồng thuận trong nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giám sát đảng viên nơi cư trú: Bảo đảm thiết thực, hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.